Nếu chúng ta đưa cụm CN về nông thôn nhiều quá thì diện tích nông nghiệp sẽ bị giảm đi, có thể dẫn đến ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. |
“Đây là một đề án rất khó và không hề đơn giản. Trước đây chúng ta cũng đã xây dựng một loạt Đề án như phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn, Đề án phát triển hóa chất lượng phục vụ nông thôn…nhưng thực tế những năm vừa qua, trong khâu triển khai thực hiện thấy vẫn còn rất nhiều vướng mắc” - ông Lê Dương Quang,Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận tại Hội thảo “Góp ý cho đề án phát triển các công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Chưa thực sự đi vào cuộc sống
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề án này chỉ mang tính nghiên cứu, chứ chưa thực sự mang tính thực tiễn và rất khó đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, Đề án chưa có các chuyên đề cụ thể cho từng ngành nghề, còn quá chung chung và mang nặng tính thống kê chứ chưa đưa ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho công nghiệp nông thôn. Từ chủ trương đi vào cuộc sống rất chậm và hết sức khó khăn, thông tin không đến được với bà con nông dân.“Để Đề án thành công thì thông tin tuyên truyền, hướng tiếp cận như thế nào là phải đưa lên hàng đầu, mà trong Đề án chưa thấy đề cập để nông thôn có thể tiếp cận được với chương trình này” - ông Sơn đề xuất.
Còn ông Phạm Ngọc Hải - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp thì cho rằng:"Các giải pháp đặt ra trong đề án này là chưa đủ mạnh. Để cho Đề án này đi vào cuộc sống thì cần phải có các giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ như vốn cần huy động như thế nào? Nhà nước hỗ trợ tỷ lệ phần trăm ra sao?. Ngoài ra, nếu đưa nhiều cụm công nghiệp về nông thôn thì diện tích nông nghiệp sẽ bị giảm đi, có thể dẫn đến ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu đặt ra là làm thế nào để tăng hiệu quả chất lượng và sản lượng nông nghiệp. Do đó, theo tôi đây cũng là một bài toán khó đặt ra với việc phát triển công nghiệp nông thôn".
Tránh hô khẩu hiệu
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung Đề án bao trùm lên tất cả các đề án hiện nay về nông nghiệp phát triển nông thôn, cho nên chưa khả thi, có nhiều cái đưa ra chưa có cơ sở như cơ chế về vốn, khoa học công nghệ, đất đai, chính sách thuế… Mặt khác, cần phải xem lại các chính sách đã đưa vào cuộc sống có tác dụng chưa, rồi sau mới đề xuất cái mới. “Nên nghiên cứu các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, còn nội dung trong đề án này quá dàn trải, không tập trung, đánh giá ngành chưa thực tế” - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, cần phải nêu rõ công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn bao gồm những ngành nào, tỷ trọng là bao nhiêu, sản phẩm công nghiệp nào là chủ yếu…để từ đó mới có dự báo và đặt ra mục tiêu cụ thể. Đề án này mới chỉ quan tâm đến định hướng cho phát triển các máy chế biến, trong khi đó lại chưa quan tâm tới các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho các khâu canh tác như máy kéo, máy cấy phục vụ cho lao động nặng nhọc mà thực tế nhu cầu lại rất đang cần.
Đại diện liên minh HTX cho rằng, Đề án chưa đánh giá đúng được thực trạng hoàn cảnh hiện nay của ngành cơ khí phục vụ cho công nghiệp nông thôn. Theo vị đại diện này, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp nông thôn trên phạm vi vùng, phạm vi tỉnh, thành phố. Đây là những giải pháp cụ thể để triển khai quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp nông thôn mà Đề án đã nêu ra. Nếu đề ra giải pháp mà không có cấp nào thực hiện thì giống như hô khẩu hiệu.
(Theo Gia Huy // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com