Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm có thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang. Với tỷ lệ đóng góp chiếm 40% GDP của cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.
![]() |
Bờ biển Vũng Tàu |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng năm 2007 đạt 12,6%, chiếm tỷ trọng 60% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế của Vùng là khu vực nông, lâm, thuỷ sản 7,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng 56,3% và khu vực dịch vụ 36,4%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 31,4 triệu đồng/năm, gấp 2,6 lần mức bình quân của cả nước và gấp 1,9 lần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và 3,2 lần của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đạt 56,4 tỷ USD, gồm có kim ngạch xuất khẩu đạt 36,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 19,6 tỷ USD. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng có khả năng xuất khẩu cao và cũng là vùng có khả năng xuất siêu duy nhất của cả nước. Tổng thu ngân sách của Vùng chiếm 66,5% tổng thu ngân sách quốc gia. Thu hút vốn đầu tư trong 20 năm qua, chiếm 54% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn quốc...
Vấn đề đặt ra của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là duy trì mức tăng trưởng mà vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường và xã hội. Hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ quả của quá trình phát triển thiếu liên kết, bằng mọi giá phải thu hút đầu tư và tăng trưởng trong đó nổi bật là các vấn đề ô nhiễm môi trường, liên kết hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý chất thải, vấn đề về thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành sản xuất, cân bằng năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống trên toàn Vùng.
Đối với vấn đề môi trường, báo động nhất là ô nhiễm lưu vực các dòng sông như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải. Trong vài năm trở lại đây song hành với sự phát triển công nghiệp của một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... là sự gia tăng về chất thải công nghiệp của nhiều loại hình công nghiệp đặc biệt là chất thải nguy hại. Tuy nhiên vấn đề về xử lý chất thải chưa được quan tâm quản lý đúng mức dẫn đến trong một thời gian dài chất thải chưa qua xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn của các khu công nghiệp vẫn tiếp tục đổ ra theo hệ thống thoát nước tới các dòng sông. Hệ quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước các dòng sông. Nước sông Đồng Nai có đoạn đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn 3-9 lần, đáng chú ý là đã phát hiện hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn TCVN 5942-1995. Đối với nước sông Đồng Nai tình trạng cũng rất nghiêm trọng, và đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại khu vực cầu Tân Thuận hàm lượng dầu vượt 26 lần tiêu chuẩn cho phép; tại cầu Rạch Ông, coliform vượt vài trăm lần, chất rắn lơ lửng vượt 4,8 lần... và kết quả khảo sát ở sông Thị Vải cũng cho những kết quả tương tư.
Vấn đề giao thông liên kết cũng đặt ra cho Vùng những vấn đề cần xử lý trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Đó là vấn đề về lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến việc đình trệ các dự án giao thông. Trong khi mạng lưới giao thông là yếu tố tối quan trọng để vận hành và truyền tải rất nhiều hoạt động kinh tế liên quan. Các tuyến đường kết nối cần được đầu tư đồng bộ, hoặc có thể chia quy mô ra để phân đợt đầu tư nhưng phải đảm bảo lưu lượng giao thông trên cơ sở tính toán quy mô dự báo tối đa. Hiện nay bức tranh tổng thể kinh tế toàn Vùng đã tương đối rõ nét, việc dự báo các luồng hàng, luồng khách trên các tuyến giao thông là hoàn toàn có cơ sở. Giao thông liên Vùng cần đi trước một bước trong vai trò khích lệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị phát triển và cân đối hài hoà các nguồn lực trên toàn Vùng. Hiện nay đang diễn ra tình trạng tắc đâu - mở đó ở một số khu vực, đặc biệt là những khu vực có mật độ tập trung cao các cơ sở kinh tế, đô thị. Trong khi cần nhìn nhận toàn bộ mạng lưới giao thông Vùng ở góc độ tổng thể, các hiện tượng xảy ra chỉ là hệ quả của một mạng lưới giao thông thiếu đồng bộ. Như chúng ta thấy, các tuyến Quốc lộ hiện nay mặt cắt trên toàn tuyến rất khác nhau và đi qua nhiều đô thị lớn, dẫn đến tình trạng ách tắc ở một số khu vực làm cho thời gian vận chuyển hàng hoá giữa các khu vực tăng lên, thiệt hại về mặt kinh tế là không nhỏ. Các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 50 hiện trong tình trạng quá tải đang được đầu tư nâng cấp. Ngoài đường bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có một hệ thống đường thuỷ rất quan trọng đóng góp nhiều vào lưu thông hàng hoá như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hệ thống các sông nhánh cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như ùn tắc tàu bè trên sông, ô nhiễm mặt nước tác động xấu đến các phương tiện vận tải thuỷ... Hệ thống cảng biển là đầu ra - vào chiến lược cho Vùng nhưng cần có sự hỗ trợ tốt từ hệ thống kết nối trên bộ mà hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối mà nếu không có dự báo tốt về luồng hàng thì việc đầu ra - vào không phải tắc ở cảng biển mà là ở ngay trên các tuyến giao thông bộ.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị là vấn đề nóng hiện nay của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó cấp nước và xử lý nước thải đô thị cần được cân đối trên toàn Vùng. Nguồn nước mặt sử dụng cho cấp nước sinh hoạt hiện nay có trữ lượng lớn là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, các hồ Phước Hoà, Dầu Tiếng, Đá Đen, sông Ray... Đến năm 2020, theo dự báo nhu cầu tiêu thụ nước sạch vào khoảng 12 triệu m3/ngđ trong khi diện tích các vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn xử lý ngày càng bị thu hẹp, cần có phương án bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn nước mặt vì đây là tài nguyên không thể thay thế và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của hệ thống các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp trên toàn vùng. Đối với vấn đề thoát nước thải thì việc lựa chọn công nghệ thích hợp với từng giai đoạn phát triển cần được đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất vẫn là phải dùng cơ chế quản lý thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải như một khâu trong quá trình sản xuất; các khu đô thị, khu dân cư có nguồn thu phí từ hoạt động xả thải nhằm giảm bớt áp lực cho khâu xử lý rác và nước thải đầu nguồn xả.
Vấn đề về phát triển năng lượng trong đó trọng tâm là phát triển điện năng đặt ra cho Vùng nhiều thách thức trong giai đoạn tới. Với mức độ phát triển công nghiệp của Vùng thì cần phải tiêu thụ một lượng rất lớn điện năng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Vùng đang phấn đấu đến năm 2015 tổng công suất đáp ứng cho nhu cầu khoảng 3.700-5.000MW. Tuy nhiên, nguồn điện cung ứng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, trong khi rất nhiều nhà máy thuỷ điện đều trong giai đoạn xây dựng khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt. Vì vậy bài toán cân bằng về cung - cầu năng lượng là rất khó khăn cần phải cân nhắc sử dụng nguồn năng lượng thay thế khác.
Tình hình 6 tháng đầu năm 2008, kinh tế trong nước có nhiều biến động như lạm phát, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho rất nhiều hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2007). Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Vùng vẫn dẫn đầu so với các Vùng khác trong cả nước. Thấy được những cơ hội và những thành tựu đã đạt được của Vùng là những yếu tố khích lệ để Vùng tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới. Tuy vậy cần nhìn nhận lại các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua. Hầu hết các vấn đề đặt ra của Vùng đang đặt ra một câu hỏi “cái giá phải trả cho sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm bằng mọi giá là gì?”. Đó chính là sự mất cân bằng, sự thiếu liên kết đang diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực.
Ngày 19/7/2008 tại cuộc họp trực tuyến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh vào một số vấn đề cần phải khắc phục trong giai đoạn tới đó là:
Tiếp tục thực hiện việc kìm chế lạm phát, từng bước ổn định thị trường tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường các công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề cấp thiết mang tính liên ngành, liên Vùng.
Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Tập trung triển khai các dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải nguy hại ở quy mô cấp Vùng.
Tăng cường các giải pháp phân bố phát triển công nghiệp đảm bảo tính hợp lý về loại hình, quy mô công nghiệp, cân đối hài hoà lợi ích giữa các địa phương trên toàn Vùng.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh dòng vốn FDI tăng nhanh thì các địa phương cần chủ động phối hợp với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đề nghị nhu cầu đào tạo nhân lực. Đồng thời địa phương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần căn cứ vào cơ cấu đầu tư nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chính sách hướng tới các mục tiêu trước mắt và lâu dài trong đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển Vùng.
Đề xuất thành lập quỹ phát triển Vùng, có chính sách tạo nguồn cho quỹ và cơ chế vận hành của quỹ nhằm thực hiện những dự án quy mô cấp Vùng có tính tập trung cao và đồng bộ.
Để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực sự là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ mang tính liên ngành, liên vùng. Trước mắt, phải hoàn thiện các quy hoạch các ngành, lĩnh vực trọng tâm để có cơ sở triển khai công tác đầu tư trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Đối với các vấn đề phát sinh của Vùng cần phải có sự phối hợp kịp thời mà hiện nay cơ quan đầu mối là Văn phòng Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm. Cơ quan này có trách nhiệm phối hợp về mặt thông tin giữa các Bộ ngành, địa phương để làm rõ các vấn đề cần xử lý./.
(Lê Anh Đức - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com