Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố bộ thủ tục hành chính - Ảnh: Anh Quân. |
Liên tục những buổi lễ nhấn nút công bố bộ thủ tục hành chính đã diễn ra trong giai đoạn nước rút giữa tháng Tám vừa qua.
Tính cho đến nay, đã có 24 bộ, ngành và 63 địa phương treo lên mạng, công khai với dân, với doanh nghiệp chức phận của mình.
Hoàn thành giai đoạn 1 Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước (gọi tắt là Đề án 30), thống kê lại vẫn còn khoảng 5,7 nghìn thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền trong cả nước. Nhưng, mới làm đến đây đã thấy “lộ diện” khoảng 1 nghìn thủ tục hành chính ban hành không đúng quy định, chồng chéo…, vẫn “vô tư” được áp dụng trong nhiều năm qua.
Hội nghị thường kỳ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ngày 8/10 đã dành toàn bộ thời gian cho việc “mổ xẻ” vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp lo lắng
Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc (Korcham) Hong Sun cũng là Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Phát triển HS cho biết, sau quyết định giao đất của tỉnh Hà Tây (cũ), Công ty của ông cũng cùng về với Hà Nội.
Cái may mắn chưa thấy đâu, nhưng mới đây, một quy định về giá đất và đền bù, giải phóng mặt bằng khiến công ty này gần như bế tắc trong triển khai dự án. “Tiền đền bù tăng lên 5-7 lần, khiến cho các doanh nghiệp chúng tôi rất lo lắng, chưa biết nên làm thế nào”, ông Hong Sun ca thán.
Tổng thư ký Hong Sun, có lẽ, còn hơn nhiều doanh nhân khác là được kêu ca, được phàn nàn với những người có trách nhiệm, có tiếng nói trước cơ quan hành pháp.
Hơn 900 dự án trên địa bàn Hà Nội, đã có quyết định thu hồi đất, đang triển khai giải phóng mặt bằng dang dở, liên quan đến hơn 192.000 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân… cũng đang trong tình trạng tương tự, nhưng chưa thấy có hướng nào để giải quyết.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cũng “gom” vào thành một kiến nghị, trình bày trước Hội nghị giao ban bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi tuần trước.
“Với Nghị định 69 (Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009, quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009), dự kiến ở Hà Nội sẽ chịu tác động rất mạnh, theo chiều hướng ngắn hạn là không thuận lợi lắm. Chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nghiệp sẽ tăng rất nhanh”, ông Tứ nói.
Trước đó, bồi thường cho 1m2 đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tây cũ chỉ có 84 nghìn đồng, nhưng nếu theo Nghị định 69 là 1 triệu đồng. Điều này ông Tứ, nguyên là Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tây cũ, biết rất rõ.
Nghĩa là nhà đầu tư muốn có 1ha đất trong khu công nghiệp, chi phí bồi thường phải mất 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể các chi phí khác như hỗ trợ chuyển nghề, tái định cư…, vị Phó giám đốc tính toán.
Lãng phí 20-30% chi phí xã hội
Một lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cho hay, Sở của ông phải làm tới 253 thủ tục hành chính, trong khi các sở khác chỉ 20-30, nhiều lắm là đến 50 thủ tục thôi.
“Vừa qua, chúng tôi đề nghị giảm đi được 41 thủ tục, còn lại 212, thì hiện nay vẫn còn nhiều và làm không xuể, đề nghị Bộ rút bớt đi. Nếu Bộ rút thì tỉnh mới rút được, Bộ không rút thì tỉnh không bao giờ rút được”, vị này nói.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đồng tình rằng hệ thống thủ tục hành chính của Việt Nam chưa đơn giản và hiệu quả. Ông nói: “So với các nước trong khu vực, hệ thống thủ tục của Việt nam phức tạp hơn nhiều”.
Và không chỉ “chiếm dụng” thời gian của dân, của doanh nghiệp, đã có những thiệt hại kinh tế có thể đo đếm được. Một thành viên khác của Korcham, ông Choi Hyung Joon cho biết thêm: “Không một nhà đầu tư nào có thể đưa ra được một câu trả lời chính xác về thời gian thông quan. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sản xuất”.
Còn đại diện của Pháp cho biết, một doanh nghiệp của nước này đã vào Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh từ 15 năm trước, và mặc dù rất yêu Việt nam, họ nhận ra rằng Maroc cạnh tranh hơn.
Con số mà Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) Alain Cany công bố có thể làm sửng sốt nhiều người: Việt Nam có thể bị mất từ 20-30% chi phí do hệ thống hành chính không hiệu quả.
“Nếu vấn đề này được giải quyết sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam”, ông Alain khuyến cáo.
Có vấn đề ở cấu trúc văn bản pháp luật?
Trên góc độ đại diện cho Korcham, ông Hong Sun phàn nàn rằng cấu trúc thuế đang áp dụng hiện nay không khuyến khích việc sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. “Nhập một chai nước có thể rẻ hơn nhập một cái vỏ chai”, Tổng thư ký Korcham nêu ví dụ.
Về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) Hiroaki Yashiro cho rằng, với các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, thông thường những nội dung quan trọng nhất sẽ được đưa vào luật, nghị định.
Thế nhưng, ở Việt Nam, những nội dung này thường nằm trong các thông tư hướng dẫn nhiều hơn. Đây quả là một trở ngại cho doanh nghiệp khi tiếp cận các quy định mới, ông Hiroaki Yashiro nói.
Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn cũng được vị Chủ tịch JBAV đại diện lên tiếng: “Chúng tôi mong muốn có một khung pháp lý và cách thức áp dụng luật minh bạch, hệ thống luật đầy dủ và phải được tôn trọng hơn”.
Chưa dừng lại ở giai đoạn 2
Việc cắt bỏ mạnh tay hơn 1 nghìn thủ tục hành chính trong giai đoạn 1 của Đề án 30 là bước đi đầu tiên của nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Ngô Hải Phan cho rằng, việc Chính phủ giao chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm tương ứng được 30% chi phí xã hội.
Ông Phan thông báo, hiện các thành viên trong Tổ công tác đang rà soát các thủ tục hành chính mang tính ưu tiên, ngày 30/10 tới đây sẽ có kết quả bước đầu. Trong tháng 12 sẽ có một gói kiến nghị ưu tiên đầu tiên trình Chính phủ. Nhóm cuối cùng vào tháng 5/2010.
Ngoài mục tiêu là khắc phục sự trồng chéo văn bản, việc thực thi pháp luật liên quan đến ban hành và triển khai văn bản, thủ tục hành chính sắp tới sẽ phải được đánh giá về tác động của chính sách thủ tục đó trên ba tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý và hợp pháp.
Đồng thời, vai trò giám sát của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được đề cao hơn, đặc biệt là giám sát quá trình văn bản đi vào đời sống, ông Phan nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, mục tiêu của Chính phủ, thể hiện trong Đề án 30 là xây dựng môi trường kinh doanh của Việt Nam cạnh tranh nhất trong khu vực.
“Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính sẽ không dừng lại sau giai đoạn 2 của Đề án này”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com