Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới năm 2008: Từ góc nhìn an ninh

Năm 2008, bên cạnh những yếu tố hợp tác và phát triển, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều sự kiện tác động xấu đến môi trường an ninh quốc tế. Những cuộc xung đột giữa các quốc gia, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, bạo loạn, li khai... gia tăng và phức tạp hơn năm 2007. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, thảm họa thiên tai... đã và đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế những nguy cơ, thách thức mới về an ninh.
 

NATO hướng Đông và nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ


Nga - Mỹ vốn đã bất đồng về nhiều vấn đề như: hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, NATO phát triển thu hẹp không gian chiến lược của Nga, vấn đề Gru-di-a... nhất là việc Mỹ chuẩn bị kết nạp Gru-di-a vào NATO, đặt tên lửa đánh chặn (TMD) ở Ba Lan và hệ thống ra đa ở Cộng hoà Séc là nguyên nhân trực tiếp làm tăng sự bất đồng quan hệ Nga - Mỹ.

Giới phân tích SNG cho rằng việc Mỹ sử dụng Gru-di-a làm lính xung kích khu vực hòng làm suy yếu Nga, nên Nga buộc phải tính đến hành động giáng trả vì lợi ích an ninh. Tại cuộc họp thượng đỉnh Nga - NATO (04.2008) ở Bu-ca-rét, ông Pu-tin đã tuyên bố, việc Gru-di-a và U-crai-na gia nhập NATO là sự đe doạ trực tiếp đối với an ninh của Nga, do đó Nga không thể không phản ứng lại đối với những hành động phá hoại an ninh quốc gia của mình.

Xe tăng quân đội Nga tại mặt trận gần Tskhinvali (Grudia)

Ngay từ đầu năm 2008, Nga đã dự báo được ý đồ tiến công quân sự của Gru-di-a vào Nam Ô-xê-ti-a. Tuy nhiên, khi chiến sự nổ ra Nga tuyên bố chỉ trừng phạt Gru-di-a xâm lược với “mục tiêu giới hạn” là buộc Gru-di-a trở lại bàn đàm phán hòa bình; vừa “rằn mặt” Chính quyền Gru-di-a vừa đạt được thỏa thuận với phương Tây về nguyên tắc giải quyết hòa bình cuộc xung đột, qua đó bảo vệ được uy tín của Nga và tiếp tục duy trì quan hệ với châu Âu.

Một số chuyên gia về vấn đề Nam Cáp-ca-dơ cho rằng: Cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a là một kịch bản đã được Gru-di-a dàn dựng và tính toán cẩn trọng, trong đó có sự ủng hộ tích cực của Mỹ. Mục đích lôi kéo Nga vào một chiến dịch quân sự hết sức phức tạp và mạo hiểm để kiềm chế những kết quả mà Nga đã đạt được trong phát triển kinh tế và uy tín trên diễn đàn chính trị thế giới.

Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) ngày 5.9.2008 đã ra Tuyên bố chung ủng hộ vai trò tích cực của Nga đối với hòa bình và hợp tác ở khu vực Cáp-ca-dơ và nêu rõ các nước thành viên ODKB có toàn quyền tự quyết định vấn đề này trên cơ sở những nguyên tắc chung và các quy định của luật pháp quốc tế, có tính tới lợi ích quốc gia của mình. ODKB kêu gọi NATO cân nhắc kỹ về hậu quả của kế hoạch mở rộng khối về phía Đông và triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu. Như vậy, kế hoạch Đông tiến của NATO là nguyên nhân trực tiếp làm cho nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ có thể trở thành hiện thực.

Xu thế đa cực đang hình thành rõ nét


Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là ông Medvedev đã chính thức trở thành Tổng thổng mới của Nga và Putin trở lại ghế Thủ tướng. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga đến Trung Quốc (05.2008) là một tín hiệu rõ ràng gửi tới chính quyền Mỹ rằng Nga sẽ tiếp tục đường lối của cựu Tổng thống Putin và rằng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là châu Á, chứ không phải Mỹ hay EU. Sự hợp tác toàn diện song phương Nga - Trung khẳng định quan điểm của hai nước phản đối âm mưu của Mỹ thiết lập thế giới đơn cực dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 8, ngày 28.8.2008, các nguyên thủ quốc gia cho rằng vai trò địa chính trị và kinh tế của vùng Trung Á đang tăng lên. Sự phát triển của SCO sẽ góp phần củng cố sự ổn định về chiến lược, duy trì hòa bình và an ninh. SCO tuy không phải là cực thứ hai của thế giới, không phải là một tổ chức thay thế NATO và cũng không có tham vọng thay đổi thế giới, đây chỉ là một tổ chức khu vực nhằm giải quyết các vấn đề phát triển Trung Á, nhưng những quyết định của SCO lần này đã thể hiện lập trường của tất cả 6 nước thành viên đối với những vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới, đều được giới phân tích chính trị và dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Năm 2008, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Trung và trao đổi các chuyến thăm cấp cao nhằm tháo gỡ bất đồng, tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề quốc tế và khu vực vì lợi ích riêng của mỗi nước. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại mâu thuẫn trên nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc Mỹ bắt một người gốc Trung Quốc với lý do làm gián điệp; báo cáo Nhân quyền quốc tế của Mỹ năm 2007; vấn đề Tây Tạng và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; vấn đề sức mạnh quân sự của Trung Quốc...

Năm 2008, Nhật Bản tiếp tục dựa vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để cơ cấu tổ chức lại Lực lượng Phòng vệ, tăng cường tiềm lực quân sự, thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia có sức mạnh quân sự và chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Về đối ngoại, cùng với việc củng cố, thắt chặt quan hệ Nhật - Mỹ, Nhật Bản chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng thời mở cuộc “tiến công ngoại giao châu Phi”, tạo hình ảnh Nhật Bản là nước lớn có trách nhiệm với thế giới.

Trong thời gian gần đây nhiều nước Nam Mỹ đồng loạt phản đối Mỹ, tố cáo Washington mưu toan lũng đoạn nội tình đất nước họ. Tình hình căng thẳng hẳn lên từ ngày 10.09.2008, khi Tổng thống Bolivia Evo Morales ra lệnh trục xuất đại sứ Mỹ tại La Paz, với lý do là nhân vật này cố tình kích động tâm lý đòi ly khai của lãnh đạo các vùng Bolivia muốn tự trị. Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez cũng lên tiếng đả kích Washington, trục xuất đại sứ Mỹ tại Caracas và đe doạ ngưng bán dầu cho Mỹ. Venezuela còn công khai thách thức Mỹ khi tiếp đón hai máy bay chiến lược TU 160 của Nga và sẽ tham gia cuộc tập trận chung trên biển với Nga vào tháng 11. Ngày 14.09.2008, Chủ tịch Raul Castro đã bày tỏ sự ủng với Chính phủ Bolivia và Tổng thống Evo Morales và khẳng định tình hình của Bolivia sẽ phải do chính người dân Bolivia quyết định.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã đạt được những thành tựu to lớn, hoàn thành ý tưởng về một tổ chức hợp tác khu vực với sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á. Hiện nay, tổ chức này đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, với 3 trụ cột là An ninh, Kinh tế, Văn hoá-Xã hội. Hiến chương ASEAN sẽ đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức liên kết chính phủ chặt chẽ, gắn bó, năng động, hướng tới người dân hơn. Đặc biệt, chủ động thúc đẩy hợp tác, đối thoại trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin, giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột; hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực từ các nền kinh tế lớn và các khu vực khác trên thế giới.

Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự răn đe các quốc gia độc lập

Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2008 là 485 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2007. Dự kiến, ngân sách quốc phòng 2009 của Mỹ sẽ tăng lên 515 tỷ USD.  Ngày 03.06.2008, Quốc hội Mỹ đã cho công bố kế hoạch dự chi cho chương trình phát triển vũ khí mới của Mỹ trong 5 năm tới trị giá gần 900 tỷ USD. Mỹ thành lập và điều chỉnh một số đơn vị, trong đó có Bộ Tư lệnh châu Phi; khôi phục lại Hạm đội 4; quyết định nâng cấp Lực lượng Lục quân đóng ở Cô-oét lên thành Bộ Tư lệnh thường trực; nâng cấp cụm tác chiến Không quân 607 ở Hàn Quốc thành Trung tâm tác chiến Không quân và Vũ trụ 607...

Mỹ đã tập trung mọi nỗ lực để buộc Iran phải ngừng chương trình làm giàu uranium, kể cả đe dọa chiến tranh, nhưng vẫn không khuất phục được lãnh đạo nước này. Với sự phản ứng của Bắc Triều Tiên, chính quyền Bush cũng buộc phải giỡ bỏ một phần cấm vận, viện trợ 500.000 tấn lương thực, yêu cầu đồng minh Hàn Quốc viện trợ kinh tế, trong đó có dầu, 1.000 tấn đồng để đổi lại việc Bắc Triều Tiên trao cho Mỹ 18.000 trang hồ sơ tài liệu về lò phản ứng hạt nhân Yongbyon và nhà máy tái chế biến, mở đường cho việc nối lại đàm phán 6 bên.

Cô-xô-vô độc lập - tạo tiền lệ cho phong trào ly khai ở nhiều nước

Sự kiện Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cho tỉnh Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế hiện nay. Những khu vực tại Trung Quốc như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông; Ta-min (Xri-la-ca), Pun-giáp (ấn Độ), các đảo ở Phi-líp-pin, các tỉnh phía Nam Thái Lan; một số vùng ở Bô-li-vi-a, Vê-nê-xu-ê-la (Mỹ la-tinh) là những nơi tích cực đấu tranh đòi độc lập hơn sau “tấm gương” Cô-xô-vô. Đây là hệ quả chính sách sử dụng con bài “ly khai, xung đột sắc tộc” của phương Tây để can thiệp vào độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Tình hình của Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a có những nét tương đồng với Cô-xô-vô nên khi Mỹ và phương Tây vội vã công nhận Cô-xô-vô thành quốc gia độc lập làm cho phong trào đòi ly khai ở đây lại dấy lên mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, ngay sau cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gru-di-a, ngày 26.08.2008 Nga đã ra sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hoà ly khai Nam Ô-xê-ti-a, Áp-kha-di-a và ngày 09.09.2008 Nga cũng tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước này.

Mỹ không thực hiện được mục tiêu ổn định tình hình Irắc và Afganistan


Cho đến nay tổng chi phí của Nhà Trắng cho cuộc chiến chống khủng bố kể từ vụ 11.09.2001 đã lên đến gần 900 tỷ USD. Mỹ bị sa lầy ở Irắc, Afganistan, Đảng cộng hòa mất uy tín lớn, tạo cơ hội cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ vào ngày 04.11.2008.

Việc Tổng thống Bush gây sức ép với Thủ tướng Irắc cho Mỹ bố trí quân lâu dài ở nước này sau năm 2008 đã gây phản ứng và lo ngại trong khu vực, nhất là Iran. Vì vậy, ông Nuri al-Maliki ngày 08.06.2008 đã phải đích thân đến Teheran để trấn an các nhà lãnh đạo Iran.

Sau 5 năm gây chiến tại Irắc, chính quyền Mỹ buộc phải công bố số liệu thương vong, mà theo giới phân tích thì đây là con số ít hơn so với thực tế. Hơn 4.000 sỹ quan và binh lính Mỹ đã thiệt mạng, gần 30.000 lính Mỹ bị thương, trong đó có 13.138 bị thương nặng phải rời quân ngũ. Còn ở Afganistan, Mỹ luôn đề nghị NATO tăng quân, nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều nước, nhất là các nước lớn ở châu Âu.

An ninh kinh tế toàn cầu suy giảm trầm trọng

Trong những tháng cuối năm các tập đoàn tài chính khổng lồ Mỹ: AIG, Lehman Brothers và Merrill Lynch đã lần lượt tuyên bố phá sản do thua lỗ tín dụng thế chấp cho vay kinh doanh bất động sản. Chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra 700 tỷ USD để giải cứu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà nghiên cứu, giải pháp cả gói trên sẽ không mấy hiệu quả. Ngày 25.09.2008 Cục điều tra liên bang Mỹ đã mở cuộc điều tra quy mô lớn đối với các tập đoàn tài chính nói trên. Sự sụp đổ của các đại gia tài chính Mỹ nói lên rằng nước Mỹ không chỉ là nơi khơi ngòi cho cuộc khủng hoảng kinh tế (01.2008) mà còn làm trầm trọng thêm tính chất của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Thế giới đang đứng trước nguy cơ mất ổn định hơn


Trong báo cáo quý II - 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ và thực tế những tháng gần đây cho thấy mạng lưới Al-Qaida đã hồi phục lại một phần khả năng hoạt động tại các khu vực hẻo lánh ở Pakistan như trước khi xảy ra các cuộc tấn công năm 2001. Đây là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong năm 2007, 2008 và có thể cả năm 2009. Tại Nam Á, tổ chức Jemaah Islamiyah vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lợi ích của Mỹ, đặc biệt là tại Indonesia và Philippines, Malaysia. ấn Độ là nước bị tác động nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố, với hơn 2.000 người chết, đặc biệt là ở khu vực Kashmir do ấn Độ kiểm soát.

Ngày 11.05.2008, Sudan đã cắt đứt quan hệ với nước láng giềng Chad vì cho rằng nước này đã ủng hộ phiến quân Dafur tấn công thủ đô Khartum; Trung Đông luôn là điểm nóng do Mỹ chỉ ủng hộ Ixraen, bỏ qua lợi ích chính đáng của các nước Arập, nhất là Palextin. Tình hình Li-băng trong nửa đầu của năm 2008 đặc biệt căng thẳng khi xảy ra các cuộc xung đột giữa lực lượng Hezbollah thân Iran và lực lượng chính phủ thân phương Tây. Tình hình khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn căng thẳng do mâu thuẫn giữa đảng quyền lực nhân dân (PPP) với phe đối lập kéo dài. Vấn đề hạt nhân của I-Ran và Bắc Triều Tiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng.

Để đáp trả những hành động bao vây quân sự của Mỹ và NATO, trong bài phát biểu ngày 27.09.2008 Ông Medvedev nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, chiến tranh có thể bùng nổ bất ngờ và các cuộc xung đột khu vực có thể bùng phát thành xung đột vũ trang. Vì vậy, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga phải được hiện đại hóa để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, bảo đảm hòa bình và ổn định./.   

(Nguyễn Nhâm - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Bàn về hệ thống TK kế toán hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Báo cáo tài chính và sự thay đổi của giá cả
  • Kế toán tại DNNVV: Đối phó và hệ lụy
  • Mô hình một cửa liên thông ở thành phố Hải Phòng
  • Năm 2008: Nhìn từ góc độ điều hành vĩ mô nền kinh tế
  • Huyện Phổ Yên với mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2006 - 2010
  • Thái Nguyên: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • Công Thương Thái Nguyên: Động lực tăng trưởng kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi