Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để "đối mặt" với suy giảm kinh tế?

Các chính sách kích cầu của Chính phủ và giải pháp chống suy giảm kinh tế của tỉnh Đồng Nai, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và hộ sản xuất đang phát huy hiệu quả trong việc chống suy giảm kinh tế. Thực tế ở Đồng Nai cho thấy, đến giữa năm 2009 tình hình sản xuất - kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi.

 * Như nắng hạn gặp mưa rào

 Ông Nguyễn Khánh Chúc, 58 tuổi, một nông dân trồng nấm mèo ở ấp Núi Tung, xã Suối Tre, TX.Long Khánh, mấy tháng nay rất vui do đã tìm được nguồn vay "rẻ" cho đầu tư mở rộng sản xuất. Ông nói: "Sau hơn 15 năm trồng nấm mèo, cách nay 3 tháng, lần đầu tiên tôi dám vay Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn (NHNo-PTNT) chi nhánh Long Khánh lên tới 200 triệu đồng để mở rộng từ 2 trại trồng nấm mèo lên 4 trại. Đó là nguồn vốn vay được Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất. Nhờ vốn vay kích cầu này, hàng tháng tôi giảm chi phí đầu tư gần 700.000 đồng. Năm 2009, dự tính doanh thu bán nấm mèo của tôi khoảng 250 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi sẽ lãi trên 100 triệu đồng". Ông Trần Văn Trí, nông dân ở ấp 2 của xã vùng sâu vùng xa Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu cũng tỏ ra phấn khởi vì đã vay được 100 triệu đồng vốn hỗ trợ 4% lãi suất để mua phân bón và thuốc trừ sâu đầu tư chăm sóc cho hơn 10 hécta xoài và cà phê. Ông Trí cho biết: "Nông dân chúng tôi rất mừng khi được Chính phủ hỗ trợ lãi suất. Nhờ vậy, đã giảm được một khoản tiền lãi phải trả đáng kể. Riêng tôi giảm được gần 4 triệu đồng. Ngoài ra, nếu không vay được nguồn vốn này, tôi phải mua phân bón, thuốc trừ sâu thiếu của các đại lý cũng còn phải trả thêm khoản tiền lãi trả chậm lên tới gần chục triệu đồng".

 Không chỉ có hàng vạn hộ nông dân được vay hỗ trợ lãi suất mà còn nhiều chủ trang trại lớn và các doanh nghiệp chế biến hoạt động ở nông thôn cũng đã tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Anh Nguyễn Văn Nhàn, ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), là chủ trang trại rộng 60 hécta trong đó có 8 hécta trồng xoài; 20 hécta trồng cỏ để nuôi 320 con bò giống và diện tích còn lại trồng tràm. Anh Hưng nói: "Tôi được vay 2,5 tỷ đồng hỗ trợ 4% lãi suất. Số tiền này dùng vào đầu tư phát triển đàn bò giống và cải tạo đồng cỏ. Với lãi suất bình thường 10,5%/năm, nay được hỗ trợ giảm xuống còn 6,5%/năm, tính ra tôi giảm chi phí vay khoảng 100 triệu đồng. Mục tiêu phấn đấu của trang trại này là nâng doanh thu từ 1 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng vào năm 2010". Là một "đại gia" trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu ở vùng Xuân Lộc - Long Khánh, với doanh thu hàng năm lên tới 400 - 500 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Công ty cổ phần Xanh Cà Phê cho hay: "Từ năm 2008 kéo dài sang giữa năm 2009,  tình hình xuất khẩu nông sản nói chung rất khó khăn, giảm cả về thị trường lẫn giá bán. Dự tính năm nay, công ty  xuất khẩu chỉ khoảng 12.000 tấn cà phê, 1.000 tấn tiêu... giảm gần 50% so với năm 2008. Trong bối cảnh này, rất mừng là Chính phủ đã có chính sách kích cầu vốn cho doanh nghiệp phục hồi SX-KD. Tháng 2-2009, công ty tôi đã được vay 10 tỷ đồng vốn hỗ trợ 4% lãi suất. Bình quân 1 tháng công ty giảm chi phí trả lãi vay hơn 33 triệu đồng. Nhờ vậy, đã giúp cho doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn và đến nay chúng tôi đã thấy tình hình làm ăn có khả quan hơn...".

 Ông Nguyễn Huy Trinh, Phó giám đốc NHNo-PTNT chi nhánh Đồng Nai cho hay, các trường hợp đủ điều kiện được hưởng gói kích cầu của Chính phủ ở địa bàn nông thôn Đồng Nai đều được cán bộ tín dụng hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ cho vay một cách nhanh chóng. Tính đến ngày 23-7-2009, NHNo-PTNT chi nhánh Đồng Nai đã cho vay có hỗ trợ lãi suất hơn 2.285 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Trinh cũng tỏ ra băn khoăn vì so với 2 gói kích cầu trước đó thì gói kích cầu hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 479 của Chính phủ (gọi tắt là gói kích cầu 3) còn có một số vướng mắc về quy định chung nên số hộ nông dân được vay còn thấp. Qua hơn 2 tháng mới giải ngân cho vay được 540 triệu đồng.

 * Giảm chi phí và mở rộng sản xuất

 Với rất nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, cho dù là hàng "đại gia" hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn vay kích cầu đã giảm bớt phần nào khó khăn, "dưỡng sức" cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của thời suy thoái kinh tế toàn cầu như: Công ty CP Tập đoàn Tân Mai: 236 tỷ đồng, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam: 206 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai: 177 tỷ đồng, Công ty CP thiết bị điện: 112 tỷ đồng, Công ty CP Hòa Việt: 97 tỷ đồng...

  Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty Donafoods, nói: "Trong bối cảnh xuất khẩu điều giảm 25-30% sản lượng và giá bán thì vốn kích cầu đã giúp cho doanh nghiệp có thể "găm" hàng chờ đến thời điểm giá tốt nhất mới xuất bán. Donafoods được vay khoảng 170 tỷ đồng vốn hỗ trợ 4% lãi suất; mỗi tháng giảm lãi vay khoảng 500 triệu đồng". Ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa cho biết, với mức hỗ trợ 4% lãi suất cho 1 năm, tương đương 0,33%/tháng giúp cho chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm. Tính đến cuối tháng 8-2009, Tín Nghĩa đã được hỗ trợ lãi suất khoảng 5 tỷ đồng. Theo ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh, chuyên sản xuất găng tay, khẩu trang và áo bảo hộ lao động, ngay sau khi được vay vốn hỗ trợ lãi suất đã đầu tư thêm 40 chiếc máy dệt găng tay trị giá 80 ngàn USD để đáp ứng hàng cho khách hàng. Hiện xưởng dệt găng tay của công ty đã hoạt động hết công suất 3 ca/ngày, thay vì chỉ chạy 2 ca như trong quý I năm nay. Không dừng lại ở đó, công ty đã tiếp tục làm thủ tục vay gói kích cầu trung và dài hạn cho dự án mở rộng sản xuất, với 100 máy dệt găng tay và 30 máy dệt vớ mới, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng.

 Cho đến giữa tháng 7-2009, trên địa bàn Đồng Nai có 34 chi nhánh ngân hàng quốc doanh, cổ phần và liên doanh đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định 131 và 443 của Thủ tướng Chính phủ với tổng dư nợ hơn 11.621 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất lên tới gần 104 tỷ đồng.

 Để có được con số trên, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc họp đốc thúc các sở, ngành, địa phương, ngân hàng phải nhanh chóng vào cuộc và giám sát kiểm tra tiến độ thực hiện chủ trương cho vay kích cầu của Chính phủ. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, khẳng định: "So với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam thì Đồng Nai có tiến độ triển khai thực hiện vốn kích cầu nhanh và sâu rộng. Đến nay, qua công tác kiểm tra, trên địa bàn Đồng Nai chưa phát hiện có trường hợp ngân hàng nào cho vay sai đối tượng hoặc sử dụng không đúng mục đích vốn vay có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ".

(Theo Xuân Phú - Kim Ngân // Báo Đồng Nai)

  • Làm gì để "đối mặt" với suy giảm kinh tế?
  • Xây dựng là ngành dễ xảy ra tham nhũng nhất
  • Kiểm soát chặt chẽ: Mặt trái của kích cầu
  • Nuôi hải sản biển: Được ít, mất nhiều
  • Gian nan trong việc xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu: Diện tích sụt giảm, giống quý mai một
  • Bà Rịa – Vũng Tàu – Lợi thế hiếm có về cảng biển
  • Đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, nông dân vẫn điêu đứng: Nghịch lý không thể chấp nhận
  • Kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng trở lại sớm hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi