Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài toán khó

Giám đốc doanh nghiệp tư nhân có trụ sở ở Hà Nội, Trần Đức Minh cảm thấy bất an khi đọc bản tin tài chính trên một tờ báo kinh tế cuối tuần trước. Theo bản tin này, một số khách hàng đã bắt đầu phải vay vốn với lãi suất lên đến 19% ở các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh lãi suất ở một số trung tâm tài chính của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn đang ở mức thấp kỷ lục từ 0,25 – 0,5%, mức lãi suất ở Việt Nam cho thấy những dấu hiệu không ổn. Ông Minh nói: “Mức lãi suất như thế thì doanh nghiệp nào còn lãi. Nó đã gần với kỷ lục của giữa năm 2008”.

Việc thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2007 tới khoảng tháng 9 năm ngoái, vẫn còn ám ảnh ông Minh và nhiều doanh nghiệp khác. Trong giai đoạn đó, lãi suất trung bình thấp nhất mà các doanh nghiệp tiếp cận được vào khoảng 15,65% và cao nhất là 29,35%, thậm chí có doanh nghiệp phải vay với lãi suất lên đến 26%. Trong giai đoạn này, hầu hết các doanh nghiệp (hơn 63%) được khảo sát bởi trường đại học Kinh tế quốc dân và diễn đàn Kinh tế Việt Nam cho rằng “rất khó” vay vốn. Mức lãi suất gần đây cho thấy tình hình tương tự đang xuất hiện. “Nó sẽ làm nghẽn các mạch máu giao dịch kinh tế”, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định.

Ở một số phòng giao dịch ngân hàng tại Hà Nội và TP.HCM, các nhân viên đã bắt đầu nhận tiền gửi với lãi suất lên đến 11,5 – 12%/năm. Một nhân viên của một phòng giao dịch có trụ sở tại phố Chùa Bộc cho biết: “Chúng tôi được yêu cầu phải làm như vậy và nhiều ngân hàng đang phải cạnh tranh nhau gay gắt”. Theo các nhà kinh tế, bản chất của câu chuyện này bắt nguồn từ hệ quả của cả năm qua, khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn (gần 29%) thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng (gần 38%). Nghĩa là huy động được ít, mà cho vay nhiều làm các ngân hàng thương mại khó cân đối vốn, dẫn đến những áp lực lớn cho nền kinh tế.

Ông Minh cho biết, ông và nhiều giám đốc doanh nghiệp khác rất chú ý tới thông điệp đầu năm của Thủ tướng trong đó nhấn mạnh “ổn định kinh tế vĩ mô” là trọng tâm điều hành kinh tế trong năm 2010. Yêu cầu này, các nhà kinh tế nhận định, đang là thách thức lớn với thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, người luôn cam kết điều hành chính sách tiền tệ theo mô thức “linh hoạt”. Tuy vậy, những điều chỉnh chính sách liên tục, như thắt chặt tiền tệ giữa năm 2008 hay thay đổi tỷ giá tháng 11 vừa qua, dù đúng đắn, vẫn cho thấy nó khó tiên liệu được cho hoạt động của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Thế giới Đoàn Hồng Quang bình luận: “Giải pháp đưa ra nhiều khi rất kịch tính, bị động. Nó cho thấy sự lúng túng trong điều hành”. Một chuyên gia khác, TS Nguyễn Mại nói thêm: “Chính sách tiền tệ và vai trò thống đốc là rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước đã dùng nhiều giải pháp ngắn hạn để đối phó với khủng hoảng. Cách tiếp cận này phải khác đi cho năm 2010”.

Yêu cầu của các nhà kinh tế là không dễ cho các nhà điều hành của ngân hàng Nhà nước. Viện trưởng viện Chiến lược phát triển ngân hàng Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét, mở rộng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô. Bà Thanh giải thích: “Điều này có nghĩa là việc mở rộng tín dụng vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát”. Đây hẳn là bài toán khó. Phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn đồng tình quan điểm này khi cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2010. Ông nói: “Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát. Nhưng mặt khác, ngân hàng Nhà nước lại phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản của thị trường… Hiện nay tình trạng thanh khoản là kém”. Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá cũng vẫn là bài toán khó giải do tình trạng nhập siêu lớn triền miên và cán cân thanh toán không đảm bảo.

Cách đây vài ngày, giám đốc Trần Đức Minh có nghe một lời khuyên của viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung về cách đối phó của doanh nghiệp với bất ổn kinh tế vĩ mô. Ông Cung cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển từ ứng phó thụ động sang chủ động. Tức là chuyển từ cắt giảm chi phí, nhân công, giảm quy mô sản xuất sang đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đó là cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với bất ổn kinh tế vĩ mô. Ông Minh không phủ nhận điều này. Tuy vậy ông nói: “Nhưng vấn đề của tôi đang là lãi suất lên cao và tỷ giá bất ổn”.

( Theo Tư Giang // SGTT Online)

  • Tránh “bẫy thu nhập trung bình”
  • Góc nhìn 2010
  • PCI 2009: Minh bạch và chất lượng lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
  • Phát triển đại học ở Nhật và gợi ý cho Việt Nam
  • Bốn chuyển biến tích cực sau khi gia nhập WTO
  • Cẩn trọng với CPI tháng 1?
  • 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2009
  • VN thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế nhanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi