Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 2009 và những “yếu tố tiềm ẩn bất ổn”

 
Ủy ban Kinh tế nhận định, năm 2009, thị trường ngoại hối có biểu hiện căng thẳng về cung - cầu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá.

"Một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn" được Ủy ban Kinh tế Quốc hội xếp hàng đầu trong 8 hạn chế của nền kinh tế năm 2009.

3 trong tổng số 11 trang của báo cáo thẩm tra về phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch 2010 của ủy ban này được dành trọn để phân tích những hạn chế đã tích tụ cũng như mới phát sinh trong năm nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền, đây không chỉ là nhận định riêng của cơ quan thẩm tra mà còn  là kết quả tập hợp ý kiến từ nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ gây lãng phí nguồn ngân sách vốn đang rất hạn hẹp.

Nợ Chính phủ và rủi ro tài chính

Trước tình trạng bội chi ngân sách cao nhiều năm trở lại đây, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế lo ngại nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần thì trong vài năm tới, nợ chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo.

Năm 2008 nợ của Chính phủ khoảng 36,5% GDP thì năm 2009 ước lên đến 40% và năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP, chủ nhiệm Hiền dẫn con số cụ thể.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cảnh báo nguy cơ rủi ro an ninh tài chính quốc gia khi đánh giá dư nợ Chính phủ hiện nay đang ở mức cao. Chưa bao gồm khoản vay của địa phương và các khoản tạm ứng ngân sách luân chuyển qua các năm thì hiện nay con số dư nợ Chính phủ đã khoảng 44,6% GDP, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết.

Bên cạnh nỗi lo về nợ, Ủy ban Kinh tế đánh giá tăng trưởng tín dụng nhanh đã gây sức ép tăng lãi suất, dẫn đến hệ quả tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất. Đồng thời cũng làm cho việc phát hành trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn với 36/40 đợt phát hành không thành công.

Yếu tố tiềm ẩn bất ổn nữa được nêu ra  là cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 1,5 tỷ đô la, dự trữ ngoại hối giảm, thị trường ngoại hối có biểu hiện căng thẳng về cung cầu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá.

Chính sách “nới lỏng tài khóa” và “nới lỏng tiền tệ” được áp dụng trong năm 2009 có thể dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì các cân đối vĩ mô, Ủy ban Tài chính – Ngân sách dự báo.

Tăng trưởng giảm, ICOR tăng

Trong khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm chỉ còn khoảng 5,2% thì chỉ số ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) tăng lên trên 8 so với mức 6,6% của năm 2008, Ủy ban Kinh tế phân tích hạn chế thứ hai.

“Một thực tế là lượng tiền bơm vào nền kinh tế lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, làm cho hệ số ICOR của toàn bộ nền kinh tế tăng lên rõ rệt”, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá.

Điều này cùng với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát trong giai đoạn tới, Chủ nhiệm Hiển lưu ý.

Nằm trong phân tích về chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra hiện tượng bất thường diễn ra từ quý 2/2009. Đó là tình trạng thiếu lao động trầm trọng đối với những ngành nghề cần nhiều lao động như da giày, may mặc, chế biến thực phẩm xây dựng.

Trong thời điểm nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau suy giảm, theo Ủy ban Kinh tế, đây không chỉ là hiện tượng mất cân đối cục bộ của nền kinh tế mà bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ giữa chính sách kinh tế với chính sách đào tạo nguồn nhân lực đã kéo dài trong nhiều năm.

Và những hạn chế khác

Sáu hạn chế còn lại được cơ quan thẩm tra chỉ rõ là: giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung nhiều vào bất động sản; chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; kích thích kinh tế còn vướng mắc và thực hiện một số luật còn chậm.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế lo ngại với cơ cấu hơn 60% vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản sẽ không tạo ra nhiều việc làm, không đẩy mạnh được xuất khẩu.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đang được dự báo giảm 9,9% và số lao động được giải quyết việc làm chỉ là 1,51 triệu/1,7 triệu theo kế hoạch. Cùng với các chỉ tiêu tăng tuyển mới cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp cùng không đạt, đây là những chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển trong các năm sau.

Việc tổ chức thực hiện một số luật còn chậm, nhất là các hướng dẫn liên quan đến việc cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất...đã làm hạn chế hiệu quả của các luật đã ban hành,

Với năm 2010, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp, trong đó có việc bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng, cân bằng cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và duy trì nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn.

(Theo Nguyễn Lê // VnEconomy)

  • Bốn nhà thành hai, mạnh ai nấy làm ?
  • Nhà đầu tư khuyên Việt Nam nâng cao năng lực quản trị
  • DN CNTT Việt Nam: Nhiều nhưng chưa mạnh
  • GDP năm 2009 có thể tăng từ 5 - 5,2%
  • Việt Nam kêu gọi đối phó với khủng hoảng
  • 2010 Việt Nam còn 10 - 11% hộ nghèo: "Hoàn toàn khả thi"
  • Một mình không thể "diễn ba vai tuồng"
  • Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi