Dù công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra cái nhìn tiêu cực đối với triển vọng của Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia nhận định, đây là tình hình chung và cũng không đến mức quá bi quan.
Trong báo cáo lần này của mình, Moody’s nhận định, Việt Nam đang phải đối phó với việc cân bằng mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cho rằng, sự điều tiết chính sách trong vài năm qua trực tiếp làm gia tăng áp lực tăng trưởng nóng, theo đó dẫn tới lạm phát cao và làm giảm vị thế trong việc thanh toán nợ nước ngoài của Việt Nam.
Vẫn xếp hạng B1
Theo Moody's, tình hình tài chính cũng như nợ của Việt Nam vẫn tốt so với những nước có cùng xếp hạng tín nhiệm, nhưng rủi ro đang gia tăng do nhiễu tín hiệu từ chính sách kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thanh toán quốc tế.
Bên cạnh đó, Moody's cảnh báo nguy cơ bất ổn với cán cân thanh toán của Việt Nam, khi thâm hụt thương mại ngày một lớn, làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài gia tăng, mà hệ quả trực tiếp là sụt giảm dự trữ ngoại hối quốc gia và tạo sức ép hơn nữa tới giá trị đồng nội tệ.
Lạm phát ở mức hai con số cũng là vấn đề Moody's quan ngại và cho rằng nó sẽ tạo sức ép hơn nữa tới tỷ giá cũng như dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách thắt chặt để ổn định vĩ mô có thể dẫn tới hệ quả không mong muốn là gia tăng nghĩa vụ nợ của Chính phủ, ngân hàng cũng như doanh nghiệp. Không chỉ vậy, khoản nợ có vấn đề tại một số tập đoàn quốc doanh gây bi quan về khả năng hỗ trợ tài chính của Chính phủ với doanh nghiệp.
Dù đưa ra những thông tin tiêu cực trong bản báo cáo nhưng Moody’s vẫn giữ nguyên mức xếp hạng B1 đối với Việt Nam, song không quên tuyên bố, nếu dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm, xếp hạng của Việt Nam sẽ bị hạ thấp hơn nữa.
Báo cáo khẳng định, đánh giá xếp hạng của Việt Nam sẽ lên mức ổn định nếu Chính phủ thành công trong việc áp dụng các biện pháp thắt chặt để kiềm lạm phát và ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nếu dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm, tổ chức này sẽ “thẳng tay” hạ thấp mức xếp hạng của Việt Nam.
Ước tính cho thấy dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện ở mức 12,2 tỷ USD vào cuối năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25,8 tỷ USD trong tháng 2/2008.
Trước Moody's, một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác cũng bày tỏ quan điểm thận trọng với Việt Nam. Tháng 9/2010, Fitch hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ và hạ bậc tín dụng của một số ngân hàng hàng đầu. Standard & Poor's mới đây cũng đưa xếp hạng BB- của Việt Nam vào triển vọng tiêu cực. Trong khi hãng bảo hiểm tín dụng hàng đầu của Pháp Coface hạ xếp hạng của Việt Nam từ B xuống C.
Không nên bi quan
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của Moody’s, một chuyên gia kỳ cựu về thị trường trái phiếu cho rằng, báo cáo của Moody's không quá lo ngại, bởi trong bối cảnh thế giới hiện nay quốc gia nào cũng đối mặt với khó khăn. Đến cả những nền kinh tế lớn như Mỹ và một số nước châu Âu cũng liên tiếp bị các tổ chức xếp hạng hạ bậc tín nhiệm hoặc đưa vào triển vọng tiêu cực do bất ổn tài chính và nợ công.
Theo chuyên gia này, về lý thuyết, đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể ảnh hưởng tới khả năng vay nợ của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cụ thể, dựa trên mức xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư hoặc chủ nợ có thể quyết định không cho vay hoặc cho vay với điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, ông khẳng định, đây chỉ là một trong số rất nhiều tiêu chí cho vay. “Các nhà đầu tư còn có nhiều nguồn đánh giá khác nhau và quan điểm của riêng mình khi định rót vốn vào một thị trường nào đó. Vì vậy, việc quá bi quan với cảnh báo của Moody’s là không hợp lý", chuyên gia trái phiếu phân tích.
Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Michel Henry Bouchet bình luận, dù các tổ chức đánh giá tín nhiệm có cái nhìn thận trọng, song thực tế Việt Nam là thị trường hấp dẫn.
Lý giải cho nhận định của mình, ông dẫn chứng số liệu của hãng tư vấn A.T. Kearney của Mỹ mới đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng chỉ số tín nhiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cao hơn Pháp (vị trí 13), Hong Kong (14) và cả Nga (18). Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos cũng vừa nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm nay lên thứ hạng 59, thay vì mức 75 của năm 2009.
Tuy nhiên, giáo sư Bouchet cũng cảnh báo Việt Nam cần giải quyết đồng bộ các khó khăn như thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai, lạm phát cũng như yếu kém của hệ thống ngân hàng.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com