Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(1). Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á

Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á

Trong mấy năm gần đây, tại vùng Đông Á, những chuyển động xung quanh vấn đề Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement, FTA) trở nên nhộn nhịp. Tại sao như vậy? FTA sẽ tác động như thế nào đến kinh tế và ngoại thương ở khu vực này?


Trong quá trình hình thành các FTA, cộng đồng Đông Á sẽ được triển khai như thế nào?

Mục đích của chương này là trả lời các câu hỏi trên và đặc biệt làm rõ vị trí của ASEAN trong trào lưu xây dựng những khu vực tự do thương mại tại vùng Đông Á, đồng thời đặc biệt bàn đến vị trí và chiến lược cần có của Việt Nam trước trào lưu chung này.


1. Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á


Từ đầu thập niên 1990, song song với xu thế toàn cầu hoá (globalization), chủ nghĩa khu vực (regionalism) cũng phát triển mạnh. Trước đây, hình thái cụ thể của chủ nghĩa khu vực là khu vực thương mại tự do (free trade area) nhưng từ thập niên 1990, hình thái phổ biến là FTA, song phương hoặc đa phương. FTA có phạm vi hợp tác rộng, không giới hạn trong việc thực hiện thương mại tự do mà còn xúc tiến tự do hoá đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, hiệu suất hoá thủ tục hải quan và nhiều dịch vụ khác.

Tính đến thời điểm ngày 1-5-2004, FTA trên thế giới đã lên đến con số 107, trong đó có đến 66 hiệp định được ký kết từ sau năm 1995. Theo tính toán của JETRO sau khi loại trừ những FTA đã ký giữa những thành viên của EU. . Ngược lại với trào lưu chung này, tại Đông Á, chủ nghĩa khu vực phát triển chậm. Cho đến nay mới chỉ có vài hiệp định đã được ký kết. Có một số lý do giải thích tình hình này. Một là, do chiến tranh lạnh kéo dài, do sự khác biệt về thể chế kinh tế và do những vấn đề lịch sử để lại, các nước có nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc không tích cực tìm kiếm một định chế hợp tác. Hai là, do chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản có truyền thống nhấn mạnh quan hệ đa phương trên quy mô toàn cầu thông qua các định chế quốc tế như GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại) trước đây và WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) hiện nay.

Trong vài chục năm qua, dù không có những định chế thỏa thuận giữa các nước trong vùng song các nền kinh tế tại Đông Á vừa phát triển nhanh vừa ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau thông qua hoạt động thương mại và đầu tư. Như đã thấy ở Chương 2, trong mấy chục năm qua, công nghiệp hoá tiến hành rất nhanh tại khu vực này, phản ảnh trong tỷ lệ tăng nhanh của hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu. Bảng 4.1 cũng cho thấy các nước ở vùng này ngày càng cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Thị phần của các nước trong vùng trong tổng xuất khẩu hàng công nghiệp của thế giới tăng gấp đôi, từ 18% năm 1980 đến 39% năm 2002. Đặc biệt NIEs, ASEAN và Trung Quốc đều tăng thị phần đáng kể. Trong giai đoạn này, thị phần của Nhật giảm vì đã tăng nhanh trong thời gian trước đó (từ 4,2% năm 1955 tăng lên 10% năm 1975). Xem Trần Văn Thọ (1997). Bảng 4.2 trình bày ma trận thương mại của ASEAN và các nước lớn trong vùng Đông Á. Từ thông tin trong Bảng 4.2 ta có thể thấy dễ dàng rằng các nước Đông Á đã tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp sang các nước nội vùng với tốc độ cao hơn nhiều so với xuất khẩu sang toàn thế giới. Chẳng hạn, từ năm 1992 đến 2002, tổng xuất khẩu của vùng Đông Á (ASEAN+3) tăng 1,9 lần trong khi xuất trong nội vùng tăng 2,6 lần. Riêng Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới tăng 4,4 lần nhưng sang các nước trong vùng Đông Á tăng 7 lần. Con số tương tự của ASEAN là 2,7 lần và 3,2 lần. Phân tích ở Chương 2 cũng đã cho thấy khuynh hướng tập trung thương mại trong nội bộ vùng Đông Á.

Như vậy, cho đến nay, dù không có một định chế hợp tác, song kinh tế Đông Á trên thực tế đã được kết hợp thành một khối (de facto integration) và sự kết hợp này được thực hiện qua cơ chế thị trường (market-led integration).

Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1990, các nước Đông Á kể cả Nhật Bản đã tích cực trong việc xây dựng một định chế hợp tác khu vực vì hai lý do. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á cho thấy cần có một định chế hợp tác khu vực để ngăn ngừa những bất ổn tương tự. Thứ hai, song song với sự bế tắc trong các vòng đàm phán do WTO chủ truơng, chủ nghĩa khu vực đã phát triển mạnh tại nhiều nơi khác trên thế giới và thúc đẩy các nước Đông Á chuyển hướng theo trào lưu chung này.

Không kể AFTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN), thành lập năm 1992, tại Đông Á, FTA mới được bắt đầu bàn đến từ năm 1999 bằng sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận cùng nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA giữa hai nước. Hiện nay, hai nước vẫn chưa đi đến một sự thoả thuận cụ thể nhưng sự kiện này đã châm ngòi cho những thảo luận, những đề án về FTA rất sôi nổi tại Đông Á. Theo đó, Nhật Bản và Xingapo bắt đầu thảo luận từ tháng 11-1999 và đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế (Japan - Singapo Economic Partnership Agreement, JSEPA) vào tháng 1-2002. Hiệp định này không giới hạn ở tự do thương mại mà còn nhắm đến việc đẩy mạnh đơn giản hoá, thông thoáng hoá các thủ tục giao dịch, và cùng xúc tiến hợp tác với các nước đang phát triển. Tự do thương mại cũng không giới hạn trong hàng hoá hữu hình mà còn trong các lĩnh vực dịch vụ như đầu tư, di chuyển lao động, v.v..11. Do phạm vi hợp tác khá rộng này, nên hiệp định này không gọi là FTA mà là Hiệp định hợp tác kinh tế (EPA) Nhật - Xingapo. Ngoài FTA và EPA,

còn một khái niệm nữa là RTA (Regional Trading Agreement). RTA có phạm vi nhỏ hơn EPA nhưng tác động lại sâu hơn vì có đặc tính của một đồng minh về thuế quan (custom union), nghĩa là các bên ký kết hiệp định đó có cùng một chính sách thuế quan đối với các nước bên ngoài hiệp định.

Cũng vào thời điểm Nhật Bản và Xingapo ký kết JSEPA, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đề xướng xây dựng Quan hệ đối tác toàn diện Nhật Bản ASEAN (Japan-ASEAN Comprehensive Economic Partnership) và tháng 11-2002; lãnh đạo 10 nước ASEAN đã đồng ý sẽ bàn thảo về đề án này. Đặc biệt, Nhật Bản tỏ ra tích cực sau khi Trung Quốc đưa ra đề án lập FTA với 10 nước ASEAN vào tháng 11-2001. Cuối cùng Nhật Bản và ASEAN đã thoả thuận bắt đầu thương lượng vào tháng 5-2005 và, vào tháng 9-2004 hai bên đã cam kết sẽ đi đến một thoả thuận sau hai năm đàm phán. Tuy nhiên, cam kết này không được ghi vào bản thông báo chung của hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN tại Viêngchăn tháng 11-2004, cho thấy trước mắt hai bên khó có thể đi đến một thoả thuận. Theo báo Asahi ngày 1-12-2004, trong nội bộ Chính phủ Nhật Bản có người phản đối việc định ra một mốc thời gian nhất định cho việc ký kết hiệp định Nhật - ASEAN vì sợ Nhật phải sớm chịu những nhượng bộ liên quan đến nông phẩm nhập khẩu từ ASEAN. . 

Quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN đã có một sự tiến triển cụ thể. Tại Viêngchăn (tháng 11-2004), lãnh đạo hai bên đã thỏa thuận sẽ bắt đầu thương lượng trong năm 2005 để trong năm 2006 có thể ký kết FTA. Cũng theo kết quả của hội nghị ở Viêngchăn, hai bên sẽ cố gắng để đến năm 2009 xoá bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan cho ít nhất 80% mặt hàng. Tại đây, Hàn Quốc (cùng với Nga. đã ký tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, đồng thời đẩy mạnh hợp tác kinh tế với ASEAN. Cụ thể là Hàn Quốc sẽ tăng Quỹ hỗ trợ những dự án Hàn Quốc - ASEAN từ 1 triệu lên 3 triệu USD, và sẽ xuất thêm 5 triệu USD để đẩy mạnh những nỗ lực nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển trong khối ASEAN. 

Về FTA song phương, tiến triển khá nhanh và cụ thể là quan hệ Nhật Bản-Philíppin. Tại Viêngchăn ngày 29-11-2004, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ ký kết một hiệp định liên minh kinh tế mà FTA là nội dung chính. Ngoài việc giảm thuế quan hàng công nghiệp và nông lâm thuỷ sản, hiệp định còn bao gồm những điều khoản về mở rộng thị trường lao động. Hai bên sẽ chuẩn bị để ký kết và thực hiện hiệp định trong năm 2006. Khi hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản sẽ bãi bỏ ngay hàng rào quan thuế cho tất cả các loại hàng công nghiệp, trừ hai mặt hàng da và giày, đồng thời lập tức bãi bỏ hàng rào quan thuế đối với hàng dệt may, những linh kiện bộ phận cao cấp trong xe hơi và đồ điện gia dụng. Philíppin cũng giảm thuế nhập khẩu xuống 0% trước năm 2010 đối với xe hơi và trong vòng 10 năm đối với sản phẩm điện, điện tử. Khác với hàng công nghiệp, Nhật Bản thận trọng hơn trong việc tự do hoá những mặt hàng liên quan đến nông lâm thuỷ sản. Nhật Bản sẽ bỏ quan thuế trong vòng 5 năm đối với cá hồi nhập khẩu và 10 năm đối với chuối nhập từ Philíppin, nhưng những mặt hàng khác thì sẽ định sau, có lẽ với một thời khoá biểu chặt chẽ và một thời gian tự do hoá lâu dài hơn.

Ngoài Philíppin, hiện nay Nhật Bản đang thương lượng với Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia để hướng đến việc ký kết FTA song phương trong tương lai gần11. Vào ngày 1-9-2005, Thủ tướng hai nước Nhật Bản và Thái Lan đã thoả thuận các điều khoản cơ bản để giữa năm 2006 có thể ký kết một hiệp định hợp tác kinh tế mà FTA là trọng tâm. Theo thoả thuận này, cho đến năm 2011, Thái Lan sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện, bộ phận xe hơi từ Nhật (hiện nay là từ 15 đến hơn 30%), bãi bỏ thuế nhập thép trong vòng 10 năm, thuế nhập xe hơi nguyên chiếc cũng giảm từng bước. Phía Nhật tức thời bãi bỏ thuế nhập tôm, trái cây nhiệt đới, trong vòng 5 năm giảm thuế thịt gà gia công từ 6% xuống 3%, nới rộng thời gian cư trú của đầu bếp người Thái; hợp tác kỹ thuật giúp phát triển ngành xe hơi và ngành thép của Thái, v.v... Hàn Quốc và Xingapo cũng đã bắt đầu quá trình thương lượng.

Tại Đông Bắc Á, triển vọng về việc hình thành một FTA song phương Nhật Bản với Trung Quốc hoặc Nhật Bản - Hàn Quốc, hay Trung Quốc - Hàn Quốc có lẽ còn khá xa. Ngoài bối cảnh phức tạp về lịch sử, gần đây những tranh chấp về lãnh thổ cũng làm quan hệ giữa các nước phức tạp thêm. Trung Quốc bất bình với việc Thủ tướng Koizumi đi lễ bái ở đền Yasukuni (nơi thờ cúng cả những tội nhân gây chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai) nên sự giao lưu cấp nguyên thủ quốc gia bị ngưng lại từ nhiều năm nay. Giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây lại có vụ tranh chấp về chủ quyền của hòn đảo Takeshima. Chỉ thuần về kinh tế, vấn đề FTA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn: Hàn Quốc lo ngại hàng công nghiệp của Nhật Bản sẽ tràn vào và nhập siêu của nước này sẽ tăng nhanh, ngược lại Nhật Bản lo là hàng nông phẩm của Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến nông dân của họ.

Trong tình hình đó, FTA đa phương tại Đông Bắc Á càng không có tính khả thi. Tuy lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ra tuyên ngôn chung sau buổi họp thượng đỉnh tháng 10-2003 tại Bali là sẽ hướng tới việc lập FTA gồm ba nước Đông Bắc Á này nhưng cho đến nay không thấy có tiến triển gì thêm.

Trong khi đó, nỗ lực hướng tới một cộng đồng Đông Á gồm ASEAN và ba nước Đông Bắc Á thì có tiến triển cụ thể hơn. Tại Viêngchăn vào tháng 11-2004, các nước này đã quyết định cuối năm 2005 sẽ họp hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, với tính chất là hội nghị toàn vùng Đông Á, tại Cuala Lămpơ. Cho đến nay, hằng năm đã có nhiều hội nghị thượng đỉnh của 10 nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á nhưng tất cả đều do ASEAN mời trong khuôn khổ ngoại giao của khối này. Hội nghị ở Cuala Lămpơ sắp tới do đó có tầm quan trọng đặc biệt và được dư luận châu Á và thế giới chú ý.

