Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2008: Nhìn từ góc độ điều hành vĩ mô nền kinh tế

Năm 2008, kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua rất nhiều những khó khăn, thách thức. Chính phủ đã có những hành động, giải pháp quyết liệt và đã từng bước ổn định được nền kinh tế. Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong và ngoài nước đã đánh giá cao về hiệu quả điều hành vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong năm vừa qua.
   

Công tác dự báo có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế

Chậm phát hiện những nhân tố tiền khủng hoảng kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ. Những nhân tố tiền khủng khoảng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện ngay từ cuối năm 2007, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như giảm lãi suất, bơm tiền vào lưu thông, cải cách cơ cấu kinh tế... hy vọng chặn đứng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế. Sự can thiệp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với nhiều lần cắt giảm lãi suất tiền gửi ngắn hạn đồng USD nhưng không thành công... Giá cả hàng hoá thế giới tăng cao, nhất là giá xăng dầu, sắt, thép và một số nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đây chính là do tác động của hội nhập kinh tế, gia nhập WTO mà ta chưa dự báo được. Có thể nói, chúng ta đã chủ quan không đánh giá hết sự tích lũy các nhân tố tiền khủng khoảng của nền kinh tế Mỹ và còn bị bất ngờ khi một nền kinh tế lớn nhất hành tinh, có GDP bằng 30% GDP thế giới lại là nơi châm ngòi nổ cho cuộc đại khủng khoảng kinh tế toàn cầu.

Đã chủ quan trong việc xác định các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là một trong những viện có uy tín nhất ở nước ta, trong “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 và dự báo tình hình kinh tế năm 2008” tuy đã phát hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5- 9,0% và kiềm chế lạm phát ở mức 11-12% cho năm 2008 là rất khó thực hiện, nhưng  khi dự báo GDP năm 2008 sẽ tăng 7,2%, mức lạm phát (trung bình) là 19,4%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP... vẫn là những chỉ số dự báo có độ dung sai tương đối lớn so với những gì đã xảy ra. Mặt khác, tác nhân bên ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ, Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) còn khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,3% năm 2007 và sẽ tăng lên 8,5% vào năm 2008 bất chấp những thách thức trong nước, sự sụt giảm của nền kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển khác (theo Báo cáo Giám sát Kinh tế châu á (AEM) ngày 13/12/2007).

Chất lượng dự báo của các Hội đồng tư vấn còn hạn chế hơn, đã có những thông tin dự báo sai số tới gần 50% như dự báo về lạm phát, nhập khẩu hàng hoá; nguồn cung gạo, phôi thép; luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, và về thị trường chứng khoán... Do đó, cần thiết phải quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đại hội X của Đảng ta là “không để bị động, bất ngờ” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, HN 2006, tr 109) không chỉ trong lĩnh vực an ninh quân sự mà cả trong an ninh kinh tế - xã hội.

Giải pháp quyết liệt chống lạm phát có hiệu quả

Trong quý I/2008 khi lạm phát, tăng giá cao, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh sự điều hành vĩ mô của nhà nước có phần lúng túng như giải cứu thị trường chứng khoán, “thả nổi” mức lãi suất tín dụng, ngân hàng dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất; hạn chế xuất khẩu gạo, phôi thép... Tuy nhiên, Nhà nước đã có những bước đi kịp thời và vững chắc như việc đề ra “tám nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” (Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008). Trong đó có các biện pháp quyết liệt chống lạm phát đã tỏ rõ tính hiệu quả như: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ để giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện chính sách lãi suất thực dương; điều chỉnh chính sách tài khoá theo hướng kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, cắt bỏ công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành; tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hoá; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu. Ngoài ra các biện pháp: triệt để tiết kiệm tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý thị trường; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội; đẩy mạnh thông tin và tuyên truyền một cách chính xác, tránh thông tin sai sự thật có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội cũng góp phần tăng hiệu quả điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, cả nước phải tập trung nguồn lực ưu tiên cho mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp vĩ mô của Chính phủ bước đầu mang lại kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế cũng như trong nước đánh giá cao.

Báo cáo trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong điều kiện lạm phát cao nhưng nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá trong năm 2008: GDP ước đạt 6,5%-7%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,5% - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3% - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2% - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD. Nhiều chỉ tiêu như xuất khẩu cả năm ước đạt trên 65 tỷ USD, tăng 33,9% là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số vốn đăng ký trên 60 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2007, vốn thực hiện khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Cán cân thanh toán quốc tế được bảo đảm, ước cả năm 2008 thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối được tăng thêm, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô. Từ tháng 6-2008, mức tăng giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần, dự báo cả năm tăng khoảng 22%. An sinh xã hội được quan tâm, tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 19.800 tỷ đồng, tăng 14.700 tỷ đồng so với năm 2007. Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận những thành quả trong điều hành vĩ mô nền kinh tế của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Những vấn đề đặt ra cho điều hành vĩ mô nền kinh tế năm 2009

