Bắp biến đổi gen trồng khảo cứu tại Viện di truyền nông nghiệp. Ảnh:Ngọc Hùng |
Từ năm 2011, Việt Nam sẽ bắt đầu trồng bắp biến đổi gen đại trà trên cả nước. Đó là kết luận của ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm đồng ruộng các giống bắp (ngô) biến đổi gen tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 14-9.
Theo ông Bổng, đối với cây trồng biến đổi gen, cụ thể là bắp biến đổi gen so với các nước trong khu vực Việt Nam đã đi trước một bước chuẩn bị phù hợp khi đã hoàn thành bước khảo nghiệm trong ngắn hạn và chuẩn bị đưa vào khảo nghiệm dài hạn trong năm 2011.
Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm khảo cứu các loại giống bắp biến đổi gen theo chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành nông nghiệp thế giới đã có hơn 16 năm sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen với gần 126 triệu héc ta trồng cây biến đổi gen. Vì vậy cây trồng biến đổi gen là công nghệ an toàn để làm thực phẩm lẫn thức ăn chăn nuôi.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm nước ta sản xuất từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu tấn bắp, trong khi nhu cầu tiêu thụ hằng năm trên 1,5 triệu tấn. Do đó, nếu ứng dụng các giống bắp biến đổi gen sẽ giúp Việt Nam không phải nhập khẩu quá nhiều bắp để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như thời gian qua.
Cũng theo ông Bổng, sau cây bắp, sẽ là bông vải và đậu nành biến đổi gen được chấp nhận và sản xuất đại trà. Thời điểm cho hai loại cây trồng này có thể trong thời điểm 2013 – 2014.
Hiện trên thế giới, bắp, bông, đậu tương là 3 loại cây trồng biến đổi gen được trồng nhiều nhất với gần 126 triệu héc ta. Trong đó, đậu tương với diện tích khoảng 69 triệu héc ta chiếm gần 77% tổng diện tích, cây bông biến đổi gen là 16 triệu héc ta, chiếm 49% tổng diện tích, còn diện tích trồng bắp biến đổi gen gần 41 triệu héc ta, chiếm 26% tổng diện tích.
Việt Nam có 7 giống bắp đang được Viện Di truyền nông nghiệp khảo nghiệm trước khi cho phép trồng đại trà vào năm 2011 là giống bắp MON 89034, NK603, giống MON 89034 lai với giống NK603, giống TC1507, bắp biến đổi gen Bt11, bắp biến đổi gen GA21 và giống bắp biến đổi gen Bt11 với GA21. Kết quả khảo nghiệm trên 7 giống bắp biến đổi gen cho thấy, với các giống biến đổi gen kháng sâu bọ cánh vảy, kháng sâu đục thân châu Á, dù không phun thuốc bảo vệ thực vật, cây bắp vẫn không bị nhiễm các bệnh trên. Với các giống bắp kháng thuốc trừ cỏ, tuy phun thuốc diệt cỏ nhưng bắp không bị ảnh hưởng (cỏ chết bắp sống). Với giống bắp có các tính năng kháng thuốc trừ cỏ, chống bọ cánh vảy, sâu đục thân châu Á, cây phát triển tốt, miễn nhiễm với hai loại côn trùng hại này và phun thuốc trừ cỏ vẫn không bị ảnh hưởng. |
(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com