Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao chưa có kẻ ở, người đi?

Phối cảnh dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) của Formosa. Dự án này đang bị chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra hàng loạt kiến nghị về ưu đãi đầu tư. Ảnh: Tư liệu.

Đã 16 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp phép các dự án thép thông thường, rút giấy chứng nhận đầu tư các dự án chậm tiến độ, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào bị buộc phải dừng lại. Trong khi đó, nhiều dự án lớn đang trong quá trình chuẩn bị, chủ đầu tư lại liên tiếp đòi hỏi thêm ưu đãi. Tại sao lại có chuyện đó?

Chậm triển khai nhưng lại xin ưu đãi nhiều

Việt Nam hiện có 7/65 dự án thép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng công suất đăng ký từ vài triệu đến hơn chục triệu tấn/năm. Theo Bộ Công Thương, ba dự án trong số đó dù có trong quy hoạch nhưng khó có khả năng tiếp tục triển khai là Nhà máy liên hợp Thép Hà Tĩnh của tập đoàn Tata liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam (VN Steel) và Tổng công ty Xi măng; dự án khu liên hợp Cà Ná (Ninh Thuận) của Vinashin liên doanh với tập đoàn Lion (Malaysia); và dự án nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, dự án khu liên hợp Cà Ná bị chậm do cả hai bên đều gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là Vinashin. Dự án liên hợp thép Hà Tĩnh sau hai năm vẫn chưa có giấy chứng nhận đầu tư và tập đoàn Tata đang trình lại hồ sơ dự án theo hướng thu hẹp quy mô.

Còn dự án nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa-Vũng Tàu thì Essar (Ấn Độ) đã rút lui, nhượng lại dự án cho VN Steel. Việc kêu gọi đối tác khác vào liên doanh của VN Steel hiện cũng rất khó vì đối tác ra điều kiện phải được làm tổng thầu EPC của dự án để bán toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu.

Đối với các dự án đang triển khai, mọi việc cũng không suôn sẻ. Chẳng hạn sau một tháng có giấy chứng nhận đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) hồi năm 2008, tập đoàn Formosa đã khởi công xây dựng và mới đây xin tăng vốn lên 24 tỉ đô la Mỹ. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã giao cho Formosa gần 1.400 héc ta đất, 1.293 héc ta mặt biển nhưng đến nay tập đoàn này vẫn chưa chính thức vào cuộc.

Tuy vậy, gần đây Formosa đã gửi văn bản đến rất nhiều bộ, ngành của Việt Nam, đưa ra hàng loạt kiến nghị về ưu đãi đầu tư. Mười một kiến nghị về thuế, vốn vay ngân hàng, ưu đãi xuất nhập khẩu thiết bị... mà tập đoàn này đưa ra hầu hết đều vượt khuôn khổ các quy định hiện hành.

Chẳng hạn, Formosa kiến nghị “cho phép dự án không phải áp dụng quy định hạn mức tín dụng ngân hàng nước ngoài”, tức nhà đầu tư được phép vay vượt 15% hạn mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng (con) của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Hoặc như dự án thép của Guang Lian ở Dung Quất - một dự án đã bốn lần thay đổi chủ và vốn đầu tư, tính từ năm 2006 đến nay, mà vẫn không có chuyển biến gì đáng kể. Mới đây, Guang Lian còn đề nghị Chính phủ tăng công suất dự án từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm, tăng diện tích đất, điều chỉnh tiến độ và nâng số vốn đầu tư từ 3 tỉ đô la lên 4,5 tỉ đô la Mỹ/năm.

Những lý do đằng sau

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nơi thường có những kiến nghị rất mạnh mẽ với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến dự án thép, đã không bình luận gì về các đòi hỏi của Formosa.

Tuy nhiên, VSA lại phản ứng rất mạnh về dự án nhà máy thép ở Dung Quất của Guang Lian. VSA cho rằng Guang Lian chỉ xin điều chỉnh để giữ đất, giữ dự án mà không rõ ý đồ triển khai xây dựng.

Sự chậm trễ của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dù hình thức, lý do khác nhau nhưng có một điểm chung: những gì họ đã làm được là quá ít so với cam kết để nhận được ưu đãi đầu tư. Như ở dự án của Guang Lian, đã bốn lần “mua đi - bán lại” giữa các đối tác Đài Loan và Trung Quốc.

UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong văn bản giải trình mới đây gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, có nói rằng Guang Lian kiên trì theo đuổi dự án nhưng trên thực tế, Guang Lian chỉ mới tham gia dự án trong vòng hai năm trở lại đây.

Một chuyên gia ngành thép nói rằng sở dĩ UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra nhiều lý do để bảo vệ nhà đầu tư, thay vì rút giấy phép do chậm trễ do đây là dự án lớn và đầu tư rất sớm ở Quảng Ngãi. Nếu dự án rút đi, uy tín của tỉnh cũng như tình hình thu hút vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tỉnh cũng khó trả lời hàng ngàn hộ dân đã bị di dời để lấy mặt bằng cho dự án trong suốt bốn năm qua.

Còn ở dự án của Formosa, với tổng vốn đăng ký mới đề nghị được tăng lên 24 tỉ đô la, dự kiến sẽ có 7,9 tỉ đô la dành cho luyện thép. Và nguồn nguyên liệu cho dự án sẽ được nhập khẩu qua cảng nước sâu Sơn Dương. Đó là lý do giải thích vì sao Formosa không yêu cầu nguồn nguyên liệu từ mỏ quặng sắt Thạch Khê, vốn nằm rất gần dự án, trong khi các nhà đầu tư khác rất quan tâm đến nguồn quặng này.

Những người hiểu chuyện cho biết, Formosa là tập đoàn chuyên về hóa chất nên việc xin đầu tư dự án thép chủ yếu là nhắm đến khai thác cảng nước sâu quốc tế Sơn Dương, một vị trí trung chuyển huyết mạch trên con đường hàng hải từ Nam ra Bắc và đi các quốc gia Đông Nam Á.

Chính Formosa cũng nhắc đến điều này trong văn bản xin ưu đãi: “Cảng Sơn Dương nằm giữa tuyến vận tải biển quốc tế khu vực Đông Nam Á, có vị trí thuận lợi giữa khu vực châu Á và thế giới, quy hoạch xây dựng cảng nước sâu quốc tế có thể thúc đẩy sự phát triển các quốc gia Đông Nam Á và ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á khác”.

Sự quyết tâm của Formosa để được đầu tư, kinh doanh cảng nước sâu và dự án thép cũng là lý do khiến tập đoàn Tata (Ấn Độ) dù được chính phủ hai nước ủng hộ, đã gặp không ít khó khăn khi muốn đầu tư dự án nhà máy thép liên hợp trên địa bàn Hà Tĩnh - nơi có hai dự án thép rất lớn.

Tata kiên trì theo đuổi dự án, bất chấp khó khăn khi chưa nhận được giấy chứng nhận đầu tư, phải điều chỉnh hồ sơ dự án theo hướng thu hẹp. Nhiều ý kiến trong ngành nhận định, sở dĩ Tata kiên nhẫn với dự án nói trên là để mong thu được lợi nhuận từ phần vốn đầu tư 30% vào Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, doanh nghiệp nắm quyền quản lý, khai thác mỏ quặng có trữ lượng ước tính hơn 400 triệu tấn, lớn nhất Việt Nam.

(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nâng cao chất lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng
  • Đến năm 2020, cần đào tạo 2.400 kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân
  • Chậm triển khai các dự án chống sạt lở: Dân lãnh đủ
  • Nâng tầm nhìn, hiểu thời cuộc để nhận diện đúng nguy cơ
  • Tăng tiêu chí thẩm tra dự án
  • Kinh tế đang hồi phục và tăng tốc
  • Tập đoàn nhà nước làm gì?
  • BMI dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi