Đồng Nai hiện đang thiếu lao động, đặc biệt lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật (Trong ảnh: sản xuất xe máy tại Cty VMEP) |
Thiếu lao động – thiếu việc làm dù người đi tìm việc vẫn rất nhiều và không ít DN tìm lao động nhưng hai bên cung cầu chưa gặp nhau là một thực tế tồn tại từ lâu tại một tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp như Đồng Nai.
Hóa giải điều này thế nào và làm gì để DN và người lao động có thể gặp nhau là phép tính không đơn giản mà có lẽ điều cần thiết nhất là chủ động kết nối giữa DN và cơ sở đào tạo lao động.
Thiếu và yếu
Lao động hiện nay đang thiếu, đặc biệt lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật chuyên sâu đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi tuyển dụng. Đó là nhận xét của đại diện nhiều DN tại các phiên giao dịch việc làm tại Đồng Nai được tổ chức vào ngày 10 hàng tháng. Ngay tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực” do Sở LĐ-TB-XH phối hợp Chi nhánh VCCI tổ chức vừa qua, các DN cũng tiếp tục nêu lên nhiều bất cập trong tuyển dụng lao động hiện nay.
Trong khi hàng năm vẫn có lực lượng lớn sinh viên, học sinh nghề ra trường nhưng việc tìm kiếm để tuyển dụng được một đội ngũ nhân sự vững tay nghề, đáp ứng ngay yêu cầu công việc mà không phải đào tạo lại với DN so ra vẫn còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Theo ông Đặng Vũ Anh - phụ trách bộ phận hành chính – nhân sự Cty Mabuchi Motor VN, hàng năm Cty chỉ có nhu cầu khoảng trên 120 lao động khối trình độ trung cấp nghề trở lên. Thế nhưng tìm đỏ mắt mà không thể nào đáp ứng. Hiện nay, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30% lao động của toàn Cty. Đa số người lao động khi được Cty nhận vào làm cũng đều phải trải qua khóa đào tạo lại mới thích ứng được yêu cầu công việc.
Còn ông Ngô Hoàng Hồ - Tổng vụ Cty NOK – Cty 100% vốn của Nhật cho biết: Là Cty chuyên sản xuất các loại thiết bị có mức độ chính xác cao và sử dụng nhiều thiết bị máy móc hiện đại vì thế nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của Cty lên tới trên 500 người, đặc biệt là lao động bậc 3/7 nhưng thực chất việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do người lao động không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đầu vào về chuyên môn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Cty phải tự tuyển dụng và đào tạo trong thời gian 3 tháng nhưng hiệu quả không cao do chi phí đào tạo lớn, người lao động hay nghỉ giữa chừng. Theo ông, mỗi đợt Cty phải tuyển cả trăm người nhưng qua khóa đào tạo thì cũng chỉ còn khoảng 10 – 15 người bám trụ lại được.
Ông Hoàng Hồ cho rằng: Hạn chế lớn nhất của người lao động, lực lượng sinh viên mới ra trường hiện nay là thiếu định hướng nghề nghiệp. Cụ thể là học xong nhưng không biết mình sẽ làm gì, lĩnh vực nào... Trình độ, kỹ năng nghề yếu, ít kinh nghiệm thực tế hoặc công việc thực hành không sát nhu cầu thực tế của DN, khó thích ứng với các loại máy móc hiện đại và còn lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Đặc biệt, các kỹ năng mềm như: ý thức tác phong công nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ, sử dụng phần mềm vi tính cơ bản, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm... hoàn toàn không có. Ông Đặng Vũ Anh cho biết thêm: Cũng vì yếu ngoại ngữ không điều khiển được máy móc, tác phong làm việc chưa cao nên Cty ông đã phải từ chối nhiều lao động kĩ thuật là sinh viên đại học dù họ khá cứng về mặt lý thuyết.
Cần chủ động kết nối
Sở Lao động Thương binh - Xã hội Đồng Nai cho biết: Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động và người tìm việc tại sàn giao dịch việc làm đang giảm mạnh. Ngày 10/8, sàn giao dịch việc làm lần thứ 6/2010 của tỉnh Đồng Nai chỉ có 20 DN đăng ký tham dự với nhu cầu tuyển dụng gần 1.700 lao động, trong đó có hơn 80% lao động phổ thông, số còn lại là lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, khi kết thúc phiên giao dịch, chỉ có hơn 1.400 người lao động đến tham gia trực tiếp trên sàn giao dịch và hơn 2.100 người tham gia trực tuyến trên trang web và các DN chỉ tiếp nhận được 281 hồ sơ cần tuyển dụng.
Tính chung cả 6 sàn giao dịch vừa qua, có 170 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển khoảng gần 13.000 lao động, nhưng cũng chỉ tuyển dụng được khoảng một nửa, kém xa nhu cầu thực tế. Thực tế này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng đến nay các DN trên địa bàn Đồng Nai vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng, trong khi đó, người lao động có nhu cầu vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp.
Giải thích về tình trạng kéo dài nói trên, ông Lâm Duy Tín - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Đồng Nai cho rằng: Mấu chốt của vấn đề vẫn là thu nhập do các DN đưa ra quá thấp, không hấp dẫn người lao động, nên nhiều người có xu hướng muốn tìm nghề tự do hoặc trở về quê mưu sinh. Bên cạnh đó, trình độ của người lao động chưa phù hợp với yêu cầu của DN cũng là một nguyên nhân khá phổ biến.
Bà Thùy Trang - Thư ký Chi hội thương mại Đài Loan Đồng Nai cho rằng, các cơ sở đào tạo nên nắm bắt nhu cầu thực tế của DN về ngành nghề cần đào tạo để tập trung đào tạo lao động kỹ thuật có chuyên môn phù hợp bám sát với nhu cầu thực tế DN. Song song đó, DN cũng cần hợp tác cung cấp thông tin về nhu cầu lao động cho các trường đồng thời tạo kênh thông tin hai chiều để chủ động trong cả việc đào tạo và tuyển dụng, phối hợp tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực hành nhà máy nhiều hơn. Điều này sẽ giúp sinh viên có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với máy móc hiện đại và trao đổi với chuyên gia, kỹ sư nhiều kinh nghiệm đang làm việc - bà Trang nhấn mạnh.
Mặt khác, phải làm tốt định hướng nghề cho sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường, đào tạo chuyên sâu vào từng lĩnh vực và chủ động kết nối DN với nhà trường, các DN cũng cần có sự quan tâm và hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, tạo cơ hội gặp gỡ chia sẻ giữa sinh viên với nhà tuyển dụng, có như vậy mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Cty chúng tôi luôn mở rộng cửa đón chào sinh viên thực tập nếu các trường có nhu cầu - ông Vũ Anh bày tỏ.
Dự báo, nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm với khoảng 35.000 người. Tuy nhiên, làm thế nào để 35.000 công việc này thực sự là cơ hội cho người lao động và tìm được “chủ nhân” phù hợp là điều mà các DN đang rất trăn trở.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com