Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cắt giảm đầu tư công: Cần sự chỉ đạo, điều phối mạnh

Năm 2008, Chính phủ thực hiện cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát. Lúc đó không ít công trình được xem là quan trọng, có khả năng hoàn thành theo đúng tiến độ nên được giữ lại, tiếp tục “bơm” vốn để triển khai.

Sau hơn ba năm, khi xem xét lại, có thể nhận thấy một kết quả đáng buồn trong việc triển khai các dự án này.

Nằm giữa lòng Hà Nội, dự án (DA) cải tạo quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn được khởi công tháng 10.2008, dự kiến xong trước 10.10.2010 để chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến nay, đại lễ đã qua gần 6 tháng, nhưng tuyến đường được đầu tư hơn 890 tỉ đồng bằng vốn ngân sách vẫn ngổn ngang sỏi đá, ao tù nước đọng. Người dân qua đây ngày nào cũng phải kêu trời, kêu đất vì bụi bẩn, lầy lội. Con đường nát bét, dải phân cách bằng… cột điện dây nhợ giăng mắc khắp nơi như mạng nhện. Tệ hơn, cứ dăm ba chục mét, đoạn đường lại xuất hiện vũng nước đen kịt, bốc mùi thối nồng nặc. Những “bẫy” này - theo phản ảnh người dân nơi đây - đã khiến cảnh ngã xe, tai nạn diễn ra như cơm bữa.

Nằm cách đó chỉ chưa đầy 4 km, Bảo tàng Hà Nội tọa lạc trong khu đất Trung tâm Hội nghị quốc gia hiên ngang giữa đất trời bởi cấu trúc kim tự tháp ngược rất lạ mắt. Khởi công giữa 2008, siêu DA công lớn nhất của Hà Nội được bơm 2.300 tỉ đồng vốn đầu tư, khánh thành rất khớp với kế hoạch, vừa vặn kịp chào mừng thủ đô bước vào đại lễ nghìn năm. Nhưng dù thuê cả tư vấn, thiết kế nước ngoài, đổ cả nghìn tỉ đồng, hiện bảo tàng 4 tầng này mỗi ngày chỉ đón lèo tèo vài lượt khách. Cổ vật dự kiến trưng bày là 50.000 món nhưng khách tới mới thấy lác đác vài món như trống đồng, tranh ảnh. 

Với mức đầu tư “siêu khủng” trong thời kỳ thắt chặt chi tiêu công trên, mà hiệu quả sử dụng rơi vào loại siêu thấp, Bảo tàng Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc xếp vào danh sách DA điển hình nhất cho sự kém hiệu quả trong đầu tư công năm 2008.

Tại Quảng Ninh, nhiều DA công, nhất là lĩnh vực giao thông dù được “thông” thủ tục, vốn… nhưng hiện đang tắc tị. Đình đám nhất phải kể đến là DA cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 từ Mông Dương đi Móng Cái, với chiều dài tuyến là 124 km, tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 1.300  tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn khác.

Con đường được khởi công đầu năm 2008, sau 2 năm, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình thực hiện DA này từ khâu lập, thẩm định phê duyệt khảo sát, thiết kế, dự toán...

Đầu tháng 4.2011, qua khảo sát tại hơn 10 km đoạn Cửa Ông - Mông Dương, với tổng vốn đầu tư 174 tỉ đồng, chúng tôi nhận thấy tiến độ thi công rất chậm chạp. Dự kiến được hoàn thành giữa năm 2011, hiện đã là tháng 4 nhưng cả tuyến vẫn đang vô cùng nham nhở. Nhà thầu chỉ đạo thi công kiểu cóc gặm, đào chỗ này, xới chỗ kia, mỗi chỗ làm một chút, khiến con đường càng tan nát thêm.

Trong một lần đi thị sát vào trung tuần tháng 9.2010, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên phải thốt lên đây là “con đường xấu nhất Việt Nam” mà ông từng biết. Dù sau đó ông có yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu… đẩy nhanh tiến độ, nhưng cho tới nay tốc độ thi công vẫn chưa được cải thiện.

(Thanh niên)

  • Vừa là kinh tế, vừa là đạo lý
  • Tiếp vốn cho doanh nghiệp
  • Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam 2011
  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Cửa ngõ quốc tế miền Đông Nam Bộ
  • Để không còn phải “chữa cháy”
  • Không nên duy trì DNNN hoạt động công ích
  • Giữ CPI ở 9% cũng rất khó!
  • Kinh tế quý I tăng trưởng trong khó khăn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi