Huyện Phổ Yên là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp thành phố Hà Nội và tỉnh công nghiệp Vĩnh Phúc nên giàu tiềm năng phát triển. Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, Phổ Yên đã có bước tiến vượt bậc, đặc biệt là sau khi được Tỉnh lựa chọn là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư. Trong ba năm 2006-2008 Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Phổ Yên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27; kết quả hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
![]() |
Thành tựu đáng khích lệ
Nhiệm vụ trong ba năm qua của Phổ Yên là tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ gắn liền với quá trình tăng trưởng kinh tế; Đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng giữ vững ổn định về lương thực, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và phát triển kinh tế nông thôn. Trong giai đoạn này cơ cấu kinh tế của Huyện đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, tính đến hết năm 2008: công nghiệp-xây dựng đạt 42%, nông nghiệp 33%, dịch vụ 25%; Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17,5%, tăng 2,5% so với mục tiêu Đại hội. Lĩnh vực văn hoá xã hội cũng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện.
Về công nghiệp, Huyện đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, tiến hành lập quy hoạch các khu công nghiệp nhỏ, quy hoạch Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, hai khu đô thị, quy hoạch cụm cảng Đa Phúc, quy hoạch Khu công nghiệp quốc phòng miền Bắc... đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời Huyện chọn khâu thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng làm khâu đột phá. Trong ba năm qua Phổ Yên đã giải phóng được 800 ha mặt bằng liên quan đến 3.000 hộ; Thu hút được 18 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đầu năm 2008 Công ty VINAXUKI đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô với tổng kinh phí cho ba giai đoạn là 300 triệu USD; Công ty VINAXUKI cũng đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Tây Phổ Yên với diện tích đất đồi gần 400 ha thu hút các nhà đầu tư Nhật đầu tư sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.
Một số ngành công nghiệp truyền thống của địa phương được tạo điều kiện thuận lợi phát triển như: sản xuất gạch ngói, khai thác cát sỏi, mây tre đan xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí... Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Huyện đạt 500 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng bình quân mỗi năm 56% (vượt bình quân 25%/năm so với mục tiêu Đại hội), góp phần giải quyết thêm việc làm cho từ 1.500 - 2.000 lao động/năm.
Về nông nghiệp, đi đôi với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa Phổ Yên đã tập trung chỉ đạo đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn bằng đầu tư thêm cơ sở vật chất như: kiên cố hóa kênh mương, xây dựng mới và tu sửa các trạm bơm điện, bơm dầu; Kiên cố hóa hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Trợ giá đối với các giống cây con có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông. Ba năm qua tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp đạt 4,5 - 5%/năm bằng mục tiêu Đại hội đề ra. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp nên đàn gia súc, gia cầm của Huyện phát triển tốt. Nhịp độ tăng bình quân là 7,5%, góp phần tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp; Năm 2008 cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: trồng trọt đạt 67%, chăn nuôi 29,2%, dịch vụ 3,8%. Hiện nay toàn huyện có 2.500 ha bao gồm cả cây hàng năm và cây lâu năm đạt mức thu nhập 50.000 triệu đồng/năm vượt so với mục tiêu Đại hội là 500 ha. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao ở các xã Tiên Phong, Hồng Tiến, Ba Hàng, Đông Cao, Phúc Thuận đang được nhân rộng; Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất được tăng cường, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hoạt động thương mại dịch vụ được quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều thành tích mới. Dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển mới góp phần tích cực vào phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Một số công ty đã bỏ vốn đầu tư phát triển các khu du lịch, thương mại như: khu du lịch sinh thái Suối Lạnh, khu du lịch Tân Hương, chợ Ba Hàng... bước đầu làm thay đổi bộ mặt của địa phương.
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được Phổ Yên rất quan tâm, Huyện tập trung thu hút các nguồn vốn bao gồm vốn của các doanh nghiệp, vốn ngân sách nhà nước, vốn của nhân dân đóng góp, vốn các chương trình mục tiêu... để phục vụ cho lĩnh vực này. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng 3 năm qua là 591,44 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp 430 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 32,96 tỷ đồng, vốn của Tỉnh là 25,48 tỷ đồng, vốn của Huyện là 56,5 tỷ đồng, vốn của nhân dân đóng góp là 46,5 tỷ đồng. Vốn đầu tư được tập trung cho các công trình trọng điểm như: Trung tâm văn hóa thể thao, khu xử lý rác thải Đồng Hầm - Minh Đức, đường Ba Hàng - Thành Công, Thành Công - Ngọc Khanh, đường 261, đường Ba Hàng - Tiên Phong, kiên cố hóa các tuyến đường liên xã, 405 km đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ...
Công tác giáo dục - đào tạo đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, số trường đạt chuẩn quốc gia là 40 đạt 60% trên tổng số; Số lớp học được tầng hóa là 306 đạt 35%. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên rõ rệt. Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo cho trên 5.200 học viên/năm. Trung tâm dạy nghề huyện đào tạo nghề cho 4.700 lao động, đưa tổng số lao động qua đào tạo toàn huyện chiếm 20% nguồn lao động của địa phương.
Về y tế - văn hóa - xã hội, những năm vừa qua Huyện quan tâm nhiều đến chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện khám chữa bệnh tại tuyến huyện cho 140.000 lượt người; Giảm tỷ lệ sinh thô xuống còn 0,2%o/năm bằng với mục tiêu của Đại hội. Xây dựng mới 54 nhà văn hóa thôn xóm, đưa tổng số nhà văn hóa thôn xóm lên 180 nhà, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Huy động quỹ ủng hộ xây dựng được 24 nhà tình nghĩa, xóa được 467 nhà dột nát.
Mục tiêu và những giải pháp đến năm 2010
Mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn nhưng căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian vừa qua, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Phổ Yên quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Trong đó, một số chỉ tiêu Huyện xin được điều chỉnh tăng so với mục tiêu của Đại hội: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 20% (Mục tiêu là 15%); Thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm (mục tiêu là 800 USD/năm); Cơ cấu kinh tế đạt: công nghiệp - xây dựng 50%, dịch vụ 26%, nông nghiệp 24% (mục tiêu tương ứng là: 42%, 32%, 26%); Giải phóng mặt bằng phát triển kinh tế xã hội 1.200 ha (mục tiêu 800 ha)...
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010, huyện Phổ Yên tập trung vào các giải pháp chính:
Một là, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các xã tây Phổ Yên, quy hoạch đô thị. Huyện thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu công nghiệp công nghệ cao; Đồng thời quy hoạch xây dựng hạ tầng và quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại các xã miền Tây của Huyện; quy hoạch các khu tái định cư trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ gắn với tăng trưởng kinh tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước có đủ năng lực đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ tại các khu đã được quy hoạch; Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại.
Ba là, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Thực hiện rà soát lại quy hoạch phát triển hạ tầng và yêu cầu bức xúc đầu tư xây dựng hạ tầng từ nay đến năm 2010. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư hàng năm, tập trung huy động mọi nguồn lực và cân đối vốn đầu tư cho các công trình đặc biệt là các công trình trọng điểm. Bao gồm các nguồn vốn: vốn của các doanh nghiệp, vốn ngân sách nhà nước, vốn của nhân dân đóng góp, vốn các chương trình mục tiêu...
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức và niềm tin cho nhân dân; Thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; Làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; Triển khai có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; Đấu tranh triệt để với tệ nạn xã hội...
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên và các ban, ngành Trung ương; Đồng thời với tinh thần đoàn kết tốt và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, lại có những giải pháp phù hợp, đồng bộ nhất định huyện Phổ Yên sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, giữ vững an ninh trật tự xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân lao động./.
(Nguyễn Công Hoàn- Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com