Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh

Vấn đề quản lý nhà nước đối với đất đai được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thể hiện qua việc Luật đất đai 2003 và hàng loạt các chính sách về quản lý đất đai được ra đời nhằm phần nào hạn chế mặt tiêu cực của vấn đề, đồng thời đưa việc quản lý và sử dụng thứ hàng hoá đặc biệt này vào một thể thống nhất và chặt chẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với thành phố Hồ Chí Minh, đất đai lại càng trở thành một vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm, đòi hỏi những biện pháp xử lý khôn khéo, hợp lý hơn nhiều.
   
Tồn tại và bất cập


Sau gần 5 năm thi hành Luật Đất đai 2003, việc quản lý về đất đai đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước về đất đai vẫn tồn tại nhiều bất cập, ngay cả một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải là ngoại lệ.

Luật Đất đai năm 2003 quy định các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất có thu tiền và không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Song trên thực tế, không ít các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền đã dựa vào những quy định đó để giao đất, cho thuê đất một cách tùy tiện, trái pháp luật; làm cho tình hình quản lý và sử dụng đất ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, sai phạm xảy ra ở nhiều nơi. Tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức được giao đất nhưng lại cho thuê lại hạ tầng cơ sở để thu lợi hàng tỷ đồng như Công ty TNHH chế biến thực phẩm Việt Ân; Công ty sản xuất – kinh doanh Hai Thành cho 13 tổ chức khác thuê đất thu lợi trên 22 tỷ đồng; Chi cục trưởng Chi cục Thuế Bình Chánh trước đây ký quyết định không đúng thẩm quyền miễn tiền sử dụng đất thuê cho các tổ chức thuê đất lên tới 700 triệu đồng,…

Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất…, ở nhiều điều phương vẫn thể hiện sự tùy tiện, không tuân thủ các tiêu chí từ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng, đến việc điều chỉnh lại quy hoạch, làm cho tình trạng quy hoạch “treo” diễn ra phổ biến. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2006, tổng số quy hoạch “treo”, dự án “treo”, giải tỏa “treo” trong cả nước lên tới 4.239 trường hợp, tập trung chủ yếu tại các khu đô thị lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Đà Nẵng, Hà Tây, Hà Nội.

Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về đất đai của các cơ quan nhà nước theo đánh giá chung hiện còn rất yếu và chưa nghiêm. Hiện tại, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu tính chuyên môn, chuyên nghiệp và tính chuyên tâm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Vì vậy, nhiều hoạt động giải quyết khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, nhất là việc cấp, bán đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; thu chi tài chính, trù dập, bao che để vụ lợi thường được giải quyết một cách “qua loa” nên hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những đối tượng trên không mấy hiệu quả, ít tính răn đe nên chưa thể phát huy hiệu quả cao.

Văn bản số 8927/ UBND- ĐTMT ngày 21/12/2007 của UBND Thành phố đã nhận định rằng việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công tác thành lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất chưa có hướng dẫn về quy phạm thành lập và nội dung thẩm định bản đồ quy hoạch sử dụng đất, việc phân loại đất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị chưa thống nhất; thiếu các đơn vị tư vấn (hiện Thành phố chỉ có 4 đơn vị tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất cho các quận - huyện, phường - xã, thị trấn), nên không đảm bảo tiến độ. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian vừa qua chỉ căn cứ vào quy hoạch xây dựng, và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được duyệt dẫn đến chưa đồng bộ phát hạ tầng.

Ngoài ra, hiện trạng pháp lý về sử dụng đất của người dân hiện nay chưa đảm bảo (chưa có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ); giá đất hỗ trợ chưa đồng bộ, thị trường đất đai không ổn định dẫn đến khó xác định giá để tính bồi thường gây nhiều khiếu nại về giá, công tác tuyên truyền pháp luật chưa thực sự sâu rộng đến mọi đối tượng. Việc công khai chủ trương, chính sách có nơi, có lúc, có dự án chưa được thực hiện, gây thắc mắc, khiếu nại của người dân.

Tăng cường quản lý nhà nước

Trước thực trạng nêu trên, cần phải tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với đất đai trên phạm vi cả nước nói chung và thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng. Có thể tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần phải chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở cơ sở. Đây là vấn đề then chốt trong việc thực hiện luật đất đai. Chính sách tốt đến đâu vẫn có sơ hở để kẻ xấu trục lợi. Vấn đề dân chủ luôn nóng bỏng ở địa phương, ở đâu qui chế dân chủ phát huy tốt thì ở đấy ít có các vấn đề bức xúc, không chỉ riêng ở lĩnh vực đất đai. Đất đai là tài sản giá trị lớn nên những tiêu cực xảy ra với đất đai để lại những hậu quả khủng khiếp, rất khó khắc phục. Giải pháp cơ bản và lâu dài là phát huy dân chủ trong quản lý đất đai, có cơ chế phản hồi ý kiến, bịt dần các kẽ hở trong luật pháp, lành mạnh hoá thị truờng, những tiêu cực sẽ không còn đất sống. Thiết thực nhất là có một đường dây nóng, cập nhật tất cả những phát sinh, xử lý từ lúc còn chưa phức tạp, lan rộng và ảnh hưởng lớn đến quản lý và sử dụng đất.

Thứ hai, cần có sự chấn chỉnh, đổi mới việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và tiến hành ngay việc rà soát, tập hợp văn bản pháp quy của Thành phố.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đất đai cho các chủ thể sử dụng đất với những hình thức biện pháp phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Thứ tư, thực hiện tốt và hoàn thành công tác quy hoạch đô thị gắn liền với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch  chi tiết 1/2000 ở Quận, huyện mang tính hiện thực, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện tốt thủ tục hành chính trong công tác giao đất, thu hồi đất, chuyển nhượng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,... theo đúng quy hoach sử dụng đất.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, đặc biệt là những vi phạm của cán bộ, đảng viên để làm gương cho quần chúng, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật./.
   

(Lê Văn Thành - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  • Về chủ trương trồng 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên
  • Một số vấn đề về phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
  • Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát của thế giới: Giải pháp phải đồng bộ
  • Phân biệt mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số trong lập kế hoạch phát triển
  • Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
  • Sức chứa kinh tế tỉnh Đồng Nai trong quá trình phát triển đến năm 2020
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi