Đó là nhận định của các chuyên gia trong hội thảo bàn về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), những kế hoạch, giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày hôm nay 26-8, tại Hà Nội.
Theo đánh giá Bộ NN&PTNT, một khi biến đổi khí hậu xảy ra sẽ có tác động rất nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, thiên tai, lũ lụt có thể đe dọa tính mạng con người, làm chậm quá trình giảm nghèo, ngăn cản phát triển giáo dục… song lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất vẫn là nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, diêm nghiệp, lâm nghiệp và đặc biệt là an ninh lương thực.
Người nghèo chịu tác động rõ rệt nhất
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học khẳng định, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ làm cho thiên tai ở nước ta ngày càng gia tăng về số lượng, cường độ và mức độ ảnh hưởng. Theo tính toán, do ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng, cả nước có thể có 2 triệu ha đất nông nghiệp hiện nay (chiếm ½ tổng diện tích đất nông nghiệp) bị ngập trong nước, kéo theo hàng chục triệu người dân có thể bị mất nhà cửa, mất đất trồng trọt. Điều đó cũng đồng nghĩa, sản lượng lương thực sẽ sụt giảm, sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu an ninh lương thực mà chúng ta đã đặt ra. Ông Học nhận định, một khi biến đổi khí hậu xảy ra dù ở hình thái nước biển dâng hoặc thiên tai, lũ lụt thì đối tượng chịu tác động rõ rệt nhất sẽ vẫn là những người nghèo.
Mặc dù các nhà khoa học đang vẽ kịch bản về nước biển dâng, biến đổi khí hậu cho nhiều năm nữa của thế kỷ, song trên thực tế biến đổi khí hậu đã và đang bắt đầu có những dấu hiệu tác động trên các vùng miền nước ta, thể hiện thông qua nhiều nét dị thường như có nắng nóng nhiều hơn, về mùa đông thì rét đậm hơn, mùa hè cũng đến sớm hơn, các cơn bão vừa nhiều hơn vừa có những đường đi khá “kỳ lạ”. Trong những năm gần đây, mưa lớn đã gây ngập dài ngày ở thủ đô Hà Nội, còn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc ĐBSCL thì mưa lớn kèm theo triều cường liên tục xuất hiện, làm cho cuộc sống người dân đảo lộn, giao thông ách tắc. Đầu tháng 8-2008 và đầu tháng 7-2009, mưa lũ và sạt lở núi ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về người và của cải. Đầu năm 2008, trận rét lịch sử kéo dài 40 ngày đã làm 150.000ha lúa và gần 10.000ha mạ ở miền Bắc, miền Trung bị chết, thiệt hại chỉ riêng về giống đã lên tới 180 tỷ đồng, còn về gia súc thì chết khoảng 62.600 con, thiệt hại 200 tỷ đồng. Hằng năm, số người chết vì thiên tai đang tăng lên. Chỉ trong 5 năm (2004-2009), thiên tai đã làm hơn 2.000 người dân bị thiệt mạng!
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, hiện nay lo lắng nhất là nước biển dâng sẽ làm cản trở, gây khó khăn cho các mục tiêu sản xuất nông nghiệp. “Theo tính toán, do nước ta có đường bờ biển dài và có hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng châu thổ sông Hồng (ĐBCTSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên khi mực nước biển dâng cao 0,2-0,6m sẽ có 100-200 nghìn ha bị ngập. Trong trường hợp nước biển dâng thêm 1m thì ở ĐBCTSH sẽ có 300-500 nghìn ha bị ngập, còn ở ĐBSCL cùng với hiện tượng lũ lớn, sẽ có tới trên 90% diện tích bị ngập liên tục 4-5 tháng, ngược lại vào mùa khô thì khoảng 70% diện tích bị xâm mặn với nồng độ lớn. Như vậy, hoạt động xuất khẩu lúa gạo có thể gặp nhiều khó khăn. Mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt cũng tỏ ra lo ngại rằng, về lâu dài chúng ta chỉ có thể chủ động được nguồn lúa gạo phục vụ nhu cầu trong nước, không còn dư thừa để xuất khẩu.
Còn ở đồng bằng Bắc bộ, nơi hiện đang có 1,3 triệu ha, trong đó có 1,15 triệu ha đang được cả hệ thống đê bảo vệ, nhưng khi mực nước biển dâng, và vào mùa lũ thì hệ thống đê sẽ bị đe dọa nghiêm trọng do mực nước ở các sông sẽ dâng cao thêm 0,5-1m và bằng với cao trình đê hiện nay.
Mục tiêu chính là đảm bảo an ninh lương thực
Các chuyên gia cũng cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ không trở nên quá lo ngại một khi chúng ta chủ động ngay từ bây giờ các kế hoạch và kịch bản cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đó, Thứ trưởng Đào Xuân Học khẳng định, nhận thức rõ tầm quan trọng, Bộ NN&PTNT đã chủ động triển khai các chương trình, dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt đã đưa ra “khung chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2009-2020. Các mục tiêu cần phải làm là đảm bảo được an ninh lương thực bằng việc duy trì diện tích trồng trọt khoảng 3,8 triệu ha, đảm bảo an toàn và ổn định cho đời sống dân cư ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng của nước biển dâng như ĐBSCL thông qua dự án nghiên cứu tổng thể quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện nước biển dâng, xây dựng các công trình chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, ĐBSCL, các sông khu vực miền Trung gồm từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và Đông Nam bộ, đặc biệt là việc tăng cường các dự án trồng rừng phòng hộ đê biển, ven biển. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, quy hoạch lại các vùng trồng cây lương thực, cây công nghiệp và vùng nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện nước biển dâng theo các kịch bản đặt ra.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương đẩy mạnh các dự án xây dựng và bổ sung thêm cho chương trình nâng cấp toàn bộ hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, đồng thời sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm chương trình đầu tư xây dựng hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang trong điều kiện nước biển dâng, trước mỗi tuyến đê sẽ trồng rừng có chiều rộng 500-1.000m để chắn sóng, xây dựng các cống ngăn mặn. Hiện nay, ngoài các giống lúa thích ứng điều kiện thâm canh, chúng ta cũng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu các giống lúa có khả năng chịu ngập và chịu mặn, chịu phèn, chịu hạn như U17, U20, U21, M6, CH2, CH3… Tuy hiện nay những giống lúa trên chưa nhiều, nhưng Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư mạnh cho các viện nghiên cứu để chọn giống và nhân rộng những giống lúa trên, nhằm sớm thích ứng trong điều kiện các tác động của biến đổi khí hậu xảy ra.
(Theo HNMO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com