Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, quán triệt chủ trương này, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế nhiều thành phần đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế cả nước nói chung và của Thành phố nói riêng.
Tình hình phát triển
Cơ cấu các thành phần kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế hiện tại của cả nước và của Thành phố. Trong đó:
Kinh tế cá thể trên địa bàn thành phố, (kinh tế hộ gia đình) chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ nền kinh tế và có xu hướng gia tăng qua các năm. Đây là khu vực kinh tế có số lượng lớn, tuy nhiên, phần lớn có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch và dịch vụ (chiếm gần 90% trong tổng số các cơ sở kinh tế cá thể) và có xu hướng giảm dần.
Kinh tế tư nhân (Công ty TNHH, DNTN, Công ty cổ phần) trong thời gian vừa qua cũng đã có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng doanh nghiệp lẫn tỷ trọng và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Thành phố.
Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm về số lượng cũng như quy mô vốn điều lệ (đăng ký thành lập mới năm 2004 là 10.606 doanh nghiệp, năm 2005 đã tăng lên là 12.038 doanh nghiệp, năm 2006 là 15.168 doanh nghiệp và năm 2007 là 18.574 doanh nghiệp). Trong đó, đã bắt đầu hình thành nhiều công ty cổ phần có quy mô vốn đầu tư tương đối lớn (vốn điều lệ bình quân đăng ký của các Công ty cổ phần trong năm 2007 là 38,8 tỷ đồng).
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây kể cả về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư bình quân 01 dự án cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, xét trong cơ cấu chung của tổng thể các thành phần kinh tế thì tỷ trọng lại giảm do số lượng doanh nghiệp còn ít và tốc độ tăng cũng chậm hơn
Khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng giảm cả về tỷ trọng trong tổng số các thành phần kinh tế cũng như số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này là phù hợp với chủ trương chung về định hướng phát triển kinh tế nhà nước trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ dần dần được chuyển hóa thành các công ty cổ phần theo đúng lộ trình đã cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO.
Kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu các thành phần kinh tế và có biến động không nhiều về số lượng. Cụ thể: Số hợp tác xã tăng từ 341 hợp tác xã vào tháng 06/2002 lên 456 hợp tác xã vào tháng 09/2007; số tổ hợp tác tăng từ 1.109 tổ hợp tác vào tháng 06/2002 lên 3.572 tổ vào tháng 09/2007.
![]() |
Những đóng góp
Về tình hình thực hiện đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn
Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong thời gian qua tương đối cao (trên 15%/năm). Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng thấp và vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng vốn đầu tư (năm 2006 chiếm tối 88,55% trong tổng vốn đầu tư).
Nếu xét về từng thành phần kinh tế thì vốn đầu tư từ khu vực các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm đa số (trên 50% tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố). Tỷ trọng này có xu hướng gia tăng đều qua các năm (năm 2005 là 50,68% và năm 2006 là 50,85%, năm 2007 là 50,96%). Điều này cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong hoạt động đầu tư trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có tỷ trọng ngày càng gia tăng.
Đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn (GDP)
Trong cơ cấu GDP của Thành phố, tỷ trọng GDP của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ cao trong tổng GDP và có xu hướng tăng dần qua các năm (43,02% năm 2005, 44,55% năm 2006 và 47,76% trong năm 2007). Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có sự gia tăng đều qua các năm, còn tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế nhà nước lại giảm dần qua các năm. Điều này là phù hợp với xu thế phát triển các thành phần kinh tế chung của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng có sự tăng trưởng mạnh qua các năm (14,9% năm 2005, 16% năm 2006 và 18,43% năm 2007), tiếp theo đó là tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (1,38% năm 2005; 1,33% năm 2006 và 10.99% năm 2007)...
Với số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ lớn như trên, đã góp phần rất lớn vào giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn thành phố.
Trong thu hút lao động
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, số lượng lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm trên 50% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, tiếp đến là lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có xu hướng tăng dần qua các năm.
Có thể nói, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã khuyến khích người dân tham gia hoạt động kinh tế, huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, chính quyền Thành phố còn phổ biến công khai các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, về đầu tư, về các chính sách ưu đãi đầu tư, thiết lập hệ thống mạng đối thoại doanh nghiệp chính quyền thành phố; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gây ô nhiễm di dời kết hợp đầu tư mở rộng sản xuất; hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ như: Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp thay thế nhập khẩu, Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu;Chương trình hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn-đo lường chất lượng hàng hóa; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Chương trình hỗ trợ cung cấp thông tin cho các DNVNV, Chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố và các chương trình nhánh (chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ)... Ngoài ra, với việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng thu hút vốn và phát triển thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...
Với những chủ trương và chính sách đúng của thành phố, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài đã thích ứng nhanh với thị trường, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của xã hội, tạo sự phát triển nhanh và ổn định cho nền kinh tế của thành phố.
Một số tồn tại
Số lượng các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố có sự tăng trưởng nhanh về lượng, nhưng chưa có sự chuyển biến nhiều về chất, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chưa có sự phát triển mạnh theo định hướng phát triển kinh tế xã hội mà thành phố đã đề ra là phát triển công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế còn thấp, cụ thể: Kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng cao về số lượng trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần. Kinh tế tư nhân có sự tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ công nghệ cao còn ít, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với công nghệ lạc hậu, chưa xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của thành phố. Đồng thời, khối thành phần kinh tế này cũng khó khăn khi mở rộng quy mô do vốn ít, khó tiếp cận với thị trường nước ngoài và các công nghệ hiện đại. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng có sự tăng trưởng mạnh về vốn đầu tư. Tuy nhiên, cũng giống như thành phần kinh tế tư nhân, trong các dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố trong thời gian gần đây, vẫn còn ít các doanh nghiệp lớn đầu tư vào hoạt động sản xuất công nghệ cao.
Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai nhưng chưa thực sự được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã gia nhập WTO nên nhiều chính sách hỗ trợ không còn phù hợp
Nguồn nhân lực của thành phố chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chưa cao; chưa huy động hết được các tiềm năng của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.
Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Các thủ tục liên quan đến đầu tư đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn phức tạp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm,..
Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao, nguồn vốn vay ngân hàng gặp khó khăn cùng với lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng tăng, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao. Điều này có ảnh hưởng lớn đến việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
![]() |
Định hướng và chính sách phát triển
Trong thời gian tới thành phố Hồ Chí Minh cần định hướng tập trung phát triển các thành phần kinh tế theo hướng:
Đối với khu vực kinh tế nhà nước: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại và củng cố hoạt động cho các Tổng Công ty lớn, thuộc các ngành trọng yếu, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có cơ sở điều tiết, định hướng phát triển kinh tế trong những điều kiện không thuận lợi.
Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển và thực hiện đầu tư theo đúng định hướng phát triển của thành phố như: khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuyển dịch sang các ngành công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao, những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu; phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, nhằm tạo sự chuyển biến về chất cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Trong đó tập trung vào các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Để định hướng trên được thực hiện đúng hướng cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các Sở ngành, quận huyện theo đúng các nhiệm vụ đã được đề ra.
Hai là, triển khai chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thông qua tại Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND ngày 13/05/2008.
Ba là, tiếp tục triển khai các giải pháp về hỗ trợ khoa học công nghệ, cụ thể: Đẩy mạnh hoạt động của chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp thay thế thiết bị nhập khẩu để tạo sự liên kết giữa các Trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất ngành cơ khí thông qua một đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng tiên tiến. Thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp 10-15% chi phí áp dụng ISO 9000 (tư vấn, đào tạo, chi phí chứng nhận); tiếp tục tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; triển khai chương trình Tiết kiệm năng lượng để cung cấp thông tin và tư vấn về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, khả năng tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động của Chợ Khoa học công nghệ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, sáng chế ra các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo cơ hội giới thiệu các nghiên cứu, sáng chế mới đến người tiêu dùng.
Bốn là, triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo để tạo nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và hỗ trợ về xúc tiến thương mại và đầu tư; tạo nguồn thông tin minh bạch về công tác quy hoạch phát triển ngành, chiến lược phối hợp phát triển các địa phương, vùng,…
Năm là, thực hiện chương trình cải cách hành chính, công khai thủ tục, tăng cường phối hợp giữa các Sở ban ngành để tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong các lĩnh vực đất đai, thuế,.. Đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng phát triển của thành phố.
Sáu là, triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong Quyết định số 66/2007/QĐ-UBND ngày 02/05/2007 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình hành động về Hội nhập kinh tế quốc tế (giai đoạn 2007-2010), để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong quá trình tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới./.
(ThS. Nguyễn Trung Anh - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com