Nhìn chung, những tiến triển về FTA tại Đông Á cho đến nay có đặc điểm là xoay quanh các nước ASEAN. Đặc biệt, Nhật Bản và Trung Quốc đã tranh nhau đưa ra đề án FTA song phương giữa ASEAN với mình, do đó tại vùng này đang từng bước hình thành các thể chế ASEAN+1.

Riêng về ASEAN, từ nửa sau thập kỷ 1990, khối này đã trực diện nhiều vấn đề mới: ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ châu Á, sự xuất hiện mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, và sự gia tăng nhiều thành viên mới. Các vấn đề này đã mở ra một cục diện mới đối với ASEAN. Khủng hoảng tiền tệ đã cho thấy hạn chế của tổ chức ASEAN trong việc gìn giữ sự ổn định kinh tế trong khu vực và gây ra những khó khăn nhất định đối với nền kinh tế các nước này. Cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng đã làm lịch trình thực hiện AFTA của các nước thành viên bị chậm lại. Sự xuất hiện của Trung Quốc đã khiến cho sức cạnh tranh của các nước ASEAN tại những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản bị yếu đi và nhất là làm cho dòng chảy đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) chuyển hướng. Về chi tiết, xem lại Chương 3. .

Những tác động trên đã làm cho khoảng cách về sức cạnh tranh và mức độ mở cửa thị trường giữa các thành viên trong khối ASEAN ngày càng lớn. Điển hình là giữa Xingapo với các nước khác. So với các thành viên khác, Xingapo vừa là một nền kinh tế mở vừa ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ nên đã không bằng lòng với tiến độ thực hiện AFTA sau khi có khủng hoảng tài chính tại châu Á và đã tích cực ký kết hiệp định tự do thương mại song phương với các nước ngoài khu vực. Các nước thành viên khác của ASEAN lo lắng về hiệu quả chuyển hoán thương mại (trade diversion effect). Đây là hiệu quả xảy ra đối với nước C khi hai nước A và B thành lập khu thương mại tự do mà C không phải là thành viên. Xuất khẩu của C sang A và B bị giảm vì thuế quan của A và B đối với hàng nhập từ C vẫn như cũ trong khi giũa A và B không còn thuế.   tại những nước ký kết FTA với Xingapo nên đã có những hành động tương tự đối với những đối tác trong FTA của Xingapo nhằm ngăn ngừa hiệu quả đó. Đặc biệt, Thái Lan đẩy mạnh việc triển khai FT

A với Nhật Bản và các nước khác. Philíppin, Malaixia và Inđônêxia cũng tỏ ra tích cực. Trong bối cảnh đó, ta có thể hiểu được ngay tại sao Philíppin và Thái Lan đã có thái độ tích cực đáp lại đề nghị của Trung Quốc, chấp nhận việc sớm tự do hoá thương mại đối với những mặt hàng nông sản trước khi mục tiêu chung cho các sản phẩm khác sẽ được thực hiện vào năm 2010 đối với các thành viên cũ và năm 2015 đối với các thành viên mới của ASEAN (xem Chương 6).

Do đó, nhìn chung, “vẫn nói chuyện hợp tác khu vực nhưng lại hành động song phương với các nước ngoài khu vực” (talking regional, acting bilateral), một cách nói khá phổ biến gần đây tại các nước ASEAN, đã trở thành đặc trưng của các nước ASEAN từ những năm cuối thập kỷ 1990.

Những FTA song phương có phạm vi hợp tác rộng nên có thể kỳ vọng là nó sẽ thúc đẩy một cách trực tiếp, nhanh chóng những hiệu quả động làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hiệu suất hơn. Hơn nữa, việc ký kết những hiệp định thương mại song phương mới như với Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ có tác dụng nâng cao sự hợp tác trong khu vực Đông Á, và góp phần thúc đẩy quá trình hình thành thể chế ASEAN+3 trong tương lai. Từ cách phân tích này, ta thấy xu hướng mở rộng hợp tác song phương giữa các thành viên ASEAN với các nước ngoài tổ chức hoặc giữa toàn khối ASEAN với các nước là đáng khẳng định.

(Nguồn: Sưu tầm từ Internet)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(2). Bàn về khả năng thiết lập cộng đồng Đông Á trong tương lai
  • Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
  • Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
  • Giao thông vùng ĐBSCL: Diện mạo mới sau năm 2015
  • Mười vấn đề kinh tế vĩ mô năm 2008
  • Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị du lịch của một số quốc gia
  • Quy hoạch phát triển Công nghiệp Việt Nam: Xét từ góc độ phát triển bền vững
  • Kinh tế Vùng Kansai và triển vọng hợp tác với Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi