Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ - sự lừa dối với cả nước Mỹ Kỳ 1: Vài nét về tài liệu

 Ngày 4-8-1964, lấy lý do ba tàu phóng ngư lôi của bắc Việt Nam tiến công tàu khu trục USS Maddox của Hoa Kỳ trên Vịnh Bắc Bộ, Tổng thống L.Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng R.McNamara đã cho ra đời hồ sơ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ - The Gulf of Tonkin, để thuyết phục QH Mỹ cho phép leo thang chiến tranh tiến công miền bắc Việt Nam.

Sau 46 năm, sự kiện đã được làm sáng tỏ, với việc công bố một số tài liệu liên quan. Báo Thời Nay giới thiệu, trích đăng một phần tài liệu này, không chỉ nhằm giúp bạn đọc hiểu thực chất vấn đề, mà qua đó hy vọng hiện tại và tương lai, trong các quan hệ quốc tế sẽ không còn các việc làm mờ ám, được dàn dựng làm lý do để can thiệp, xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia...  

Ngày 14-7-2010, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và Thượng nghị sĩ (TNS) J.F.Kerry, Chủ tịch Ủy ban, đã công bố 1.165 trang tài liệu được giải mật về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tài liệu cho thấy, một số TNS Hoa Kỳ thời đó đã phản đối hoặc thắc mắc về việc họ bị vô hiệu hóa, bị thông tin sai lệch từ chính quyền về sự kiện. Tài liệu được giải mật là bản ghi các cuộc điều trần và các cuộc họp trong hai năm 1967-1968, do nhà sử học của Thượng viện Hoa Kỳ là D.Ritchie ghi lại. Trong ngày công bố, TNS J.F.Kerry cho biết, tài liệu này có ý nghĩa đặc biệt với chính cuộc đời ông, vì vào tháng 2-1968, trong khi các cuộc tranh luận của Ủy ban bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, thì ông đang có mặt trên một chiếc tàu trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Theo tài liệu được giải mật, các TNS Hoa Kỳ đã nghi ngờ Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc Namara dựng lên thông tin giả về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Trong cuộc họp Thượng viện vào năm 1968, TNS B.H.Lopper cho rằng, ông thấy các TNS đã trở thành con rối bị giật dây theo ý của chính phủ. Các TNS cảm thấy họ không có tiếng nói hay quyền phát biểu, quyền quyết định trong cuộc chiến ở Việt Nam. TNS W.Fulbright, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại lúc đó, đề nghị thành lập một ủy ban điều tra về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Theo ông, nếu Ủy ban không có tiếng nói trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì: “Chúng ta chỉ là một khúc ruột thừa vô dụng trong cấu trúc chính quyền”. Tuy nhiên, dù nghi ngờ độ xác thực và giận dữ với khả năng bị lừa dối về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Ủy ban Đối ngoại vẫn e ngại nếu thành lập ủy ban điều tra sẽ làm Hoa Kỳ tổn hại uy tín, nhân dân Mỹ sẽ bị kích động thêm (vì lúc đó là thời điểm đang diễn ra những cuộc phản chiến và biểu tình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam). Tài liệu mật còn ghi nhận sự hối hận của một số thành viên trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ sau khi bỏ phiếu đồng ý để chính phủ và quân đội Hoa Kỳ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, đánh bom các thành phố ở miền bắc, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng và các vị trí quan trọng khác, “nhằm tiêu diệt khả năng tiếp ứng của miền bắc cho chiến trường miền nam” lúc bấy giờ (!). Ngoài vấn đề Vịnh Bắc Bộ, trong tài liệu, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đặt ra nghi vấn về mục đích thật sự của cuộc chiến Việt Nam, con số thương vong, chi phí tài chính cho việc giải quyết sự kiện Vịnh Bắc Bộ, khả năng chiến thắng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tài liệu còn có một số trang đề cập tới sự tham chiến của Hoa Kỳ trên chiến trường Lào, sự có mặt của Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên...

Lời mở đầu tập tài liệu của TNS J. F. Kerry

“Cái giá phải trả của nước Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã đè nặng lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ suốt năm 1968. TNS J.Sparkman, Chủ tịch phiên họp điều trần của năm đã ví von những khó khăn vấp phải như một “con đường cam go”. Nó bắt đầu từ điều tra của Ủy ban về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mà Quốc hội đã thông qua nghị quyết để Tổng thống L. Johnson dựa vào, sử dụng như là một lời tuyên chiến với Việt Nam. Nhưng các phát hiện về sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của Ủy ban, khi Ủy ban nhận thông tin từ Chính phủ của Tổng thống L. Johnson. Nhiều TNS đã bỏ phiếu cho nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, cảm thấy vô cùng hối tiếc bởi lá phiếu của mình, và cho rằng, họ đã bị lừa dối.

Trong một phiên họp khác vào ngày 24-1, TNS A.Gore cảnh báo: “Nếu đất nước này bị lừa dối, nếu Ủy ban này, Quốc hội này cùng bị lừa dối vì bị người ta dựng lên một sự kiện không có thật để tiến hành một cuộc chiến tranh làm hàng nghìn thanh niên bị chết vô nghĩa, và còn nhiều nghìn người nữa bị tàn tật suốt đời, thì đất nước đó đã mất đi uy tín,đạo đức, vị thế  trên thế giới và hậu quả sẽ rất nặng nề”. Trong phiên họp khác ngày 24-9, ngay cả TNS S.Symington cũng thấy khó chịu khi thảo luận vấn đề về tài chính và viện trợ cho chiến tranh: “Cuộc chiến này ngu xuẩn, cái giá phải trả cho nó cũng là sự ngu xuẩn, làm cho nền kinh tế của chúng ta cũng bị ảnh hưởng…”.

Tháng 1-1968, Bắc Triều Tiên bắt giữ tàu U.S.S. Pueblo. TNS K. Mundt đã nói với Ngoại trưởng D.Rusk rằng, ông coi đó là lỗi lầm quá lớn cho nước Mỹ “để tham gia vào nhiệm vụ khiêu khích kiểu này”, trong khi tiến hành tài trợ cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam, can dự vào các trường hợp phức tạp gây rắc rối ở Trung Đông và các nơi khác trên khắp thế giới. Sự chú ý của Ủy ban còn tập trung vào tình hình quân sự tuyệt vọng tại Khe Sanh, mà quân lực Hoa Kỳ đã nhận lệnh phải chiếm giữ bằng bất kỳ giá nào. Tiếp theo, vào ngày 20-1-1968 - Tết Mậu Thân, Việt Cộng tổng tiến công, đột kích các mục tiêu trọng yếu ở nam Việt Nam, chủ yếu là ở các thành phố lớn, và đánh vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ngày 27-2, người đóng vai trò quyết định, có uy tín của truyền hình, Walter Cronkite, tường thuật từ Việt Nam, đánh giá “chúng ta đã bị sa lầy trong ngõ cụt”. Đó cũng là kết luận sau những chuyến tham quan Việt Nam của các thành viên Ủy ban Đối ngọai Thượng viện. Trước đó, ngày 7-2, TNS J.Clark tường trình với Ủy ban rằng, ông đã chất vấn chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland: “Có thể chiến thắng về quân sự trong cuộc chiến tranh này không? Ông ta trả lời rằng: không!”.

Trong các phiên họp kín, các thành viên Ủy ban bày tỏ sự thất vọng về việc Bộ trưởng Ngoại giao D.Rusk thường xuyên trả lời phỏng vấn trên truyền hình về chiến tranh Việt Nam, nhưng lại từ chối xuất hiện trong phiên điều trần công khai của Ủy ban “vì ông không muốn thảo luận các câu hỏi về chiến tranh Việt Nam”. Lãnh đạo phe đa số lúc đó, TNS M.Mansfield, đã lo lắng cho rằng, việc từ chối điều trần công khai của Bộ trưởng - TNS Rusk là thách thức “sẽ thêm vào sự chia rẽ ở đất nước này”, trong khi TNS W.Morse lại khăng khăng nhấn mạnh là người Hoa Kỳ đã được hưởng một cuộc thảo luận công khai về chính sách chiến tranh. Chủ tịch J.W.Fulbright cáo buộc Tổng thống L. Johnson đã không hỏi ý kiến các thành viên Ủy ban, vì thế “tự cô lập mình với cộng đồng những người có trách nhiệm trong chính quyền”...

Ủy ban đã tranh cãi với chính quyền việc thực hiện điều trần công khai hay điều trần trong cuộc họp kín về vấn đề Việt Nam. Đối với một số TNS, đó là vấn đề thuộc về đặc quyền hiến pháp, với một số người khác thì đó là một mối đe dọa cho sự thống nhất quốc gia. Những người muốn công khai vấn đề  bị buộc tội trợ giúp, tiếp tay kẻ thù. TNS A. Gore phản bác các TNS cho rằng phải dẹp đi các nghi ngờ để đạt được sự thống nhất và chiến thắng, ông hỏi: “Loại chiến thắng gì? Chiến thắng phải trả giá đắt là gì?”, rồi ông kết luận: “Quốc hội này hoặc nên tuyên chiến hoặc tiến hành cuộc chiến không tuyên bố ở Đông - Nam Á”.

Quan hệ giữa Ủy ban Đối ngoại với chính quyền ngày càng xấu hơn. Tổng thống đã phá vỡ quan hệ với Chủ tịch Fulbright vì ông này đã thẳng thắn chỉ trích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ủy ban tỏ ý nghi ngờ về người phát ngôn của chính quyền. Ngày 3-4, TNS A.Gore phản đối đề nghị cho cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại miền nam Việt Nam, Henry Cabot Lodge, tới nói chuyện với Ủy ban: “Ông ta đã được ở đây và đã ở đây. Ông ta đã sai lầm trong mọi dự kiến cho chúng ta. Tại sao chúng ta phải lắng nghe thêm nữa”. Tình hình chính trị và ngoại giao thay đổi sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố tái tranh cử, ra lệnh ngưng ném bom, và ngồi vào bàn đàm phán với bắc Việt Nam và Việt Cộng.

Nhưng kinh tế thời chiến tranh đã trở thành một vấn đề tiếp tục tái diễn với Ủy ban trong suốt năm. Khi chiến tranh ở Việt Nam đã hút cạn các nguồn tài chính của Liên bang, ngân sách cho các chương trình khác bị cắt giảm. Tại thời điểm đó, cán cân mậu dịch Hoa Kỳ đã chuyển từ thặng dư sang thiếu hụt. Tại cuộc thăm dò ngày 24-5, nhiều TNS đã nêu câu hỏi về giá trị của những chương trình viện trợ nước ngoài vào thời điểm các chương trình đối nội đang bị co lại. Họ chất vấn chính phủ về lợi ích kinh tế trong viện trợ nước ngoài đối với việc bảo đảm công ăn việc làm cho người dân Hoa Kỳ, rồi ngành xuất khẩu, chính sách thuế, các hiệp ước kinh tế khác và viện trợ tài chính cho các ngân hàng phát triển quốc tế. “Chúng ta đang làm hao mòn tiền bạc”, TNS Symington đã cảnh báo Bộ Tài chính. Chủ tịch Fulbright thể hiện mối quan tâm về: “Sự lộn xộn toàn diện về tài chính của chúng ta”, cùng với sự phiền muộn về: “các bộ phận của chính phủ thực hiện các cam kết mà không tham khảo ý kiến của Ủy ban hay Thượng viện. Nhưng chúng ta gần như đọc mỗi ngày về sự nhất trí được thông qua”. Vì thế, dẫn đến việc Quốc hội quan tâm đến những yêu cầu viện trợ nước ngoài của chính phủ cho năm 1968. Như Chủ tịch Ủy ban thẳng thắn giải thích: “Không phải vì chúng ta không quan tâm đến vấn đề của các nước ngoài, nhưng vì chúng ta đang nghĩ đất nước của chúng ta đang làm tiêu ma nguồn tài chính của mình”.

Việc chọn lựa các bản ghi chép về các đánh giá có thể đáp ứng sự quan tâm của công chúng đang cần biết sự thật. Các tiêu đề, các ghi chú của biên tập viên và một số biên bản về các cuộc điều trần, các phiên họp, thảo luận được thêm vào cho thấy rõ hơn sự kiện và bối cảnh. Những tài liệu bị hủy bỏ (hồ sơ tham khảo chưa được phép công khai) sẽ được ghi chú ở nơi thích hợp, và các bản ghi chép này không thuộc phạm vi biên bản các cuộc họp theo thứ tự thời gian. Các bản ghi chép không được công khai cùng các hồ sơ khác của Ủy ban trong năm 1968 đã được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ của Cục lưu trữ hồ sơ quốc gia - The National Archives and Records Administration, nơi các nhà nghiên cứu có thể truy cập theo luật của cơ quan lưu trữ. Theo đúng quy định chung về quản lý, các thông tin trước khi được đưa ra công khai sẽ đệ trình Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ - CIA, Cơ quan An ninh quốc gia - FBI để tham khảo, bình luận, cho ý kiến. Trong tài liệu này, tên của sĩ quan hải quân có liên quan đến suốt quá trình xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tường trình những vấn đề trước Ủy ban, đã được giấu kín vì lý do bảo vệ nhân chứng và bí mật nhân thân...”.

 

( Theo Hoài Hương // Báo Nhân dân Online )

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Sự kiện Vịnh Bắc Bộ - sự lừa dối với cả nước Mỹ Kỳ 2: Cuộc điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ về “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”
  • Di tích bị lãng quên (Kỳ 2)
  • Di tích bị lãng quên (Kỳ 1)
  • Sự thật đằng sau sự cố "bùn đỏ" ở Cao Bằng
  • Túi mưa chảo lửa tràn ra Trường Sơn (Kỳ2)
  • Túi mưa, chảo lửa tràn ra Trường Sơn (Kỳ 1)
  • Nhân dân là cội nguồn của thắng lợi
  • Miền trung tháng 3 kỳ diệu - Kỳ 3: Bên những pho tượng Chàm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi