Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 42 điểm nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là các dự án chống sạt lở vốn đã khá “khiêm tốn” về số lượng, lại “án binh bất động”. Nguy cơ vườn tược, nhà dân… bị cuốn xuống sông là điều khó tránh khỏi khi mùa mưa đến.
Hiểm nguy rình rập
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông làm nhiều vườn tược, nhà cửa của người dân bị cuốn trôi. Lần theo danh mục 42 điểm được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn TPHCM như: khu vực cầu Giồng Ông Tố (quận 2), khu vực rạch Bà Chiêm đến cầu Phước Kiển (xã Nhơn Đức - Nhà Bè), khu vực cầu Phước Long về hạ lưu đến qua ngã ba Rạch Tôm (Nhà Bè)… vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi nhận thấy dọc hai bên bờ sông xuất hiện nhiều hàm ếch khoét sâu vào bờ.
Nguy hiểm nhất là khu vực cầu Giồng Ông Tố (quận 2), dọc hai bên bờ sông có đến hàng trăm nhà dân sinh sống, trong đó có một số phần sau nhà nằm nhô ra giữa lòng sông nhưng lại không có hệ thống bờ kè, chưa kể dòng nước luôn chảy xiết.
Hiện nay, tại những khu vực này, các phương tiện giao thông thủy loại lớn vẫn ra vào thường xuyên, tạo sóng lớn đánh dạt gây hư hại bờ và cây bảo vệ bờ làm cho hệ thống bờ, bao bị xói mòn sâu. Chưa kể hoạt động kinh doanh khai thác cát trái phép trên sông vẫn diễn ra thường xuyên, càng làm tăng nguy cơ sạt lở tại các khu vực như bến đò Long Đại, khu vực cầu Phước Long về hạ lưu đến qua ngã ba Rạch Tôm (Nhà Bè)…
Dù nguy cơ cao nhưng các biện pháp chủ yếu để phòng chống sạt lở bờ sông cũng chỉ dừng lại ở các phương pháp thủ công, như nạo vét các tuyến kênh mương, gia cố bờ đê, bờ bao bằng cách đóng cừ dừa… Trong khi đó, các biện pháp có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở bờ sông như: giải tỏa tình trạng nhà dân xây dựng trái phép lấn tuyến sông, kênh, rạch và khai thác cát… lại chưa được các cấp chính quyền quan tâm.
Theo ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông, hiện nay, số lượng vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông cao trên địa bàn thành phố rất nhiều. Do đó, rất khó để xây dựng bờ kè chống sạt cho tất cả các vị trí này, bởi lẽ các vị trí có nguy cơ sạt lở thường xuyên thay đổi.
Lại thêm biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu nên xuất hiện trường hợp chống ở chỗ này, sạt lở chỗ khác. Việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên sông, kênh rạch cũng như xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép… chưa được các địa phương quan tâm.
“Đã nhiều lần trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện các hành vi trên và thông báo cho địa phương xử lý nhưng tình hình vẫn không chuyển biến, nhất là các trường hợp xây dựng lấn chiếm nhà trên sông, kênh rạch” - ông Trí nhấn mạnh.
Nhà bị sạt lở tại Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Chờ mặt bằng hay vốn?
Hiện số lượng công trình, dự án chống sạt lở bờ sông của TP khá khiêm tốn. Từ đầu năm 2010 đến nay, TPHCM chỉ mới triển khai được thêm 2 dự án xây kè chống sạt lở bờ sông Rạch Tôm (khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu và khu vực Trường THCS Lê Văn Lương cơ sở 2, huyện Nhà Bè).
Còn 11 dự án chống sạt lở trên địa bàn TP được Sở GTVT phê duyệt quyết định đầu tư như dự án chống sạt lở bờ sông cầu Long Kiển, dự án chống sạt lở bờ sông khu dân cư xã Phước Kiển, dự án chống sạt lở bờ sông xã Nhơn Đức… vẫn nằm trong tình cảnh “án binh bất động”.
Ngay dự án cấp bách chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa được khởi động từ năm 2007 nhưng đến nay cũng chỉ mới thực hiện đoạn 1.1 (từ chân cầu Kinh đến doanh trại quân đội thuộc P25); đoạn 1.3 chỉ mới giải tỏa xong mặt bằng và phải đến đầu quý IV năm nay mới khởi công. Riêng đoạn 1.2 và 1.4 chỉ mới dừng lại ở công tác khảo sát đo vẽ lập bản đồ hiện trạng.
Ông Trần Văn Giàu - Phó Giám đốc Khu Đường sông, Sở GTVT TPHCM cho biết, đến nay mọi hồ sơ thiết kế của 11 dự án chống sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, do các địa phương chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thể triển khai khởi công dự án. “Nếu có mặt bằng thi công, dự kiến trong vòng 12 tháng sau khi khởi công các dự án này sẽ hoàn thành” - ông Giàu cam kết.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo SGGP về tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa, ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho rằng, sau khi các dự án chống sạt lở được phê duyệt, quận đã tiến hành công việc đo vẽ, xác minh hiện trạng, hướng dẫn các hộ dân thực hiện kê khai và cung cấp hồ sơ pháp lý về nhà, đất, tài sản để phục vụ việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 2 dự án trên.
Đồng thời, đơn vị tư vấn thẩm định giá cũng đã hoàn thành việc khảo sát lập chứng thư về đơn giá bồi thường đất ở và báo cáo cho hội đồng bồi thường GPMB để thẩm định và trình UBND TP phê duyệt ghi vốn. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này lại chưa được thành phố ghi vốn nên không thể tiến hành bồi thường giải tỏa cho người dân để GPMB.
Với những vướng mắc trên, xem ra các dự án chống sạt lở trên địa bàn TPHCM sẽ còn tiếp tục bị chậm trễ. Điều này đồng nghĩa với việc người dân thành phố phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào.
(Theo ĐÌNH LÝ // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com