Trước đây để làm ra một sản phẩm phải mất bốn công đoạn, nay doanh nghiệp giảm bớt một khâu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn suy thoái kinh tế là giá xăng dầu, giá điện, giá lương thực tăng cao. Thêm vào đó, chính sách thắt chặt tiền tệ gián tiếp làm doanh nghiệp loay hoay trong bài toán về vốn… Những vấn đề này được các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế chia sẻ trong buổi tọa đàm “Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động” do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 21-4.
Khát từ vốn đến nhân sự
Theo bà Lê Thị Thanh Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là giá cả đầu vào tăng đồng loạt. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá sản phẩm đầu ra theo tỉ lệ tương ứng được bởi khách hàng, các hệ thống siêu thị khó chấp nhận. Trước tình hình đó nhiều mặt hàng bán ra không có lợi nhuận.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Hữu Chinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Fideco, cho biết công ty phải mua lúa mì tồn kho ở những nước như Úc, Nga với giá cao. Những nước này do thời tiết không thuận lợi nên họ hạn chế xuất khẩu, do vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn mua hàng thì phải mua với giá cực cao. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra chính sách tỉ giá thay đổi quá nhanh làm cho hoạch toán phải có sự chênh lệch tỉ giá. Do đó doanh nghiệp loay hoay trong việc vay tiền đồng và ngoại tệ. “Anh sản xuất lấy tiền đồng giao cho anh xuất khẩu lấy ngoại tệ để tiếp tục rồi cân đối. Vì vậy các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau, dìu dắt nhau vượt qua khó khăn” - ông Chinh nói.
Những khó khăn không chỉ nằm trong những vấn đề vĩ mô, theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm Minh Long I, nhu cầu lao động tăng đột biến ở các khu công nghiệp tạo ra cuộc khủng hoảng về lao động. Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải như hiện nay trước đây chưa từng có. Tại Bình Dương, khủng hoảng nhân sự bắt đầu từ các khu công nghiệp. Không chỉ khủng hoảng đối với nhân sự có đào tạo mà lao động phổ thông cũng thiếu trầm trọng. Nếu chúng ta cần 100 nhân công thì thực tế chỉ đáp ứng có 60.
Cắt giảm công đoạn, tiết giảm chi phí
Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang - đại diện Công ty Basic Sole Tanche Việt Nam cho rằng trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân là khu vực thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Vì vậy việc chuyển đầu tư từ công sang tư sẽ có hiệu quả và đáp ứng được mong muốn của nhiều doanh nghiệp.
Còn theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm Minh Long I, trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp sản xuất phải tính toán rút ngắn công đoạn để tiết giảm chi phí. “Trước đây để làm ra một sản phẩm phải mất bốn công đọan, nay chúng tôi nghiên cứu giảm bớt một khâu mà vẫn đảm bảo chất lượng. Cũng như công ty đã đầu tư những mẫu mã đối với sản phẩm không phải là hàng cao cấp nhưng rất bắt mắt, phù hợp với thị trường” - ông Minh tâm sự.
Những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu thì cho rằng họ không khó khăn nhiều. Bà Lê Thị Thanh Lân cho biết công ty của bà có chính sách tại thị trường nội địa là phải tiết giảm chi phí, làm sao cho giá thành hợp lí hơn, sản phẩm đưa ra thị trường mới với giá cả phù hợp để người tiêu dùng chấp nhận. “Khi sản phẩm cũ còn mà giá cao thì sức mua giảm, như vậy sản lượng sản xuất không đủ bù đắp. Vì vậy công ty chuẩn bị mặt bằng sản phẩm mới với giá cạnh tranh để hỗ trợ người tiêu dùng giúp hoạt động hiệu quả và ổn định” - bà Lân chia sẻ.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (chương trình giảng dạy Fulbright), việc tái cấu trúc doanh nghiệp nghe có vẻ trừu tượng, to tát nhưng chỉ đơn giản là làm khác đi so với những gì đang làm nhằm mang lại hiệu quả nhiều hơn. Đa dạng hóa thị trường, tìm cách nào đó tiết giảm chi phí về nguyên liệu, thay đổi làm tinh gọn hơn. Làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com