Chế biến điều xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến XNK và Nông sản thực phẩm Bình Phước.
Hiện nay, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu (XK) hạt điều nhưng hằng năm vẫn nhập khẩu một lượng rất lớn điều thô mới đủ nguyên liệu để phục vụ hoạt động chế biến. Trong khi đó, nông dân đã phải chặt gốc điều vì nhà máy chế biến không mua.
Hơn 40% nguyên liệu phải nhập khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2009, ngành điều Việt Nam đã XK được 57,8 nghìn tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 256 triệu USD. Để có lượng điều xuất khẩu trên, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang phải nhập tới hơn 40% lượng điều thô. Trong khi đó, tiềm năng trồng điều trong nước không nhỏ, và một số nơi, người nông dân đã phải chặt bỏ cây điều. Tại sao lại có nghịch lý này?
Theo Vinacas, những năm gần đây, năng suất cây điều liên tục sụt giảm do giá vật tư tăng cao, người trồng điều bị lỗ vốn nên ít có khả năng đầu tư và nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê chăm sóc. Năm 2009, tình trạng mất mùa điều diễn ra ở khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, cùng tác động của những đợt mưa trái mùa vừa qua đã làm cho hơn 100 nghìn héc-ta điều bị nhiễm bệnh cho năng suất rất thấp khiến sản lượng điều trong nước sụt giảm đáng kể (năm 2007, sản lượng điều thô đạt 400 nghìn tấn nhưng năm 2008 chỉ còn 350 nghìn tấn và năm 2009 được dự báo là thấp hơn nhiều). Năng suất thấp, cùng với giá hạt điều thô rất thấp trên thị trường thế giới tiếp tục gây khó khăn cho người trồng điều. Hiện nay, thương lái thu mua tại vườn chỉ với giá 6.800-7.000 đồng/kg, giảm 3.000- 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2009 khiến nông dân lỗ nặng. Vì vậy, ở một số nơi, người nông dân ồ ạt chặt bỏ cây điều để trồng cây khác với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khiến diện tích trồng điều trong nước bị sụt giảm khá lớn. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, diện tích canh tác điều của cả nước còn khoảng 400 nghìn héc-ta, trong đó chỉ có khoảng 300 nghìn héc-ta cho thu hoạch, giảm 30 nghìn héc-ta so với các niên vụ trước.
Vẫn chuyện hai "nhà" chưa như một
DN nhập khẩu điều thô tới hơn 40%, trong khi nông dân chặt bỏ cây điều không phải do giá trị hạt điều nguyên liệu của Việt Nam thấp mà là do thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa DN và người dân tạo điều kiện cho thương lái "hoành hành". Mức giá bán tại vườn là 6.800 đồng/kg nhưng DN chế biến phải thu mua từ thương lái tới 11.000 đồng/kg. Trong khi đó, nông dân không thể tiếp cận để bán điều thô trực tiếp cho nhà máy. Mức giá mua từ thương lái cao hơn giá điều thô của một số nước trên thế giới nên nhiều DN đã quay sang nhập khẩu điều thô thay vì hợp tác lâu dài với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Vinacas phân trần, bên cạnh những DN tiếp tục đầu tư cho vùng nguyên liệu, có nhiều DN tính toán lợi nhuận trước mắt, nhập khẩu điều thô từ các nước Tây Phi, đồng thời đầu tư cho vùng nguyên liệu theo cách bỏ lửng để … "dìm" giá nông dân. Một điểm yếu nữa là tổ chức chế biến của ngành điều nước ta rất manh mún và tự phát, năng suất lao động còn thấp, sản phẩm không đa dạng và ít sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Hiện nay cả nước có 203 DN tham gia XK nhưng đa phần có quy mô nhỏ, thậm chí một số DN XK điều chưa có nhà máy chế biến. Với quy mô sản xuất và xuất khẩu nhỏ lẻ, các DN ít có khả năng đầu tư lớn cho vùng nguyên liệu là điều dễ hiểu.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, chất lượng hạt điều trồng tại Việt Nam thuộc loại tốt so với thế giới, chất lượng cao hơn hẳn so với điều nhập khẩu. Vì vậy, nếu các DN tiếp tục vì mối lợi trước mắt mà chỉ nhập khẩu điều thô, không đầu tư cho vùng nguyên liệu, hệ thống thu mua để mua trực tiếp từ vườn của nông dân thì về lâu dài tình trạng Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài là điều có thể. Vị thế nước xuất khẩu điều số 1 thế giới cũng không còn khi nguồn hạt điều chất lượng cao trong nước cạn kiệt.
Năm 2015 tiêu thụ điều nội địa phải chiếm từ 10 đến 20% Trước thực trạng của ngành điều như hiện nay, Vinacas yêu cầu các DN phải thận trọng khi ký hợp đồng XK vào những tháng cuối năm 2009 và nên chọn những khách hàng có uy tín, không ký hợp đồng tràn lan với giá thấp. Đồng thời phải cơ cấu lại sản phẩm theo chiều hướng giảm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng và phù hợp với từng thị trường khác nhau. Để hỗ trợ cho các DN, Vinacas sẽ tiếp tục vay thêm kinh phí với lãi suất 0% nhằm giúp các DN tăng nội lực để tránh bị nhà nhập khẩu ép giá... Vinacas cũng khuyến cáo các DN chú trọng hơn đến thị trường nội địa vì hiện nay có tới 95% sản lượng điều dành cho XK, vì vậy mục tiêu đến năm 2015 mức tiêu thụ thị trường nội địa phải chiếm từ 10% đến 20%.
(Theo Ngọc Quỳnh/HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com