Mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt đưa dự báo CPI tháng 4 tăng khoảng 3%.
Sau tháng 3/2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh ở mức 2,17%, nhiều ý kiến cho rằng với mặt bằng giá đã rất cao, khả năng chỉ số giá sẽ giảm tốc dần kể từ tháng 4/2011 so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, trước những nhân tố mới như tăng giá xăng dầu; giá điện bắt đầu phát huy ảnh hưởng; hàng nhập khẩu vừa tăng giá thực tế, vừa chịu thuế cao hơn do điều chỉnh tỷ giá tính thuế… CPI tháng này đứng trước khả năng tăng tốc so với tháng trước.
Các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt được áp dụng trong tháng này đưa NDHMoney đến một kết quả dự báo vượt quá ước tính ban đầu của chúng tôi, CPI tháng 4 có thể tăng khoảng 3% so với tháng 3.
Nếu dự báo này đúng với thực tế thì so với tháng 12/2010, CPI tăng trên 9% và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kịch bản này, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ còn thấp hơn mức tăng của tháng 5/2008 và xấp xỉ mức tăng của tháng 3/2008, tính trong khoảng 15 năm gần đây. Trong các tháng 4 nhiều năm, chưa khi nào CPI tăng tới 3%.
Nhìn trong ngắn hạn, CPI cũng đang tạo thành xu hướng tăng lên, với 3 tháng gần đây có tốc độ tăng tháng này cao hơn tháng trước đó. Cụ thể, CPI tháng 1/2011 tăng 1,74%; tháng 2 tăng 2,09%; tháng 3 tăng 2,17% và tháng này có khả năng tăng cao hơn tháng 3.
Trong khi đó, các mốc so sánh với tháng 12 và cùng kỳ năm 2010 cũng tăng tốc rất nhanh. Đặc biệt, so với cùng kỳ đang tiến sát lạm phát kỳ vọng (đo bằng lý thuyết tiền tệ MV = PQ). Theo ước tính của NDHMoney, với giả định vòng quay tiền tệ không đổi thì lạm phát kỳ vọng đang vào khoảng 18-20%.
Xét các nguyên nhân vĩ mô, trong khi GDP quý 1 tăng ở mức 5,43% so với cùng kỳ, nhưng tín dụng đến cuối tháng 3 tăng trên 5% so với cuối năm 2010 (xem nguồn).
Điểm đáng lưu ý khác là chi phí sản xuất tiếp tục tăng hơn trong tháng 4. Lãi suất cho vay đã tăng khoảng 1-1,5%/năm trong quý 1/2011 và hiện ở mức bình quân là 16,23%/năm.
Thêm nữa, sau khi giá điện tăng hơn 15%, được áp dụng từ ngày 1/3/2011, thì đến tháng 4 bắt đầu phản ánh vào chi phí thực tế. Tác động từ đợt tăng giá xăng dầu ngày 24/2 vẫn chưa vào hết chỉ số giá thì tối 29/3 giá xăng dầu lại tăng thêm từ 2.000- 2.800 đồng/lít, tiếp tục gây xáo trộn lớn cho giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Giá gas cũng tăng liên tục nhiều lần từ cuối tháng 3 đến những ngày đầu tháng 4 do ảnh hưởng từ giá thế giới…
Chưa hết, chỉ số giá nhập khẩu quý 1/2011 tăng khoảng 3,4% so với quý 4/2010, cùng thời gian này, tỷ giá biến động rất mạnh, dù có hạ nhiệt đôi chút trong tháng 4 nhưng tác động của nó lên giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất là rất lớn, chưa kể tỷ giá tính thuế nhập khẩu tăng cũng làm tăng thêm nghĩa vụ nộp thuế, đội giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm sản phẩm có nguồn gốc hóa chất, hàng may mặc, sắt thép, tiêu dùng trong gia đình, thuốc và nguyên liệu làm thuốc…
CPI tháng 4 cũng chịu ảnh hưởng từ việc nguồn cung một số mặt hàng sụt giảm. Gạo dù được hỗ trợ bởi giá xuất khẩu giảm nhưng nguồn cung hạn chế ở phía Bắc khiến cho nhiều loại gạo tiêu dùng nhiều tăng giá khá cao. Thực phẩm, rau xanh tiếp tục tăng giá mạnh trong tháng 4 do nguồn cung chưa hồi phục hoàn toàn…
NDHMoney đặc biệt lưu ý đến chỉ số giá các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông trong tháng này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật số liệu từ mô hình dự báo sau khi có dữ liệu từ chỉ số giá của Hà Nội, Tp.HCM và nếu độ lệch vượt +/- 0,2% so với mức dự báo khoảng 3% nêu trên.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com