Thị trường chứng khoán liên tiếp những ngày cuối tuần tỏ ra lo lắng trước những số liệu khá bất ngờ về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai thành phố lớn ở mức trên 3%. Dự báo về CPI cả nước khó có thể dưới mức này làm tăng nguy cơ về khả năng thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.
Loạn với dự báo
Cuối cùng thì mức tăng CPI của Hà Nội và TP.HCM cũng được công bố đã chấm dứt những nghi vấn liên quan đến các bình luận và dự đoán khác nhau về CPI cả nước. Theo đó, CPI Hà Nội tháng 4 tăng 3,28% so với tháng trước, CPI của TP.HCM tăng 3,16%.
Trước khi có số liệu CPI của hai thành phố lớn nói trên, khá nhiều dự báo khác nhau đưa ra những mức tăng rất chênh lệch. “Đẹp” nhất là số liệu dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước cuối tháng trước, với mức CPI tháng 4-2011 là từ 1,6-1,8% và nếu theo “thông lệ” căn cứ vào mức bình quân CPI của hai địa bàn trọng điểm, CPI tháng 4 này có lẽ khó dưới 3%.
Các “tham số” tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 được xác định chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nguyên, nhiên liệu đầu vào. Điều này cũng được dự báo trước vì giá xăng dầu, giá gas, khí hóa lỏng đang chịu sức ép tăng giá. Giá điện cũng được điều chỉnh từ 1-3 và phản ánh lên hóa đơn tiền điện... Khả năng giá các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông, nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng sẽ tăng khá mạnh trong tháng này.
Tiền tệ có chặt thêm?
Ngay khi mức tăng CPI của Hà Nội và TP.HCM cùng một số tỉnh phía Nam được công bố ở mức rất cao, các dự đoán về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ mạnh tay xiết chặt hơn chính sách tiền tệ lại rộ lên. Điều này cũng không khó đoán vì cách đây vài tuần, khá nhiều ý kiến, từ đại diện cơ quan quản lý đến chuyên gia kinh tế đều nói rằng nếu CPI vượt quá tầm kiểm soát thì sẽ phải sử dụng đến các công cụ mạnh.
Tuy nhiên, như thế nào là vượt tầm kiểm soát và liệu công cụ mạnh là gì? Mức cung tiền đồng trong quý 1 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là khá thấp. Số liệu tính đến ngày 16-3-2011, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 2,07% so với cuối năm 2010. Vốn huy động ước tăng 1,56%. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 3,67%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 1,43%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 12,06%.
Điều đó cho thấy tăng trưởng tín dụng không phải là cao. Ngay với hạn mức tăng trưởng tín dụng đã điều chỉnh giảm (dưới 20%) thì dư địa vẫn còn nhiều. Mức tăng giá tiêu dùng tháng 3 và tháng 4 không chỉ do yếu tố tiền tệ, mà còn do yếu tố chi phí. Việc tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu là đầu vào quan trọng cho sản xuất thì chính sách tiền tệ rất khó để kiểm soát.
Ngay với mức tăng CPI quý 1, nhóm “Hàng hóa và dịch vụ ăn uống” đóng góp tới trên 50% mức tăng CPI của quý. Ngoài ra còn có “Giao thông”, “Nhà ở và vật liệu xây dựng, chất đốt, điện nước”. Các nhóm này chịu tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tục.
Hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, các mức lãi suất chủ chốt được điều chỉnh theo hướng tăng là những biện pháp siết chặt tiền tệ. Công cụ dự trữ bắt buộc được nhắc đến nhiều như là biện pháp cuối cùng và sẽ phải sử dụng để chặn đà lạm phát leo thang. Tuy nhiên hiệu ứng của công cụ này là khiến các ngân hàng giảm mạnh hoạt động cho vay. Thực tế hoạt động vay và cho vay hiện tại đã rất khó khăn, biểu hiện là tăng trưởng tín dụng thấp.
Hiệu quả của những liều thuốc thắt chặt tiền tệ đã thực thi từ đầu năm có vẻ vẫn chưa phản ánh vào nền kinh tế, hoặc không kiềm chế nổi những tác nhân của chi phí đẩy. Một số phân tích cho rằng độ trễ của chính sách có thể đến tận quý 3 mới phát huy hiệu quả rõ rệt. Như vậy, lạm phát trong những tháng tới có thể vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đẩy. Những yếu tố này khó có thể kiểm soát tốt nếu chỉ sử dụng công cụ tiền tệ.
( Doanh Nhân Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com