Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bỏ HĐND quận, huyện, phường: Lo “khoảng trống” dân chủ?

picture
Không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường, ý kiến của cử tri sẽ được phản ánh lên hội đồng nhân dân cấp cao hơn.

Khi không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, dân chủ không bị hạn chế và vai trò giám sát được tăng cường.

Đó là quan điểm được nhiều vị đại diện cho các tỉnh, thành phố nêu lên tại Hội nghị tổng kết bước 1 thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân  huyện, quận, phường, sau một năm rưỡi triển khai tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố, diễn ra chiều ngày 16/8 tại Hà Nội.

Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi, việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường thì thể chế dân chủ thời gian qua như thế nào? Vai trò “thay thế” giám sát của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ra sao?...

Trên thực tế khi mới bắt đầu triển khai tại địa phương, chủ trương này cũng gặp không ít băn khoăn, đặc biệt là câu hỏi liệu có xuất hiện “khoảng trống” dân chủ khi giảm người đại diện nhân dân giám sát chính quyền cấp huyện, quận, phường.

Phát biểu đại diện cho Tp.HCM, địa phương có số đơn vị tham gia thí điểm lớn nhất, Chủ tịch hội đồng nhân dân Phạm Phương Thảo nói ngắn gọn: “Tôi không nói là tốt hơn, nhưng tính dân chủ đảm bảo được”.

Quan điểm này được rất nhiều đại biểu đồng tình. Ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, việc thực hiện dân chủ khi được đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh đại diện, thay vì cấp huyện, quận, phường thì tính hiệu quả, hiệu lực càng được nâng lên.

Ông Hiệp lý giải rằng, trong các đợt tiết xúc với nhân dân, khi đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh tham gia thì lãnh đạo cấp huyện, quận, phường phải có mặt và nếu các vấn đề nhân dân nêu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cấp nào thì đại biểu có thể đề nghị giải trình ngay, tránh được cơ chế giám sát đồng cấp không có hiệu lực trước kia.

Trước kia khi tiếp xúc với dân, hội đồng nhân dân quận, huyện, phường nhiều nơi có mặt cũng chỉ ngồi nghe thôi, không giải quyết được gì. Ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thẳng thắn: “Thực hiện chủ trương này thì chỉ tốt hơn chứ không hạn chế đi”.

Trong khi đó, giai đoạn thí điểm vừa qua, vai trò giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội cũng được tăng cường hơn. Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, cơ chế người đại diện nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo chủ trương này vẫn là nhiều chứ không phải là ít đi như một số lo ngại trước đó.

Thậm chí, có đại biểu cho rằng, khi thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân, vai trò giám sát của lãnh đạo UBND cấp trên được thể hiện nhiều hơn, và quá trình giám sát của chính quyền cấp cao hơn thường có hiệu lực hơn.

Không chỉ được đo đếm bằng sự hài lòng của người dân, nhiều “cái tốt” cũng được nêu tại hội nghị chiều nay. Với Tp.HCM là sự đồng thuận của Đảng ủy và chính quyền các cấp; với Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Trị, Lào Cai và nhiều địa phương khác là tinh gọn được tổ chức, công tác chỉ đạo điều hành bớt qua một số khâu nên triển khai nhanh hơn, giảm hội họp và đặc biệt là tiết kiệm cho ngân sách.

Theo bà Thảo, thời gian thí điểm vừa qua, Tp.HCM không tăng biên chế. Chỉ tính riêng khoản tiền tiết kiệm được cho ngân sách do giảm hội họp, thời gian… đã vào khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Con số này của Đà Năng, sơ sơ cũng khoảng 7 tỷ đồng; Kiên Giang tiết kiệm 3 tỷ đồng…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, thay mặt Ban chỉ đạo trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, tổng kết lại: “Chủ trương trên đã tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương; đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý; tăng cường việc giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện, quận, phường; quyền dân chủ của người dân được đảm bảo…”.

Cũng tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương ủng hộ việc thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, mở rộng đến cấp xã và sớm sửa đổi các quy định tại Hiến pháp và Luật tổ chức UBND, hội đồng nhân dân.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ có báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, trình lên Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay.

(Theo Vneconomy)

  • Kinh tế Việt Nam như con hổ tiến về phía trước!
  • Điểm tựa của doanh nghiệp
  • Vì sao chưa có kẻ ở, người đi?
  • Nâng cao chất lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng
  • Đến năm 2020, cần đào tạo 2.400 kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân
  • Chậm triển khai các dự án chống sạt lở: Dân lãnh đủ
  • Nâng tầm nhìn, hiểu thời cuộc để nhận diện đúng nguy cơ
  • Tăng tiêu chí thẩm tra dự án
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi