Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Là một trong những thành phố năng động, phát triển nhất của cả nước, sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp không nhỏ từ ngành công nghiệp. Nhằm tạo sự chuyển đổi và phát triển cơ bản cả về lượng lẫn về chất cho ngành này, Thành phố đã triển khai thực hiện chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm, với những kết quả khả quan đã đạt được, bộ mặt công nghiệp của Thành phố đã có những sự chuyển biến tích cực.
   
Kết quả thực hiện


Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp- phát triển công nghiệp hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2010, cùng với sự tác động có hiệu quả của các chương trình đã được triển khai trước đây như: chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm, kích cầu thông qua đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và hội nhập, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn thành phố…; ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển dịch theo đúng định hướng ưu tiên, tập trung phát triển, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh.

Với định hướng này, các ngành công nghiệp đã đạt được kết quả:

Ngành Điện tử - Công nghệ thông tin: có sự phát triển mạnh, nhiều dự án đã được triển khai đầu tư trong các Khu Công nghệ thông tin tập trung của thành phố như: Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu E-town,... Tỷ trọng trong toàn ngành có sự gia tăng đều trong thời gian vừa qua, bình quân 5 năm (1996-2000) từ 2,24% lên 2,96% trong (2001-2005), năm 2006 đạt 3,4%, năm 2007 đạt  3,6% và 05 tháng đầu năm 2008 đạt 4,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành tăng trưởng bình quân trong 5 năm (1996-2000) đạt 13%, (2001-2005) đạt 20,6%, năm 2006 đạt 11,5%, năm 2007 đạt 21,1%; 05 tháng đầu năm 2008 đạt 38,8%.

Ngành Cơ khí: tỷ trọng ngành trên địa bàn bình quân 5 năm (1996-2000) từ 11% lên 16% trong (2001-2005), trong năm 2006: 15,4%. Trong thời gian gần đây, tỷ trọng ngành cơ khí của toàn ngành đã tăng đều, năm 2007: 16,6% tỷ; 05 tháng đầu năm 2008 đạt 17,2%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành bình quân trong 5 năm (1996-2000) đạt 25%, (2001-2005) đạt 22,5%, năm 2006 đạt 17,6%, năm 2007: 21,24%; 05 tháng đầu năm tăng 18,1%.

Ngành Hoá chất – Nhựa – Cao su: tỷ trọng của ngành trên địa bàn cũng có xu hướng giảm nhẹ, bình quân 5 năm (1996-2000) từ 15% lên 17,5% trong (2001-2005), năm 2006 đạt 21,2%, năm 2007 đạt 20,5% và trong 05 tháng đầu năm đạt 20,3%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành bình quân trong 5 năm (1996-2000) đạt 19,4%, (2001-2005) đạt 19%, năm 2006 đạt 22,6%, năm 2007 đạt tăng trưởng 15,9%, 05 tháng đầu năm đạt 14,7%.

Ngành Chế biến lương thực – thực phẩm: tỷ trọng ngành có xu hướng giảm dần, bình quân 5 năm (1996-2000) từ 23,5% giảm còn 20% trong (2001-2005) và giảm đến 17,5% trong năm 2006, còn 16,5% năm 2007, và giảm tiếp còn 16,3 trong 05 tháng đầu năm 2008. Hiện ngành chế biến lượng thực-thực phẩm đang được định hướng phát triển theo hướng theo chiều sâu (chế biến tinh với công nghệ, thiết bị hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường) để đảm bảo đạt tỷ trọng 17,4% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành bình quân trong 5 năm (1996-2000) đạt 7,9%, (2001-2005) đạt 10,3%, đến năm 2006 đạt 8,4%, năm 2007, đạt 9,4% và trong 05 tháng đầu năm 2008 đạt 13,2%.


Chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp truyền thống đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động như: chế biến lương thực - thực phẩm, dệt may, da giày; chuyển dịch các ngành này về các tỉnh lân cận nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động có sẵn tại địa phương. Các ngành này sẽ được định hướng phát triển theo chiều sâu, không phát triển theo chiều rộng như trước đây.

Những hạn chế

Cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, tỷ trọng các ngành công nghiệp trọng điểm đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng. Tuy sự chuyển dịch về mặt chất đã bước đầu có kết quả, nhưng cũng chỉ là bước sơ khởi hoặc phát triển tập trung ở một số doanh nghiệp cá biệt, chưa có sự chuyển dịch đồng bộ và rộng rãi trong nội bộ ngành. Ngành cơ khí vẫn mang tính chất là cơ khí nhỏ, chưa sản xuất được các sản phẩm cao cấp theo yêu cầu của chương trình (mới chỉ ở dạng sản xuất các phụ kiện phụ và lắp ráp thành phẩm) như: ô tô chuyên dùng, tàu thủy, tủ lạnh, điều hoà không khí,… Trong năm vừa qua, nhiều dự án ngành điện tử- công nghệ thông tin trong khu công nghệ cao thành phố đã được các chủ đầu tư  triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các dự án này chưa đi vào hoạt động và đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các dự án sản xuất sản phẩm điện tử trên địa bàn đa phần cũng là lắp ráp trên cơ sở nhập khẩu các linh kiện từ nước ngoài.

Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghệ thông tin chưa được triển khai mạnh mẽ. Các ngành hóa chất, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống cũng chưa có sự chuyển đổi thực sự về chất.

Còn nhiều vấn đề tồn tại trên là do: Các đề án chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố mới đang trong giai đoạn đầu nên các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư, phát triển của ngành chưa thực sự đi vào thực tế. Cần phải có một giai đoạn nhất định để các doanh nghiệp triển khai đầu tư máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh để đạt sự tăng trưởng. Điều này dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp cả về chất lẫn về lượng không thể thấy rõ ngay trong một thời gian ngắn mà nó chỉ thể hiện kết quả sau một thời gian thực hiện nhất định. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị mặc dù được tập trung đầu tư từ ngân sách với tỷ trọng cao, nhưng vẫn thường xuyên quá tải và bất cập, không đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của thành phố; tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước ngày càng nhiều hơn làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn. Số lượng các doanh nghiệp tuy tăng nhanh, góp phần vào việc tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ sức để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn lúng túng trong chuyển đổi mô hình hoạt động dẫn đến hiệu quả chưa cao. ủy ban Nhân dân các quận, huyện chưa chú trọng đến việc xây dựng định hướng, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới và bắt đầu phải tuân thủ các quy định chung của tổ chức này, vì vậy các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai thực hiện gây khó khăn cho việc khuyến khích doanh nghiệp đẩy nhanh đầu tư theo đúng định hướng của thành phố. Ngành sản xuất công nghiệp thành phố cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ sự suy thoái chung của nền kinh tế thế giới và do những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã làm cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng kém hiệu quả hơn. Điều này cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố.
 

KCX Tân Thuận

Một số giải pháp

Để tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy nhanh việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, chương trình đã phê duyệt tại Quyết định 115/2006/QĐ-UBND và Quyết định số 2425/QĐ-UBND. Trong đó, tập trung vào việc triển khai các đề án phát triển 3 ngành công nghiệp chủ lực (điện-điện tử, cơ khí, hoá chất-nhựa cao su) đã được ủy ban Nhân nhân thành phố thông qua.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao thành phố để có cơ sở xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp, công nghệ cao trên địa bàn thành phố; tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành.

Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cụ thể: đẩy mạnh hoạt động của chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp thay thế thiết bị nhập khẩu để tạo sự liên kết 3 nhà (nhà nước-nhà nghiên cứu-doanh nghiệp) giữa các Trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất ngành cơ khí thông qua một đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước (Trung tâm nghiên cứu chế tạo thiết bị mới) nhằm hoàn thiện một chu trình khép kín cho sự phát triển của thành phố: từ nhu cầu- nghiên cứu, chế tạo thử- sản xuất hàng loạt. Điều này vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm các thiết bị trong nước sản xuất (có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập) với giá rẻ, vừa tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tại các trường, viện nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu, vận dụng lý thiết vào trong thực tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành cơ khí (hiện đang là một ngành còn yếu kém của thành phố) phát triển. Cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng tiên tiến. Thành phố hỗ trợ cho các DN 10-15% chi phí áp dụng ISO 9000 (tư vấn, đào tạo, chi phí chứng nhận). Đây là một vấn đề rất cần thiết cho các doanh nghiệp nhằm cạnh tranh với hàng ngoại khi Việt Nam tham gia vào tổ chức thương mại thế giới.

Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của mình đối với thị trường trong nước và cả đối với nước ngoài. Tiếp tục triển khai chương trình Tiết kiệm năng lượng để cung cấp thông tin và tư vấn về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, khả năng tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động của Chợ Khoa học công nghệ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, sáng chế ra các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo cơ hội giới thiệu các nghiên cứu, sáng chế  mới đến người tiêu dùng

Thứ tư, triển khai các giải pháp về  hỗ trợ về đào tạo, về cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và hỗ trợ về xúc tiến thương mại và đầu tư.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính, công khai thủ tục, tăng cường phối hợp giữa các Sở ban ngành để tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong các lĩnh vực đất đai, thuế... Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư để tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) trong quá trình tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới cần tập trung triển khai Chương trình hành động về Hội nhập kinh tế quốc tế (giai đoạn 2007-2010) đã được ủy ban nhân dân thành phố thông qua tại Quyết định số 66/2007/QĐ-UBND ngày 02/05/2007, trong đó tập trung mạnh vào nhóm giải pháp về tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về WTO (kiến thức về hội nhập, về Tổ chức WTO, các cam kết và lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, về các rào cản đối với thương mại (TBT) và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh động thực vật (SPS)) trong cán bộ, công chức, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thành phố với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng./.
    

(ThS. Nguyễn Trung Anh - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Sức chứa kinh tế tỉnh Đồng Nai trong quá trình phát triển đến năm 2020
  • Lạm phát và vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát
  • Hiệu quả đầu tư qua ngân sách phát triển xã: Bài học kinh nghiệm
  • Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 1986 - 1990: Trang sử khắc nghiệt
  • Đak Nông: Phấn đấu không giảm mục tiêu tăng trưởng
  • Hà Nội đề xuất dừng 10 dự án sân gôn: Bài 1: Những dự án biến tướng
  • Hà Nội đề xuất dừng 10 dự án sân gôn: Bài 2: Trả lại đất bờ xôi, ruộng mật
  • Thủ đô gió ngàn sục sôi tinh thần khởi nghiệp (Phần 1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi