Trong bối cảnh CPI tháng 3 của cả nước tăng xấp xỉ 2,2%, chương trình bình ổn giá được ráo riết thưc hiện nhằm góp phần ổn định giá cả thị trường, nhưng cách thức thực hiện, hiệu quả chương trình dường như vẫn là vấn đề cần được cân nhắc lại.
Trong bối cảnh CPI tháng 3 của cả nước tăng xấp xỉ 2,2%, chương trình bình ổn giá được ráo riết thưc hiện nhằm góp phần ổn định giá cả thị trường, nhưng cách thức thực hiện, hiệu quả chương trình dường như vẫn là vấn đề cần được cân nhắc lại. Còn cần phải làm gì để chương trình bình ổn giá thật sự có hiệu quả khi đến đúng tay người nghèo thì thực tế trả lời.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cần tăng lượng vốn cho chương trình này; chọn chính xác một vài mặt hàng cần thiết; tăng điểm bán và công khai điểm bán; quảng bá thông tin rộng rãi về danh sách điểm bán hàng bình ổn... Cần nhấn mạnh đến việc chọn mặt hàng và chủng loại hàng bình ổn, không nên chọn tràn lan cả với các mặt hàng đắt tiền mà nên chọn những mặt hàng thiết thực và phù hợp với người thu nhập thấp, người nghèo. Điều đó sẽ hạn chế được việc hàng bình ổn vào tay người khá giả. Ví dụ, gạo nên là loại gạo 6.000 đồng/kg, chứ không phải là loại 20.000 đồng/kg; dầu ăn bình ổn là loại 10.000 đồng/lít, không chọn loại 15.000 đồng/lít. Như thế, những người giàu có sẽ không mua hàng bình ổn giá.
Về ý kiến có thể nghiên cứu phát tem phiếu trực tiếp cho người nghèo để mua hàng bình ổn giá, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong là chưa cần thiết, bởi độ lệch giá chưa đáng kể và có thể sẽ phát sinh nhiều phiền phức như bình xét, xin cho, bán lại tem phiếu...
Tuy nhiên, nhược điểm rõ nhất là chương trình này thực chất đã tạo ra tình trạng hai giá cho cùng một mặt hàng. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp mà còn biến việc mua hàng bình ổn giá trở thành cơ chế xin cho vì không thể có đủ hàng bình ổn giá đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực tế, với mức độ chênh lệch quá lớn người kinh doanh sẽ lợi dụng chương trình bình ổn giá để trục lợi. Cùng với cơ chế xin cho đó, rất nhiều tiêu cực xuất hiện, những người đầu cơ, trục lợi sản phẩm vẫn không thiếu cách để mua hàng bình ổn giá mang ra ngoài bán kiếm lời.
Ngoài ra, chương trình được nhiều địa phương triển khai bằng số vốn ngân sách nhưng trên thực tế, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn ít được hưởng lợi vì đối tượng doanh nghiệp bán lẻ tham gia chương trình bình ổn giá đa số lại là các siêu thị, nơi mà người tiêu dùng thu nhập thấp ít có cơ hội mua sắm. Nhiều người tiêu dùng, thậm chí còn không biết gì về chương trình bình ổn giá. Vì chương trình được thực hiện trong cả năm nên chẳng những không tạo được ý nghĩa của bình ổn giá, mà ngân sách địa phương còn phải gồng lên để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng kêu ca vì tham gia chương trình bình ổn giá bị lỗ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: cần thay đổi quan điểm về bình ổn giá, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện nay. Không nên kéo dài thời gian thực hiện chương trình bình ổn giá và phải xác định đúng đối tượng cần được bình ổn giá là dân nghèo ở khu vực nông thôn, công nhân ở các khu công nghiệp... tránh tình trạng dàn trải. Cách thức thực hiện chương trình bình ổn giá hiện nay chưa phù hợp. Nên tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn, về những khu công nghiệp tập trung đông công nhân.
Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng cho rằng: cần đổi mới cách thức thực hiện chương trình bình ổn giá. Cụ thể là xác định đối tượng được bình ổn giá, tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp bình ổn giá, xác định nhóm hàng bình ổn..., đặc biệt là gây quỹ bình ổn giá từ chính các doanh nghiệp tham gia.
Một mặt bằng giá mới thực tế đã được thiết lập sau khi giá các sản phẩm đầu vào bắt buộc phải tăng theo diễn biến của thị trường thế giới. Đương nhiên hàng bình ổn giá không nằm ngoài quy luật đó. Do vậy, nếu tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá theo cách mà chúng ta vẫn làm lâu nay thì không những không đạt được mục đích tạo nên giá tham chiếu để kiềm chế tốc độ tăng giá, mà còn khiến ngân sách các địa phương hao tốn một khoản không nhỏ. Muốn kiềm chế tốc độ tăng giá, điều quan trọng là cần đẩy mạnh sản xuất, kiểm soát bán buôn, như vậy mới có thể kiểm soát giá bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng.
Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu thương mại, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, bình ổn giá là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên áp dụng trong một vài thời điểm của năm nhằm hạn chế giá cả leo thang, chẳng hạn dịp tết, đầu năm học hoặc thiên tai. Trên thực tế có nhiều cách để bình ổn giá, chứ không nhất thiết phải lấy ngân sách cho vay lãi suất 0% và áp dụng tràn lan các mặt hàng, thậm chí cả rau củ.
Vì vậy, cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng là phải bình ổn giá vào thời điểm nào, mặt hàng nào và tình thế nào. Từ đó xác định biên độ giá dao động trong khoảng bao nhiêu thì can thiệp. Chứ như hiện nay, áp dụng biện pháp bình ổn cho cả năm để giữ giá bình thường là không nên và thực tế là không đạt hiệu quả do không đủ sức, chưa kể bị một số người lợi dụng bằng cách mua đi bán lại.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com