Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thái Nguyên: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Thái Nguyên là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Thái Nguyên đã từng là “Thủ đô kháng chiến” của cả nước. Tự hào có nền giáo dục quốc dân sớm phát triển, với hơn 60 năm của nền giáo dục cách mạng, Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên liên tục phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng kể, phấn đấu là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  

ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Thành tích đáng tự hào

Tính đến năm học 2007-2008 ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên có: 199 trường mầm non, với 2.245 cán bộ giáo viên; 227 trường tiểu học, với 5.888 cán bộ giáo viên; 179 trường THCS, với 5.558 cán bộ giáo viên; 3 trường cấp 2-3 với 199 cán bộ giáo viên; 26 trường THPT, với 1.762 cán bộ giáo viên; Có 15 trường Cao đẳng, TCCN và đào tạo nghề, 10 Trung tâm GDTX cấp tỉnh và huyện. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên của các bậc học: Mầm non 93,19 %, Tiểu học 97,97 %, Trung học cơ sở 98,5 %, Trung học phổ thông 99,2 %; Tất cả các cấp học và ở hầu hết các cơ sở giáo dục đều có đội ngũ giáo viên trên chuẩn.

Hàng năm tỉnh Thái Nguyên có gần 3 vạn học sinh Đăng ký dự thi vào các trường Đại học, Cao đẳng, TCCN và đào tạo nghề. Số học sinh trúng tuyển vào Đại học, Cao đẳng khoảng gần 3000 chiếm khoảng 10 đến 20% tổng số học sinh dự thi. Số học sinh đi học tại các trường TCCN và các trường Đào tạo nghề khoảng 2500 em.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là một trường đại học đa ngành được thành lập theo Quyết định số 31/CP ngày 4 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại các Trường đại học thành viên ở Thái Nguyên. Hiện tại, ĐH Thái nguyên đã có 5 trường đại học, 1 trường cao đẳng thành viên và 3 khoa trực thuộc, 1 trung tâm học liệu, 1 trung tâm giáo dục quốc phòng, gồm: Đại học Sư phạm, Đại Học Nông lâm, Đại học Y khoa, Đại học kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kinh tế, Khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội nhân văn, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Ngoại ngữ.

Đại học Thái Nguyên là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ và quản lý tiên tiến; tham gia thẩm định và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, góp phần đưa vùng phát triển cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.Cơ sở vật chất của Đại học sẽ được phát triển phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và đất nước nói chung.

Ngoài hệ thống các Trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên còn có hệ thống giáo dục các cấp và trung học dạy nghề tương đối hoàn chỉnh: 19 trường CĐ, TCCN và dạy nghề, 2 trung tâm nghiên cứu.

Năm 2008 chỉ tiêu tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và TCCN được Nhà nước giao tăng so với  năm học trước từ 10- 15%. Các trường chuẩn bị mọi điều kiện về hồ sơ tuyển sinh, Qui chế, những điều cần biết đáp ứng tốt công tác đổi mới tuyển sinh theo đúng kế hoạch đề ra mỗi năm có trên 6 vạn  sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học, các trường Đại học, Cao đẳng và TCCN, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triẻn. Giáo dục chuyên nghiệp được quan tâm hơn, được định hướng rõ ràng trong việc mở rộng ngành nghề đào tạo, chú trọng ưu tiên các ngành nghề mũi nhọn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.  Nhiều trường được ưu tiên đầu tư nâng cấp toàn diện, phát triển mạnh mẽ cả về chất lẫn về lượng.

Nhìn chung, chất lượng giáo dục của các trường được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ học sinh khá trở lên ở tất cả các trường đều tăng, học sinh yếu giảm. Chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên được chính phủ các tổ chức xã hội công nhận và Đại học Thái Nguyên trở thành một trong các đại học trọng điểm của Việt Nam. Các trường tiếp tục đa dạng hoá ngành nghề đào tạo nhằm phù hợp với cơ chế thị trường lao động; đáp ứng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Công tác nghiên cứu khoa học trong năm qua nhìn chung cán bộ giáo viên ở các trường đã có ý thức tốt trong nghiên cứu khoa học và chuyển giáo công nghệ, một số trường đã đảm nhận thực hiện tốt công trình NCKH, dự án cấp bộ, ngành và địa phương góp phần quan trọng vào phát triển khoa học cộng nghệ, giải quyết những vấn đề thực tiến vaò cuộc sống, phục vụ tích cực cho nâng cao chất lượng GD, NCKH, bước đầu đã gắn với đào tạo nguồn nhân lực theo hướng khoa học và công nghệ, nhiều luận văn tiến sỹ thạc sỹ đã gắn với NCKH, Tuy nhiên hoạt động NCKH của các cán bộ giáo viên còn chưa nhận thức đúng trách nhiệm và đặt đúng vị trí của hoạt động nghiên cứu khoa học trong hoạt động chung của nhà trường nên phần lớn thời gian dành cho việc dạy học, xem nhẹ công tác NCKH sắn sàng dạy thêm nhiều giờ mà không dành thời gian vào NCKH, các đề tài còn mang nặng tính đơn ngành, mang nặng tính hàn lâm, ít gắn bó với đòi hỏi thực tiễn, nên hiệu quả còn khiêm tốn chưa tạo nên sản phẩm công nghệ cao mang dấu ấn của sự liên kết đa ngành đa lĩnh vực, các đề tài NCKH chưa tương xứng với tiềm năng nhiệm vụ của từng trường, hoạt động NCKH còn chưa được coi trọng là một trong hai nhiệm vụ của nhà trường.

Quan điểm Quy hoạch: Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung học dạy nghề  đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá và hiện đại hoá; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước; góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài; thực hiện điều chỉnh cơ cấu hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội;

Kết hợp hài hoà giữa việc khai thác mặt tích cực của cơ chế thị trường với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước; nhà nước tăng cường đầu tư ngân sách, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; tạo quỹ đất xây dựng trường; thực hiện công bằng xã hội; ban hành chính sách hỗ trợ vùng khó khăn, hỗ trợ người học thuộc các đối tượng ưu tiên, khuyến khích học tập, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề;

Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chính sách, quy hoạch, chất lượng đào tạo, chuẩn giảng viên, các yêu cầu về quản lý tài chính, hợp tác quốc tế đối với các trường đại học, cao đẳng. Tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung học dạy nghề;

Quỹ đất cho các công trình giáo dục: Đến năm 2020 sử dụng khoảng 360 ha cho các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Xây dựng trung tâm công nghệ thông tin. Nghiên cứu hình thành trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao nhằm nghiên cứu triển khai, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh trong khu vực.

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Đại học Thái Nguyên trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo của Vùng miền núi trung du Bắc Bộ ; Củng cố và phát triển hệ thống các trường Cao đẳng, công nhân kỹ thuật, dạy nghề đáp ứng yêu cầu về lao động cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tỉnh Thái Nguyên và vùng miền núi trung du Bắc Bộ.

Giải pháp đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho tỉnh và khu vực

Một là,
cần xây dựng chiến lược kế hoạch hoá mục tiêu đào tạo nhân lực một cách đồng bộ, gắn đào tạo với sử dụng, khắc phục dần tình trạng mất cân đối hiện nay về đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Điều kiện trước tiên là phải xây dựng một hệ thống thông tin thị trường lao động kỹ thuật nhằm xác định và cung cấp những thông tin chính xác, có căn cứ về nhu cầu của các ngành kinh tế cũng như về khả năng đào tạo. Hoạt động của hệ thống thông tin thị trường lao động là cầu nối góp phần quan trọng trong việc giải quyết quan hệ giữa đào tạo và sử dụng. Đây cũng chính là cơ sở để định hướng và lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hàng năm không phải chỉ thực hiện riêng cho ngành giáo dục mà còn phục vụ cho các doanh nghiệp và chính bản thân người lao động trong tỉnh và trong khu vực.

Hai là
, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sự nghiệp đào tạo phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh. Trước hết, tỉnh cần có những kiến nghị bổ sung những chính sách phát triển cho hệ thống giáo dục đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phát triển nhanh về công nghiệp, nhất là các chính sách về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, chính sách tăng cường đầu tư tài chính, con người cho việc đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là,
công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Đối với hình thức đào tạo, phải xác định lấy đào tạo tại các trường, các trung tâm và cơ sở dạy nghề là giai đoạn cơ bản, còn đào tạo chuyên ngành phải gắn chặt với các nhà máy, xí nghiệp để đạt hiệu quả cao. Việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cần có những giải pháp đồng bộ phối hợp giữa các ngành đào tạo và sử dụng nhân lực, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các tỉnh, giữa các cấp quản lý về đào tạo nhân lực và giữa các trường, cơ sở đào tạo của các địa phương và Trung ương về chương trình mục tiêu đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể.

Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác xã hội hoá trong đào tạo, nhằm huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển đào tạo, dạy nghề, kể cả nguồn lực từ nước ngoài. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo. Cần phải đầu tư tích cực về đổi mới trang thiết bị phục vụ đào tạo. Một vấn đề quan trọng trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, ngoài ngân sách Nhà nước, cần phải thể chế hoá công tác xã hội hoá giáo dục về đào tạo. Các cấp quản lý Nhà nước phải có cơ chế về sự liên kết, quản lý và khuyến khích, ưu tiên thu hút vốn đầu tư và công nghệ đào tạo từ các doanh nghiệp, công ty, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, phải chú ý việc đào tạo ngay từ chính các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp.

Năm là, một vấn đề có tính chất quyết định của giáo dục và đào tạo là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đây là khâu đột phá quan trọng, không chỉ đối với giáo dục phổ thông, mà cả giáo dục chuyên nghiệp. Đối với giáo viên dạy nghề còn thiếu nghiêm trọng, cần tiếp tục bổ sung từ nhiều nguồn, chính sách thu hút giáo viên nghề trình độ cao từ nơi khác đến. Quan tâm cử giáo viên đi đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy trong đội ngũ giáo viên, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn khác hỗ trợ cho công tác giảng dạy. Đối với giáo viên dạy nghề cần đặc biệt chú ý kỹ năng thực hành.

Sáu là, đối với ngành giáo dục, cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, cần phải tích cực nghiên cứu và thực hiện việc liên thông đào tạo giữa các trường Trung học chuyên nghiệp với Cao đẳng, các cơ sở Đại học. Trước mắt là liên thông với các trường, cơ sở đào tạo trong nước và từng bước liên kết với các trường và cơ sở đào tạo của các nước trong khu vực. Đó là việc liên thông về chương trình, hình thức đào tạo theo hướng nâng cấp trình độ đào tạo theo từng cấp độ cho học sinh, sinh viên. Thành lập các hội đồng hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Xây dựng quỹ tín dụng học nghề, hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng cơ chế phối hợp đào tạo thực hành của các trường THCN, Cao đẳng, các cơ sở Đại học và các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao. Hợp đồng đào tạo theo địa chỉ giữa các trường chuyên nghiệp và các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có trách nhiệm trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Bảy là, vấn đề đáng quan tâm nữa về giải pháp đào tạo nhân lực là trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội theo xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, việc hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc hợp tác có mục đích thu hút được các nguồn vốn đầu tư cho công tác đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao. Nội dung của việc hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực tập trung vào việc xây dựng những Trung tâm đào tạo kỹ thuật cao ở những vùng phát triển mạnh về kinh tế công nghiệp. Mặt khác, thông qua hợp tác, tỉnh có thể lựa chọn và gửi đi nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề sẽ phát triển theo qui hoạch trong tương lai./.
    

(Lê Duy Vỵ- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Công Thương Thái Nguyên: Động lực tăng trưởng kinh tế
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (3). Chiến lược rút ngắn khoảng cách phát triển
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (1). Kinh tế Việt Nam và Đông Á từ giữa thế kỷ XX
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (2). Định vị kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(1). Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(2). Bàn về khả năng thiết lập cộng đồng Đông Á trong tương lai
  • Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
  • Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi