Quy hoạch công nghiệp (QHCN) là tiền đề phát triển bền vững CN trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. QHCN dựa trên căn cứ khoa học đầy đủ sẽ tạo điều kiện để CN tăng trưởng bền vững, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần giảm chênh lệch giàu nghèo. Đồng thời là điều kiện quan trọng bảo đảm bền vững môi trường sinh thái trong quá trình CNH-HĐH đất nước. Trong nhiều năm qua, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của QHCN nên sự phát triển của CN đã quá thiên về mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến các vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, việc hoàn thiện QHCN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững CN là hết sức cần thiết đối với nước ta hiện nay.
Những kết quả đã đạt được
Thứ nhất, QHCN đã được xây dựng dựa trên lợi thế sẵn có của đất nước, nhờ đó CN đã đạt được tốc độ tăng cao liên tục trong nhiều năm qua.
Quy hoạch ngành, sản phẩm CN đều hướng vào phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... Quy hoạch phân bổ CN theo vùng lãnh thổ đã dựa trên các lợi thế về tài nguyên và trình độ phát triển của mỗi vùng.
Quy hoạch phát triển các khu CN đã tính đến sự kết hợp của cả lợi thế nguồn lực lao động và lợi thế tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, QHCN đã có tính đến yêu cầu phát triển bền vững về xã hội.
Quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của ba khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam có tính đến tác động lan toả của các khu vực này đến cả ba vùng của đất nước. Chẳng hạn, quy hoạch phát triển đặc khu kinh tế Quảng Ngãi - Quảng Nam với mục tiêu để khu vực này trở thành động lực của khu vực miền Trung nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển của vùng này so với các vùng khác trên cả nước.
Gần đây, đã có quy hoạch phát triển các cảng biển đi liền với quy hoạch phát triển khu CN ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình... Điều đó, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đầy đủ hơn đến lợi ích phát triển CN ở các địa phương có điều kiện khó khăn trong phát triển nông nghiệp.
Thứ ba, quy hoạch khu CN ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã có sự điều chỉnh theo yêu cầu kết hợp trên cả ba mặt phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Những hạn chế
QHCN Việt Nam chưa theo kịp với sự phát triển của CN và chưa bảo đảm yêu cầu kết hợp mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tốc độ phát triển khu CN ở nhiều địa phương vượt trước QHCN. Quy hoạch phát triển CN của nước ta trong nhiều năm qua quá chú trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt, mà chưa quan tâm đầy đủ đến phát triển bền vững về xã hội và môi trường.
Để tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, QHCN đã quá tập trung vào các vị trí trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đã gây tình trạng quá tải về ô nhiễm môi trường, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của công nhân ở một số khu tập trung CN, gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Có hai nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên: một là, do nhận thức về tầm quan trọng của công tác QHCN chưa được coi trọng đúng mức và hai là, do đội ngũ làm quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
QHCN chưa dựa trên các căn cứ khoa học.
Quy hoạch phát triển CN Việt Nam còn mang tính cục bộ địa phương và cục bộ của mỗi ngành mà chưa đứng trên lợi ích tổng thể của quốc gia. Chẳng hạn, các địa phương nằm kề cạnh nhau đều đua nhau phát triển nhà máy đường, xi măng lò đứng... mà không tính đến khả năng của vùng nguyên liệu và không chú ý đến phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô của ngành CN.
Quy hoạch phát triển khu CN chưa kết hợp giữa quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch vùng lãnh thổ, mang tính chất riêng rẽ, ít bổ sung cho nhau, khép kín trong địa giới hành chính. Chẳng hạn, quy hoạch phát triển các ngành có mức độ gây ô nhiễm môi trường ở những nơi đầu nguồn nước và tập trung dân cư cao. Quy hoạch phát triển CN cả ở những vị trí có điều kiện thuận lợi đối với phát triển nông nghiệp...
Quy hoạch phát triển sản phẩm, ngành CN chỉ chủ yếu dựa trên các nguồn lực sẵn có (lợi thế tĩnh) mà ít chú ý đến lợi thế có kỹ năng tay nghề cao (lợi thế động) để tận dụng được vị thế phân công lao động quốc tế. Nên sản xuất CN của nước ta chưa thâm nhập được vào công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị Sản xuất toàn cầu. Chẳng hạn, ngành công nghệ thông tin mặc dù nguồn nhân lực của nước ta có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển phần mềm, có giá trị gia tăng cao, nhưng chúng ta vẫn chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp máy tính là chủ yếu, rập khuôn giống như đối với ngành gia công may mặc và giày da.
QHCN chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu nhất quán nên tính pháp lý của quy hoạch còn rất hạn chế.
Biểu hiện cụ thể nhất của thực trạng này là quy hoạch khu CN trong gần 20 năm qua: Nghị định 36/CP quy định rõ, việc phát triển các khu CN phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, trong Nghị định lại chưa quy định rõ ràng thủ tục đầu tư thành lập khu CN có trong quy hoạch như thế nào, chưa quy định ưu đãi đối với các dự án công nghệ cao ra sao... Vì vậy, mỗi địa phương triển khai thực hiện Nghị định trên theo một cách khác nhau. Đây cũng chính là kẽ hở cho tệ nạn “xin - cho” và tham nhũng ở các địa phương khi thực hiện quy hoạch phát triển CN.
Tình trạng các khu CN tăng thêm diện tích khi thực hiện so với quy hoạch đã được phê duyệt là phổ biến. Chẳng hạn, khu CN Tây An của Bình Dương được Chính phủ phê duyệt năm 2006 với diện tích 500 ha, nhưng khi thực hiện đã mở rộng lên tới 1.350 ha.1
Tình trạng “‘quy hoạch treo”, “dự án treo” xẩy ra ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Tính đến 6-2007, cả nước có 12 khu CN với tổng diện tích gần 2000 ha được thành lập từ năm 1998 trở về trước nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 50%. Điển hình khu chế xuất Hải Phòng có quy mô 150ha, thành lập năm 1997 nhưng đến 7/2006 mới chỉ lấp đầy 7% (10 ha).2
Giải pháp hoàn thiện QHCN
Một là, lồng ghép các nội dung phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường trong QHCN.
Xây dựng tiêu chí phát triển bền vững đối với từng ngành sản phẩm và đối với mỗi vùng lãnh thổ.
Đối với ngành, sản phẩm:
Tiêu chí phát triển bền vững về kinh tế có thể lấy tiêu chí khả năng cạnh tranh của ngành, sản phẩm làm căn cứ. Tuy nhiên, khi phân loại khả năng cạnh của ngành, sản phẩm CN cần khắc phục cách phân loại trước đây chỉ dựa chủ yếu vào các lợi thế tĩnh, không bảo đảm các điều kiện để CN có khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Phân loại khả năng cạnh tranh của ngành và sản phẩm phải đặt trong quan hệ so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.
Tiêu chí phát triển bền vững về môi trường dựa vào phân tích mức độ phát thải và tính chất độc hại của các chất thải đối với từng sản phẩm CN.
Tiêu chí phát triển bền vững về xã hội cần dựa vào mức độ tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đồng thời với mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường có thể gây ra các bệnh tật, thiệt hại mùa màng của từng ngành và sản phẩm đối với người lao động và người dân.
Đối với vùng lãnh thổ, địa phương:
Tiêu chí PTBV về kinh tế có thể lấy các chỉ tiêu về tăng trưởng CN, cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân... của các vùng lãnh thổ (cụ thể hơn là các tỉnh) làm chỉ tiêu.
Xây dựng các tiêu chí bền vững về môi trường của các vùng, các địa phương dựa trên TCVN 2005 về môi trường và khả năng chịu tải của môi trường.
Tiêu chí PTBV về xã hội dựa vào nhu cầu giải quyết việc làm của địa phương, trình độ nguồn nhân lực, điều kiện về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Xếp thứ tự ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm CN theo những căn cứ sau đây.
Dựa trên phân loại sản phẩm ngành theo các tiêu chí PTBV trên cả mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời kết hợp với phân tích vai trò của các ngành CN đối với nền kinh tế và trình độ phát triển của đất nước ở mỗi giai đoạn để đưa ra thứ tự ưu tiên phát triển CN.
Có thể căn cứ vào đề xuất của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách CN Việt Nam đã có để lựa chọn các ngành CN được ưu tiên phát triển. Đó là những ngành đáp ứng cả 3 tiêu chí: là ngành CN có khả năng cạnh tranh, là ngành CN nền tảng vừa là ngành CN tiềm năng. Tuy nhiên, khi lựa chọn ưu tiên theo cách này cần kết hợp bổ sung các tiêu chí về môi trường và xã hội đối với mỗi sản phẩm, ngành CN.
Rà soát để điều chỉnh quy hoạch phát triển CN theo vùng lãnh thổ theo các tiêu chí phát triển bền vững.
Loại bỏ ngay quy hoạch các ngành, sản phẩm đã quy hoạch, chưa thực hiện nhưng chứa đựng nguy cơ gây ô nhiễm cao và có tác động lây lan lớn sang các vùng lãnh thổ. Chẳng hạn, quy hoạch phát triển các ngành thuộc da ở Đồng bằng sông Cửu Long cần phải xoá sổ.
Thực hiện di chuyển các ngành CN sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, chế biến nông sản về các khu vực nông thôn để giải quyết nhu cầu việc làm của các địa phương, giảm áp lực về nhà ở và giảm tải về môi trường.
Trên cơ sở phân loại ngành, sản phẩm theo tiêu chí phát triển bền vững, thực hiện quy hoạch mới về phát triển các ngành CN phù hợp với tiêu chí phát triển bền vững của từng vùng, lãnh thổ.
Đẩy mạnh lồng ghép các nội dung phát triển bền vững CN trong các quy hoạch mới của từng địa phương, từng ngành.
Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc và kiểm tra thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững đã được phê duyệt. Trong khuôn khổ dự án VIE 01/021 do Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì dưới sự tài trợ quốc tế, các đợt tập huấn đối với cán bộ quy hoạch địa phương, các bộ các ngành đã được tập huấn tương đối bài bản. Một số địa phương và một số ngành (rong đó có ngành CN) đã xây dựng Chương trình Nghị sự 21 (VA 21). Tuy nhiên, hiện nay khi dự án kết thúc, hầu hết các địa phương và các ngành không quan tâm đến thực hiện chương trình này.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chỉ thị mới để đôn đốc các bộ, các ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện các chương trình PTBV.
Hai là, hoàn thiện quy hoạch phát triển KCN
Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển KCN dựa trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm và điều chỉnh quy hoạch vùng lãnh thổ.
Trước hết, cần rà soát lại quy hoạch KCN trên phạm vi cả nước.
Tiếp đến, đối chiếu với quy hoạch ngành, sản phẩm và quy hoạch vùng lãnh thổ đã được hoàn thiện để điều chỉnh phân bổ KCN ở các địa phương.
Việc điều chỉnh KCN phải dựa trên cơ sở sau đây:
Bảo đảm được sự liên kết, hỗ trợ phát triển CN giữa các KCN của các địa phương trong từng vùng lãnh thổ để tăng khả năng cạnh tranh CN. Bảo đảm các vấn đề môi trường của cả vùng lãnh thổ. Việc điều chỉnh KCN không làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của đất nước.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác QHCN.
Cần nâng cao chất lượng của công tác dự báo.
Để nâng cao chất lượng dự báo, cần có sự kết hợp giữa các viện nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ...
Thay đổi căn bản quy trình xây dựng QHCN theo hướng chủ yếu từ trên xuống dưới để bảo đảm tính tổng thể của quy hoạch.
Tình trạng quy hoạch thiếu tầm chiến lược mang tính chất cục bộ, phân tán trong phát triển CN ở nước ta hiện nay, cho thấy cách tiếp cận quy hoạch phát triển CN từ dưới lên là không hợp lý. Theo GS. TS. Kenichi Ohno (Nhật Bản) Giám đốc dự án Diễn đàn phát triển Việt Nam, chúng ta nên tham khảo bài học của Thái Lan.
Với Quy trình xây dựng QHCN theo cách tiếp cận từ trên xuống, sẽ tạo khả năng đảm bảo được tính phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong phát triển CN. Đồng thời, cũng là tiền đề để CN có khả năng phát huy lợi thế nhờ quy mô, đạt hiệu quả sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh CN Việt Nam.
Tăng cường chi tiết hoá quy hoạch tổng thể để việc thực hiện quy hoạch có tính thực thi cao.
Bốn là, đẩy mạnh quản lý nhà nước trong thực hiện quy hoạch phát triển CN.
Xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện quy hoạch phát triển CN.
Tạo cơ chế liên kết giữa các bộ, ngành và các địa phương trong việc thực hiện và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển CN.
Nâng cao năng lực cán bộ quản lý của các sở liên quan đến thực hiện quy hoạch ở các địa phương.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển CN, quy hoạch đô thị và quy hoạch hệ thống giao thông liên lạc.
Kết hợp ngay từ khâu xây dựng các quy hoạch trên để bảo đảm được tính thống nhất của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả vùng và cả trên phạm vi cả nước.
Xác định thứ tự ưu tiên và kết hợp các nội dung trong tiến trình thực hiện ba quy hoạch nói trên để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường./.
1 http//www.vietnamnet.vn ngày 16/11/2008.
2 Kỷ yếu hội thảo quốc gia: 15 năm xây dựng và phát triển các khu CN, khu chế xuất? Việt Nam (1991-2006) tại Long An, tháng 7/2006, tr. 37.
(Nguyễn Thị Hường- Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com