Cơ cấu giữa thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu dùng trong nước và thị trường đầu vào nhập khẩu chưa tạo thế chân vạc cho phát triển kinh tế.
Thị trường trong nước cần thêm cú hích từ chính sách phát triển các thị trường tổng thể -Ảnh: Đình Thanh |
Điểm mấu chốt là không chỉ thực tế, mà cả trên bình diện hoạch định chiến lược, thế chân vạc này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Trước hết, phải nhắc lại sự khập khiễng giữa thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Tuy tăng vượt trội 24,40%/năm so với 19,85%/năm của thị trường xuất khẩu trong 18 năm qua, nhưng nếu quy ra USD thì tốc độ tăng của thị trường trong nước chỉ còn 17,80%/năm. Như vậy, vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển của thị trường nội địa đang “lép vế” dần.
Mặt khác, cho dù xuất khẩu “quá tam ba bận” rơi tự do trong 18 năm đó, nhưng gần như ngay lập tức tăng vọt trở lại, thì thị trường trong nước đã qua tròn nửa thập kỷ nằm dưới “đáy chữ U”, từ năm 1997 đến năm 2001, khiến GDP giai đoạn này chỉ tăng tổng cộng 36,81%, trong khi 5 năm trước đó tăng kỷ lục 53,14%, còn 5 năm sau đó cũng tăng vượt trội 45,33%.
Trong khi đó, sự phát triển của thị trường đầu vào nhập khẩu trong suốt 18 năm qua tồn tại nhiều vấn đề. Theo số liệu thống kê, khi hai thị trường đầu ra tăng bình quân là 17,80%/năm (thị trường trong nước) và 19,85%/năm (thị trường xuất khẩu), thì thị trường nhập khẩu đã vượt ngưỡng 20%/năm (20,64%/năm) trong 18 năm qua.
Bức tranh khá rõ là nhập siêu, “bệnh mãn tính” của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây, đã ở mức nguy hiểm. Bởi lẽ, tuy giảm mạnh so với ba năm nhập siêu ở “thời hoàng kim” giữa thập kỷ trước (43,69% - 53,58%), nhưng tỷ lệ nhập siêu hai năm vừa qua vẫn “ngấp nghé” ngưỡng 30% (28,76% - 29,08%).
Không những vậy, so với “rổ GDP” còn rất khiêm tốn của nước ta, tỷ lệ nhập siêu đã nhảy từ khoảng 10,87% - 15,74% trong ba năm 1994 - 1996 lên khoảng 19,86% - 20,43% trong hai năm vừa qua.
Rõ ràng, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước ngày càng dựa trên nền tảng nhập khẩu. Nhận định này đáng tiếc lại khá tương thích với việc hoạch định chiến lược các thị trường này của nước ta trong gần hai thập kỷ qua.
Đó là, sau 5 năm khởi động, Việt Nam bước vào thập kỷ đổi mới đầu tiên với Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, với mục tiêu chiến lược thị trường duy nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, đạt tổng kim ngạch 37-45 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước gần như bị bỏ lửng. Kết quả là, xuất khẩu trong thập kỷ này tăng khá ngoạn mục là 19,65%/năm, nhập khẩu đạt tới con số khổng lồ 85,041 tỷ USD, thị trường bán lẻ trong nước giảm kỷ lục, từ 75,52% năm 1991 xuống chỉ còn khoảng 9,70% vào năm 2000.
Bước vào nửa cuối thập kỷ này, trước thực tế “phú quý giật lùi” quá nhanh của thị trường trong nước, Nghị quyết số 12 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã ra đời. Cùng với đó, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 lần đầu tiên khẳng định “phát triển mạnh thương mại, mở rộng thị trường trong nước” song cùng mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu. Cho tới thời điểm này, có hai Đề án phát triển thị trường trong nước được Chính phủ thông qua vào năm 2003 và năm 2007.
Trên “mặt trận” xuất khẩu, Chiến lược Phát triển xuất nhập khẩu 2000-2010 cũng được ban hành. Tiếp đó, Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 đã đưa ra mục tiêu mới, 72,547 tỷ USD thay vì 54,594 tỷ USD vào năm 2010 khi khả năng về đích sớm hiện rõ.
Tuy nhiên, nhìn vào Đề án này, phát triển thị trường nhập khẩu lại bị “buông xuôi”. Ngay ở cái tên, các vấn đề cốt lõi trong nhập khẩu như cơ cấu hàng hoá, cơ cấu thị trường có vẻ đã “biến mất”. Những bất cập trong việc phát triển các thị trường đang được tìm lời giải và việc "tái khởi động" chương trình kích cầu thị trường nông thôn hiện nay cần được đặt trong tổng thể đó.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com