Quá phụ thuộc vào đầu tư và tín dụng, mô hình tăng trưởng do xuất khẩu không đạt được như ý muốn… khiến kinh tế Việt Nam cuối năm 2010 và đầu năm 2011 có thể đối mặt với lạm phát, đe dọa tăng trưởng.
“Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010 có thể nói là khốc liệt trong tháng 11 và tháng 12, vì chính sách tài khóa hiện nay”, ông Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế dự án Star - Việt Nam, phát biểu tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, triển vọng năm 2011”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ngày 21/9.
Nhập siêu gia tăng
Chính sách tài khóa của Ngân hàng Nhà nước đang hướng vào tăng trưởng tín dụng, tăng cung ứng tiền, để tăng tín dụng lên 25%. Vì thế, sự thăng bằng của tỷ giá cũng bị mất. Mặt khác, việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu Chính phủ với lãi suất 10%, trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung thêm tiền đã làm tiền tệ hóa thất thu ngân sách. “Vòng xoáy này đang đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Tôi dám chắc lạm phát tháng 9 sẽ là 0,8% và từ giờ đến cuối năm sẽ không dưới mức 0,85%”, ông Chí nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (ĐH Haverd), cũng đồng tình: “Nền kinh tế càng ngày càng nghiện đầu tư và tín dụng. Phải xem lại chỉ tiêu đầu tư công so với GDP hiện nay để tính lại chính sách”.
“Nghiện” đầu tư, như nhìn nhận của tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng kinh tế Việt Nam, khiến GPD tăng, giảm theo đầu tư. Căn cứ số liệu vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP từ năm 2004 đến 2009, tiến sĩ Giang cho rằng: “Tăng trưởng trong thời gian dài dựa quá mức vào đầu tư, dẫn đến đầu tư vượt quá tiết kiệm của nền kinh tế, làm thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai. Mô hình tăng trưởng này duy trì quá lâu, sẽ tạo ra thâm hụt kép”. Đáng chú ý là nhập siêu gia tăng. 8 tháng qua, xuất khẩu đạt 43,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lên tới 52 tỷ USD. Điều này làm khả năng tài trợ cho thâm hụt từ hoạt động xuất khẩu là rất thấp. Nhưng “mỗi khi muốn tăng xuất khẩu thì chúng ta lại phải tăng nhập khẩu. Bởi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nguyên liệu hoặc chế biến thô”.
Tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế
Về giải pháp để kinh tế tăng trưởng bền vững, nhiều đại biểu cho rằng, có “những việc cần làm ngay” và một số sẽ từ từ tháo gỡ. Ông Trương Đình Tuyển đưa ra bốn việc cần làm từ này đến đầu năm 2011. Đầu tiên là thu hẹp khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư, nên giảm bớt xuống dưới 6,5%. Tiếp theo, kéo lạm phát xuống dưới 7% một năm; tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn. Tăng thu nhập cho nông dân đồng nghĩa với tiết kiệm. Việc cần kíp thứ tư là cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng nghiên cứu quản lý trung ương, đưa ra giải pháp: Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô năm 2011 phải cắt giảm đầu tư ngân sách, giảm áp lực nợ tín dụng, giảm nợ vãng lai… và đặc biệt thay đổi tư duy quản trị.
Không quá lạc quan vào việc sẽ giảm nhập siêu, tiến sĩ Giang đưa ra giải pháp giảm đầu tư vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ràng buộc ngân sách cứng đối với khu vực này. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ phải tạo cơ chế tỉ giá hối đoái linh hoạt, chỉnh đốn lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Với việc tăng hàm lượng công nghệ và tái cấu trúc nền kinh tế toàn diện, để tăng khả năng cạnh tranh.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com