Phát triển công thương được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nhận thức được vai trò đó, thời gian qua với việc tận dụng các nguồn tài nguyên vốn có cùng chính sách phát triển phù hợp, ngành công thương Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất khả quan, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế chung của Tỉnh.
![]() |
Những kết quả đã đạt được 2006-2008
Về công nghiệp: Phát triển đều ở cả 3 khu vực công nghiệp Trung ương, công nghiệp địa phương, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 đạt 5.849,96 tỷ ước tăng lên 8.222 tỷ năm 2008, trong đó: Công nghiệp Trung ương: Từ 3.609,15 tăng lên 4.688 tỷ; công nghiệp địa phương: Từ 1.881,78 tăng lên 3.160 tỷ; Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Từ 359,03 tăng lên 374 tỷ.
Công nghiệp Thái Nguyên đã phát triển mạnh và chuyển dịch nhanh cơ cấu các ngành công nghiệp nặng có tiềm năng lợi thế phát triển, có giá trị tăng cao. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chiếm phần lớn kim ngạch của Tỉnh.
Với cơ cấu đầu tư hợp lý, cơ cấu ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đến năm 2007, trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh, công nghiệp chiếm 39,55%, dịch vụ chiếm 36,2%, nông nghiệp chiếm 24,25% GDP. Năm 2008, một số sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong GTSXCN trên địa bàn ước đạt: quần áo may sẵn 6.432.000 cái, tăng 34,9%; điện sản xuất 580,1 triệu kwh, tăng 232,3%, than sạch 841.000 tấn, tăng 5,8%; thép cán 602.900 tấn, tăng 5%; xi măng 593.900 tấn, tăng 2,5%.
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 84,7% trong GTSXCN. Các nhóm ngành công nghiệp phát huy thế mạnh địa phương như luyện kim, khai khoáng, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành. Đặc biệt, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, sau khi một số nhà máy được đầu tư nâng cao năng lực sản xuất đã và đang từng bước lấy lại uy tín, thương hiệu trên thị trường; ngành công nghiệp may, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 69,8% đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực nâng cao giá trị xuất khẩu của Tỉnh. Các dự án trọng điểm được đầu tư từ những năm trước đưa vào hoạt động, tạo ra một số sản phẩm mới, hàng năm đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào GTSXCN chung của toàn Tỉnh.
Thương mại, dịch vụ từng bước được mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Mạng lưới bán lẻ trên thị trường đã có sự chuyển dịch đáng kể, thương mại nội địa và xuất khẩu đều có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Khu vực dịch vụ tăng 13,02%/năm đóng góp 4,34% tốc độ tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP thương mại đạt 16,7%/năm, tỷ trọng ngành Thương mại trong GDP toàn tỉnh đạt 7,73% và chiếm 21,2% trong khu vực dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2008 đạt 17,34%/năm.
Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương (doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp thương mại - dịch vụ) là 1.022 chiếm 54,6% trong tổng số doanh nghiệp hiện có của Tỉnh và 41.680 hộ kinh doanh cá thể. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động và ngành nghề kinh doanh. Một số dự án sau đầu tư đã phát huy hiệu quả rõ rệt như: Dây chuyền lò quay của Công ty CP xi măng La Hiên; Công ty nhiệt điện Cao Ngạn; Công ty CP May xuất khẩu Thái Nguyên tại Khu Công nghiệp Sông Công, Nhà máy Kẽm điện phân.... Số dự án và vốn đăng ký đầu tư mới tăng mạnh trong năm 2008. Thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước, đời sống được cải thiện và từng bước ổn định hơn.
Đến nay toàn Tỉnh đã quy hoạch 3 khu công nghiệp tập trung, 27 cụm công nghiệp nhỏ (trong đó 11 cụm có quy hoạch chi tiết), thu hút trên 30 dự án đầu tư sản xuất, với số vốn đăng ký trên 1.360 tỉ đồng. Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp địa phương, trở thành nhân tố quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng thu ngân sách. Trong đó, nổi bật là thị xã Sông Công, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân những năm gần đây đạt 28,88%; huyện Phổ Yên có tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm đạt 38,1%.
Tình hình đầu tư có những bước chuyển biến tích cực, nhiều dự án hoạt động hiệu quả cùng với việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu có được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2006-2008, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng từ 53.023 nghìn USD năm 2006 lên 121.000 nghìn USD năm 2008, giá trị xuất khẩu bình quân/người/năm ước đạt 106,42 USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2006 - 2008 đạt 49,2%.
Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu phát triển theo xu hướng tư nhân hoá, tập thể hoá hoạt động ngoại thương dưới các hình thức: Công ty tư nhân, Công ty TNHH và Công ty cổ phần. Hiện đã có 32 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, giá trị xuất khẩu bình quân/doanh nghiệp hằng năm tăng 46%. Cơ cấu các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu được cải thiện nhất định nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng của các nhóm, mặt hàng qua chế biến tăng dần, chất lượng hàng hoá xuất khẩu đã được nâng lên đáng kể. Một số mặt hàng xuất khẩu của Thái Nguyên đã đủ sức cạnh tranh để giữ vững và tăng nhanh thị phần như: Thiếc, hàng may mặc, các sản phẩm kim khí, dụng cụ y tế, thú y, giầy đế, chè khô các loại,...
Công tác quản lý nhà nước về Công Thương trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương được đề cao và phát huy, nhiều cơ chế chính sách tham mưu cho Tỉnh đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; đặc biệt là công tác lập, hướng dẫn triển khai và giám sát thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án như: Quy hoạch phát triển: công nghiệp, thương mại, điện lực; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản: Sắt, Titan, Chì, Kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; chương trình phát triển Công nghiệp- Thương mại Du lịch, đề án phát triển TTCN-làng nghề 2006-2010, kế hoạch thương mại điện tử trên địa bàn đến 2010... Công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp và hoạt động xúc tiến thương mại đã hình thành, từng bước kiện toàn về tổ chức và chất lượng cán bộ viên chức trong các trung tâm. Trong 3 năm đã hỗ trợ kinh phí thực hiện 53 đề án về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề theo địa chỉ.
Giải pháp phát triển đến năm 2010
Mục tiêu phấn đấu: Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa Thái Nguyên trở thành Tỉnh công nghiệp và đưa Thái Nguyên cơ bản trở thành trung tâm kinh tế của vùng núi Bắc Bộ, đòi hỏi ngành công thương phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển với tốc độ nhanh góp phần tăng trưởng GDP chung của tỉnh đạt 12-13%, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của Tỉnh đến năm 2010 đạt 45% trong đó GDP công nghiệp 40,3%, GTSXCN tăng bình quân 22 % trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 16%/năm, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của tỉnh đến năm 2010 đạt 38,5% trong đó, GDP thương mại 9% trong GDP và đạt 23,4% trong khu vực dịch vụ, tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân trong giai đoạn 2006-2010 đạt 13%/năm, trong đó thương mại tăng 16%/năm;
Giải pháp thực hiện
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đề ra trong giai đoạn 2006-2010, nhanh chóng đưa công thương thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm động lực tăng trưởng kinh tế. Ngành Công Thương Thái Nguyên cần thực hiện một số giải pháp lớn:
Một là, tập trung xây dựng các quy hoạch còn thiếu; rà soát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đang có nhiều bất cập như: Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, điện lực, cơ sở hạ tầng bán buôn, bán lẻ, mạng lưới xăng dầu, khu, cụm công nghiệp... Để đủ điều kiện thu hút đầu tư trong thời kỳ hội nhập.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện “cải cách thủ tục hành chính-thu hút đầu tư”; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ. Công tác tuyển dụng cần được đổi mới để tuyển chọn được công chức có năng lực thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập. Phát huy hiệu quả của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện gây phiền hà cho doanh nghiệp và công dân; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc, gặp mặt doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đầu tư và quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ba là, từng bước chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp cơ khí lắp ráp, công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển bền vững.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa, nhỏ và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; kích thích sức mua và mở rộng thị trường.
Năm là, cần xây dựng và quản lý tốt quy hoạch hệ thống phân phối và bán lẻ trên địa bàn theo hướng ưu tiên các nhà phân phối hàng hoá trong nước ở những vị trí có lợi thế thương mại; thành lập hiệp hội bán lẻ và hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh để ổn định và phát triển, lành mạnh thị trường trước những khó khăn và tác động bất thường của thị trường trong nước và thế giới; góp phần kiềm chế đột biến giá cả, giữ vững cân đối vĩ mô, đáp ứng các nhu cầu của sản xuất và đời sống;
Sáu là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, hoạt động khoáng sản, lâm sản trái phép. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ./.
(Đinh Khắc Hiển- Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com