Năm 2009 kinh tế thế giới vẫn nằm trong chu kỳ khủng hoảng được khởi nguồn từ Mỹ, đây là quy luật vận động của kinh tế thị trường - quy luật khủng hoảng chu kỳ đã được đề cập đến trong học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, nền kinh tế thế giới đang chịu sự chi phối chủ yếu từ các nền kinh tế lớn thuộc thế giới tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là nền kinh tế Mỹ, khủng hoảng đang lan ra toàn cầu và diễn biến phức tạp, cho đến nay vẫn chưa thể xác định rõ điểm đáy của nó. Do đó, công tác điều hành vĩ mô nền kinh tế đang đặt ra những vấn đề rất bức thiết mà Nhà nước ta cần phải quan tâm:

Một là, tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác dự báo. Thực tiễn năm qua cho thấy, dự báo có vai trò cực kỳ quan trọng là cơ sở để đề ra các chính sách, giải pháp điều hành vĩ mô phù hợp, tạo thế chủ động, linh hoạt trong các lĩnh vực và tình huống kinh tế - xã hội nhạy cảm. Trong thời gian tới cần đầu tư thoả đáng hơn cho công tác dự báo, nhất là dự báo xu hướng vận động của kinh tế thế giới, đặc biệt là những biến động của kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, sự biến động của đồng USD, Euro, đồng Yên, đồng Nhân dân tệ và những vấn đề tài chính liên quan khác. Chính phủ cần sớm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn bên cạnh các Uỷ ban của Nhà nước. Đây là lĩnh vực mới mẻ đối với cả chủ thể và khách thể tham gia thị trường và càng mới đối với các cơ quan làm chức năng quản lý Nhà nước, nên cần đầu tư thoả đáng để thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm cả trong và ngoài nước nhằm tăng hiệu quả tư vấn cho công tác điều hành vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hai là, áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát đồng thời bảo đảm đủ vốn cho phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Tài chính tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm có liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, việc điều hành tiền tệ đòi hỏi phải uyển chuyển linh hoạt, nhất là vấn đề điều hành tỷ giá và lãi suất ngân hàng. Cần phải nâng cao năng lực xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Tăng cường công tác giám sát các tổ chức tín dụng, bổ sung các công cụ giám sát theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để chủ động cảnh báo và xử lý tốt hơn nữa những biến động trên thị trường tín dụng, ngân hàng. Quản lý chặt chẽ việc thành lập mới, việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, tổ chức tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, các ngân hàng thương mại theo hướng đề ra những yêu cầu, tiêu chí theo thông lệ của nền kinh tế thị trường để các chủ thể kinh doanh tiền tệ phải thật sự lành mạnh, bảo đảm lợi ích cho mình và cho cả xã hội.

Ba là, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI và FII) - biến thách thức thành cơ hội. Chúng ta biết rằng, Việt Nam là một trong những nước chịu sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ nhưng không lớn, do độ sâu và diện rộng hội nhập của nước ta với thị trường thế giới, nhất là Mỹ và EU, nên sự tác động chủ yếu là gián tiếp, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán... Do đó, chúng ta cần coi đây cũng là thời cơ để thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia, khi họ đang phải đối phó với cơn bão tài chính trong các thị trường truyền thống.

Bốn là, kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự suy giảm kinh tế của Mỹ và kinh tế toàn cầu, cùng với đồng USD suy yếu có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu của nước ta. Trong bối cảnh đó, tiếp tục thắt chặt tiền tệ là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, nhất là tháo gỡ khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là nơi nhạy cảm trực tiếp tác động đến vấn đề lao động, việc làm và đời sống của dân cư. Giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa tiết kiệm chi để chống lạm phát với khuyến khích tiêu dùng nội địa để thúc đẩy sản xuất.

Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu, và nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu. Thực hiện việc quản lý nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam (cả FDI và FII), thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; theo dõi chặt chẽ cán cân thanh toán, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta, giảm nhập siêu ở mức hợp lý. Cho đến nay thị trường Mỹ đã chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của nước ta, đã có một số doanh nghiệp của Việt Nam vay vốn USD từ các tập đoàn tài chính Mỹ để hoạt động xuất khẩu. Do đó, việc giảm mua hàng, hoặc hạn chế cho vay của họ cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.

Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội. Phấn đấu cả năm 2009 tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% - 7%, đưa lạm phát xuống mức dưới 15%, GDP đầu người đạt khoảng 1.200 USD; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 76,7 tỷ USD; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 40% GDP; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 4,76% so với  năm 2008. Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%... như Nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII thì vấn đề an sinh xã hội tương đối ổn định, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự điều hành vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước. Đó cũng là động lực quan trọng để nước ta vượt qua khó khăn, kinh tế tiếp tục phát triển vào năm 2009 và những năm sau./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ổn định kinh tế vĩ mô: Tập trung vào chính sách tiền tệ (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ). VNMedia.vn 02.10.2008
2. Chính phủ toạ đàm với các chuyên gia quốc tế-Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Sài Gòn online 21.09.2008
3. Quốc hội ra chỉ tiêu GDP năm 2009 tăng khoảng 6,5%. VNMedia.vn 06.11.2008.

(Nguyễn Nhâm- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Mô hình một cửa liên thông ở thành phố Hải Phòng
  • Huyện Phổ Yên với mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2006 - 2010
  • Thái Nguyên: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • Công Thương Thái Nguyên: Động lực tăng trưởng kinh tế
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (3). Chiến lược rút ngắn khoảng cách phát triển
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (1). Kinh tế Việt Nam và Đông Á từ giữa thế kỷ XX
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (2). Định vị kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(1). Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi