Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ - Sự lừa dối với cả nước Mỹ Kỳ 4: Cuộc điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ

“Năm 1964, với vài cuộc tranh luận ở Thượng viện cho đúng thủ tục, cuối cùng chỉ có 2 phiếu trắng, Thượng viện đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống L. B.Johnson “dùng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi cuộc tiến công vũ trang nào chống lại lực lượng của Hoa Kỳ và ngăn ngừa sự xâm lăng của cộng sản bắc Việt Nam”.

Với tư cách là kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, từ mùa hè năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Robert S.McNamara bắt đầu nghi ngờ về sự mở rộng ngày càng lớn hơn quy mô chiến tranh, đến năm 1967 bắt đầu bi quan về cơ hội ổn định tình hình Nam Việt Nam hoặc đánh bại Bắc Việt Nam. Tháng 5-1967, ông gợi ý với Tổng thống Johnson rằng: “việc giết hoặc làm bị thương nặng 1.000 người không tham gia chiến đấu mỗi tuần, trong khi tìm cách buộc một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu phải khuất phục về một vấn đề mà những ưu tiên của nó đang gây tranh cãi gay gắt”, việc đó đang làm xói mòn hình ảnh nước Mỹ trong dư luận thế giới cũng như ngay trong lòng dân Mỹ. McNamara đề nghị ngừng vô điều kiện việc ném bom và giảm số quân Mỹ ở Việt Nam. Các cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống phản đối đề xuất của McNamara. Ngày 27-11-1967, Tổng thống Johnson tuyên bố bổ nhiệm McNamara làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, và ngày 19-1-1968, Johnson bổ nhiệm Clark Clifford làm BTQP thay McNamara. Chín ngày trước khi rời nhiệm sở ở Lầu năm góc, McNamara đã ra điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.

Phiên điều trần bắt đầu lúc 10 giờ sáng 20-2-1968, tại phòng S-116, tòa nhà QH Mỹ, đồi Capitol - Washington, dưới sự chủ trì (CT) của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - Thượng nghị sĩ J.W.Fulbright, cùng sự tham gia của các Thượng nghị sĩ (TNS): Sparkman, Mansfield, Morse, Gore, Lausche, Church, Symington, Dodd, Clark, Pell, McCarthy, Hickenlooper, Aiken, Carlson, Williams, Mundt, Case, Cooper, Gruening, Morton và Percy. Các nhân viên (NV) của Ủy ban có mặt gồm: Marcy, Kuhl, Holt và Bader. Cùng dự cuộc điều trần với BTQP McNamara có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng E.G.Wheeler, và Đại úy H.B.Sweitzer, Trợ lý quân sự cho Tướng Wheeler.

Việc mở rộng các hành động quân sự của Mỹ ra Bắc Việt

CT: Theo một bài báo của Hanson Baldwin đăng trênThời báo New Yorktháng 7-1964, vào thời điểm đó Lầu năm góc đang vận động cho việc mở rộng chiến tranh ra miền bắc Việt Nam. Trên thực tế, liệu có hay không đề xuất của quân đội Mỹ vào một lúc nào đó trong khoảng từ cuối 1963 đến tháng 7-1964 về việc mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt, bằng việc ném bom hoặc sử dụng các phương tiện khác?

BTQP: Tôi phải kiểm tra lại hồ sơ lưu trữ. Khi nhà báo đó nói Lầu năm góc biện hộ cho việc mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt, tôi không biết Lầu năm góc ở đây là ai.

CT: Nhưng…

BTQP: Cho phép tôi kết thúc câu trả lời. Tôi chỉ biết, đó không phải là tôi.

CT: Có phải là Tướng Wheeler?

BTQP: Liệu đó có phải là kiến nghị từ Hội đồng Tham mưu trưởng về việc mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt trong thời gian đó hay không, tôi không thể nhớ được. Tôi xin kiểm tra lại hồ sơ và đưa câu trả lời chính xác vào hồ sơ.

CT: Tôi không biết liệu Tướng Wheeler có biết việc đó hay không?

Tướng Wheeler: Tôi cũng không tin có việc như vậy, thưa ngài Chủ tịch. Tôi nghĩ câu trả lời chính xác là, đã có những hoạt động tình báo nhất định, như đưa các đội quân báo và thiết bị tình báo nhảy dù xuống Bắc Việt, từ đó thâm nhập vào nội địa. Theo hiểu biết của tôi, trong thời gian đó không có ý tưởng nào về việc mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt, với ý nghĩa là sự tham gia của quân đội chúng ta.

CT: Ngài có thay đổi ý kiến không?

Tướng Wheeler: Tôi sẽ kiểm tra lại hồ sơ.

Những chỉ thị cho tàu khu trục Maddox

CT: Có phải tàu Maddox được lệnh xâm nhập lãnh hải Bắc Việt và khiêu khích các mạng lưới dò quét điện tử, với giả thiết vùng lãnh hải rộng 12 hải lý?

BTQP: Chắc chắn là không. Tàu Maddox được chỉ thị rõ ràng là đậu ngoài vùng lãnh hải của Bắc Việt và không đi vào gần hơn tám hải lý so với khu vực bờ biển.

CT: Tôi nói là giả thiết vùng lãnh hải của họ rộng 12 hải lý.

BTQP: Nhưng ngài đã hỏi rằng tàu Maddox có được chỉ thị xâm nhập lãnh hải hay không.

CT: Giả thiết lãnh hải rộng 12 hải lý.

BTQP: Tôi muốn làm rõ hoàn toàn rằng, tàu Maddox không được chỉ thị xâm nhập lãnh hải bất kể rộng bao nhiêu.

TNS Lausche: Đâu là phần tiếp theo trong mệnh lệnh giao nhiệm vụ chính cho tàu Maddox?

BTQP: Tôi đang đọc bức điện gửi tư lệnh đơn vị CTF 72, mà tàu Maddox thuộc đơn vị này, bức điện được gửi ngày 17-7 với mã số thời gian là 170531Z. Đoạn 9: “Mục đích cơ bản của cuộc tuần tra này là dò xét hoạt động bờ biển của Việt Nam DCCH dọc theo toàn bộ đường tuần tra”. Đoạn 10: “Các yêu cầu tình báo cụ thể khác như sau: (a) định vị và xác định tất cả các trạm truyền dẫn radar, và ước tính tầm phủ sóng của các trạm này; (b) cung cấp thông tin về hàng hải và nước dọc các tuyến đường di chuyển; (c) giám sát lực lượng ghe buồm đối phương cùng mật độ giao thông bề mặt; (d) lấy mẫu các thông tin điện tử về môi trường và các trợ giúp hàng hải; (e) chụp ảnh các cơ hội hỗ trợ các yêu cầu trên…”.

Thư của TNS Fulbright gửi Bộ trưởng Hải quân Ignatius

CT: Tôi đã gửi ý kiến tới ngài Paul R.Ignatius vào ngày 12-1 để yêu cầu cung cấp một trong các bức điện liên quan. Rất khó dịch nó, trừ những người đã quen với các ký hiệu được Hải quân sử dụng: trong thông điệp do CTU72.1.2 gửi AIG181 mã ngày 04124Z có câu: “thông tin RCVD cho thấy rõ ràng một cuộc tiến công của PGM/P-4. Vị trí hiện tại của tàu 19-10.7 N 107-003, chạy hướng đông nam với tốc độ tối đa”. Trong thư trả lời, ngài Ignatius nói: “Theo tôi hiểu, những điểm ngài nêu lên đã được thảo luận giữa Bộ trưởng Nitze, TNS Russell và quý ngài. Tôi không có bổ sung gì thêm cho những cuộc thảo luận”. Nói cách khác là, bức điện Ủy ban yêu cầu đã không được cung cấp cho Ủy ban.

BTQP: Thưa ngài Chủ tịch, tôi thấy chưa rõ về vấn đề này. Bức điện ngài đọc có mã ngày là 041240Z. Theo thông tin của tôi, nó đã được cung cấp cho Ủy ban. Tôi có nhầm lẫn chăng?

CT: Ông Bader, có nó không?

NV Bader: Thưa ngài, chúng ta có bức điện đó.

Các mức độ quyền tiếp cận thông tin giải mật

BTQP: Có một thông tin được giải mật là thông tin tình báo đặc biệt chúng ta đang nói tới, nó liên quan tới các thông tin mà chúng ta đã thu trộm. Với loại thông tin này, các nhân viên của Ủy ban không được phép tiếp cận. Tổng thống chỉ thị cho tôi rất rõ là cung cấp thông tin cho các thành viên của Ủy ban, dù họ có được quyền tiếp cận hay không. Tôi có thông tin đó ở đây sáng nay, và tôi sẵn lòng đọc nó với quý ngài, nhưng tôi đề nghị những cá nhân không được quyền tiếp cận thông tin này rời khỏi phòng trước khi tôi làm việc đó.

TNS Gore: Vì nó liên quan các thông tin thu trộm.

BTQP: Đúng thế.

TNS Gore: Đại sứ Goldberg đã thảo luận về những vụ thu trộm tin tại LHQ trên truyền hình.

BTQP: Nhưng vấn đề ở đây liên quan việc thu trộm từ một đường liên lạc cụ thể. Các chuyên gia phân tích tình báo đã nghiên cứu thông tin này và khẳng định là đây là khu vực nguy hiểm với chung ta trong trường hợp nội dung thông tin thu trộm bị tiết lộ. Thực tế là chúng ta đang hưởng lợi từ một số khả năng nhất định mà chúng ta có (như năng lực thu tín hiệu từ vệ tinh hoặc đường cáp thông tin dưới đáy biển - ND), nhưng những nơi đó có thể ngăn chặn chúng ta tiếp tục làm như vậy nếu họ biết chúng ta đang trục lợi. Chúng tôi được chỉ thị không cho ai khác ngoài các thành viên QH và những người có quyền tương ứng, được tiếp cận những thông tin này.

Tại sao tàu Maddox không cắt đứt cuộc tuần tra?

CT: Ngài cho biết tại sao tàu Maddox không chấm dứt tuần tra khi họ cho rằng họ đã khiêu khích mạng dò quét điện tử của đối phương và bị phát hiện, theo bức điện này, họ nói rằng Bắc Việt lúc đó đã coi họ như kẻ địch và họ rất e ngại khu vực Hòn Mê. Tại sao họ không cắt đứt cuộc tuần tra vào lúc đó?

BTQP: Tôi không chắc là tôi biết về bức điện ngài đang nói tới là bức điện nào. Ngài có thể cho tôi mã ngày của nó. À, tôi nghĩ là đã tìm thấy nó rồi, đó là 0414 040140Z, và trong bức điện này, điện đài viên đoán rằng Bắc Việt đang giải mã chiến dịch của đơn vị anh ta. Anh ta không cho rằng các nguy cơ vào thời điểm đó là đủ lớn để chấm dứt cuộc tuần tra.

CT: Họ đã không làm như vậy à? Với vụ tiến công thứ hai, tôi muốn đọc bức điện do Trung tâm thông tin hải quân ở Philippines gửi Washington sau khi vụ tiến công thứ nhất xảy ra. Trung tâm này theo dõi tất cả các bức điện từ tàu Maddox và Turner Joy gửi trong vụ tiến công. Nội dung bức điện như sau: “Sau khi xem xét lại sự việc đã diễn ra, thông tin được ghi lại cho rằng, đã có nhiều va chạm và nhiều ngư lôi được phóng ra từ tàu đối phương, trở nên đáng nghi ngờ. Thời tiết biến động đã ảnh hưởng và sĩ quan phụ trách thiết bị rò quét dưới mặt nước có thể đã đếm lặp đi lặp lại nhiều lần chỉ một vài xung động. Tàu Maddox không thật sự nhìn thấy gì. Đề nghị hoàn tất việc phán đoán tình hình trước khi có hành động tiếp theo”. Với bức điện như vậy, một câu hỏi rất nghiêm túc đặt ra là tại sao, nếu cân nhắc gợi ý của bức điện, chúng ta lại không tiến hành ít nhất là một cuộc điều tra thích hợp hay tạm thời trì hoãn việc có hành động tiếp theo, để làm rõ tình hình?

Bức điện từ Philippines

CT: Ngài Bộ trưởng, tôi nghĩ ngài sẽ phải thừa nhận rằng, đã có cảnh báo khá rõ về những điều không chắc chắn về tình hình lúc đó.

BTQP: Thưa ngài Chủ tịch, tôi muốn chắc chắn chúng ta đang có trong tay cùng một bức điện.

CT: Ông Bader, hãy mang văn bản bức điện đó lại đây.

BTQP: Ông hãy đọc giúp tôi mã ngày của nó.

NV Bader: 041727.

BTQP: 071727.

NV Bader: Vâng.

CT: Ngài sẽ đặt bức điện đó vào bối cảnh thời gian?

Thông tin hải quân nhận được từ Philippines

CT: Tôi muốn xác định lại, bức điện này được gửi khi nào?

BTQP: Mã ngày của bức điện là 0417727Z, theo giờ GMT, nghĩa là nó được gửi vào 1h27 chiều 4-8 theo giờ miền đông nước Mỹ.

CT: Còn theo giờ địa phương?

BTQP: Giờ địa phương là 1h27 sáng 5-8.

CT: Xấp xỉ bốn hoặc năm giờ sau khi vụ tiến công xảy ra.

BTQP: Vâng, khoảng ba giờ.

CT: Xấp xỉ?

BTQP: Ba giờ.

CT: Ba giờ sau và ở Washington nhận được bức điện...

TNS Gore: Một chỉ thị cho đội đặc nhiệm là tìm kiếm các mảnh vỡ trong khu vực. Bức điện này được gửi sau cuộc tìm kiếm?

BTQP: Trước cuộc tìm kiếm. Tôi đã quên thời điểm chính xác. Nhưng tôi có thể cung cấp cho quý ngài hoặc bổ sung vào hồ sơ sau. Cuộc tìm kiếm các mảnh vỡ diễn ra ngày hôm sau.

TNS Gore: Xin được hỏi tiếp, họ có tìm thấy mảnh vỡ nào không?

BTQP: Tôi không nghĩ là có.

CT: Thời điểm chính xác là 1h37 sáng 5-8, phải không?

BTQP: Đúng vậy, theo giờ địa phương. Nếu tôi đã nói là 1h37, thì chính xác phải là 1h27, thưa ngài Chủ tịch.

CT: 1h27.

BTQP: Vào ngày 5-8.

CT: Sáng 5-8.

BTQP: Đúng vậy. Theo giờ địa phương.

CT: Được rồi. Vậy giờ mời ngài quay lại bức điện. Ngài có gì để nói?

BTQP: Thưa ngài Chủ tịch. Tôi muốn nói với ngài về thứ tự các cuộc đối thoại liên quan tới chủ đề này đã được ghi lại trong bức điện. Dù bức điện không nói là sĩ quan liên lạc đặt dấu hỏi về việc liệu có xảy ra một cuộc tiến công hay không, bức điện cũng đã nói rằng, có vẻ đáng nghi ngờ thông tin nói có nhiều va chạm đã được máy quét ghi lại và nhiều ngư lôi được bắn. Vì vậy, lúc đó chúng tôi bắt đầu chắp nối các thông tin với nhau và đề nghị Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương xem xét và đánh giá thêm tình hình.

 

( Theo Tô Minh // Báo Nhân dân Online )

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi