Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cao chất lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng

Mặc dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng việc làm vẫn thiếu, đó là bất cập cần có giải pháp tháo gỡ để phát triển thị trường lao động Việt Nam.

Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ chỉ có26,55% - Ảnh: SGGP

Theo các chuyên gia, mặc dù, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2000 đến nay, song hệ số co dãn việc làm chỉ đạt mức trung bình 0,28, tức khi GDP tăng thêm 1% thì việc làm chỉ tăng 0,28%.

Đây là con số khá thấp so với các nước trong khu vực.

 Không thể phát triển bằng nguồn nhân công tay nghề thấp

Tại hội nghị "Đề án phát triển thị trường lao động năm 2011-2019" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/8, ông Nguyễn Bá Ngọc, Viện phó Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) nhìn nhận, hệ số co dãn việc làm thấp chứng tỏ tăng trưởng cao nhưng chưa tạo ra nhiều việc làm và lợi ích cho người lao động.

Ông cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam rất thấp, dao dộng khoảng 2% trong các năm gần đây. Tuy vậy tình trạng thiếu việc làm lại diễn ra phổ biến, nhất là ở nông thôn, chiếm đến 97%.

Tình trạng đó, theo Biểu đồ về năng suất lao động của một số nước khu vực Đông Á, được Tiến sĩ Christian H.M. Ketels, Nghiên cứu viên trưởng của Học viện Chiến lược và Cạnh tranh Harvard, công bố tại hội thảo bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2010, phần báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010 đã đi đến kết luận: năng suất lao động của Việt Nam thấp cơ bản do nền kinh tế chủ yếu phát triển dựa vào nguồn nhân công giá rẻ nhưng có tay nghề thấp.

Còn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định, mặc dù đã bước đầu vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng để phục hồi được bền vững, Việt Nam cần tập trung hướng các chính sách trung hạn vào phát triển toàn diện để tận dụng tối đa lực lượng lao động đang tăng trưởng và đầy năng động của mình.

Theo báo cáo do ILSSA thực hiện, lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng khoảng 1,5%/năm (tương đương với khoảng 738.000 lao động/năm) trong giai đoạn 2010 - 2015.

“Việt Nam đang chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quan trọng mà Chính phủ đang quan tâm là các chính sách đầu tư và phát triển, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Chuyển dịch lao động chưa theo kịp cơ cấu kinh tế

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực trạng hiện nay của thị trường lao động trong nước là lao động phân bố không đồng đều, bất hợp lý, lực lượng lao động tập trung phần lớn ở nông thôn, chiếm 73,5% lực lượng lao động trong cả nước.

Trong số lao động có việc làm thì 70% làm việc không ổn định, dễ bị tổn thương, dễ rơi vào hoàn cảnh nghèo đói.

Lao động làm việc trong các khu vực cũng có sự chênh lệch lớn: 4 triệu người kiếm được việc làm tại khu vực nhà nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1,67 triệu người, trong khi ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tới 40 triệu người.

Chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất nhưng khối kinh tế ngoài nhà nước chỉ đóng góp 47% GDP và 35% giá trị sản lượng công nghiệp. Trong khi đó, khối khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với số lượng lao động ít ỏi lại đóng góp gần 19% GDP và gần 45% giá trị sản lượng công nghiệp.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) cho biết, sự phát triển, phân bố không đồng đều nói trên khiến  thị trường lao động rơi vào tình trạng thừa mà thiếu. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, không chỉ là lao động qua đào tạo mà còn khó tuyển cả lao động phổ thông.Theo báo cáo của các địa phương, tình trạng lao động không có việc làm vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu tuyển dụng hiện nay rất lớn.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực TP.HCM, cho rằng sự chuyển dịch cơ cấu lao động hiện cũng chưa theo kịp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Số liệu điều tra đến hết năm 2008 cho thấy vẫn có đến 52,5% lao động làm trong khu vực nông nghiệp, cụ thể là khoảng 23,6 triệu lao động, nơi có hiệu quả làm việc và năng suất thấp. Trong khi đó, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp chỉ là 20,83%, trong các ngành dịch vụ là 26,55%.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Ngọc, Viện phó ILSSA cho rằng cần phải lưu ý là ở nước ta có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động, điều này chứng tỏ cơ chế đào tạo hiện nay chưa xem xét đến nhu cầu. Hệ thống giáo dục cũng chưa theo kịp với trình độ phát triển kinh tế, do đó, lao động được đào tạo, ra trường không tìm được việc làm, lao động chất lượng cao luôn trong tình trạng thiếu hụt.

(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)

  • Đến năm 2020, cần đào tạo 2.400 kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân
  • Chậm triển khai các dự án chống sạt lở: Dân lãnh đủ
  • Nâng tầm nhìn, hiểu thời cuộc để nhận diện đúng nguy cơ
  • Tăng tiêu chí thẩm tra dự án
  • Kinh tế đang hồi phục và tăng tốc
  • Tập đoàn nhà nước làm gì?
  • BMI dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6%
  • Các dự án bãi đậu xe ngầm ở TP.HCM: Cơ hội bỏ lỡ quá lâu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi