Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đã đến lúc Việt Nam cần có chỉ số lạm phát cơ bản?

Việc giá cả biến động lớn trong thời gian gần đây lại dấy lên nhu cầu cấp thiết của chỉ tiêu lạm phát cơ bản.

Lạm phát cơ bản là gì?

Ổn định giá trị đồng nội tệ, kiểm soát lạm phát là một mục tiêu mà bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng hướng tới. Một trong những thước đo để đánh giá hiệu quả của các chính sách tiền tệ đã đưa ra để thực hiện mục tiêu trên và là công cụ dự báo lạm phát trong thời gian tớ là chỉ tiêu lạm phát cơ bản (Core inflation).

Đến nay, chưa có một định nghĩa thống nhất, chính thức về lạm phát cơ bản song có thể hiểu lạm phát cơ bản là chỉ số đo lường sự thay đổi mức giá chung mang tính chất lâu dài, loại bỏ những thay đổi mang tính chất tạm thời trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI).  Nói cách khác, lạm phát cơ bản đo lường được các tác động hay áp lực lâu dài, ổn định của cầu đến sự biến động của giá cả.  
 
Lạm phát cơ bản loại bỏ những biến động tạm thời hay các cú sốc về giá của một số mặt hàng trong chỉ số phản ánh mức độ lạm phát chung, thông thường được đo lường bằng CPI. Các cú sốc này có thể xuất phát từ bên cung (như biến động của giá dầu hoặc giá lương thực) và cũng có thể là các cú sốc bên cầu (tâm lý e ngại khi dịch cúm gia cầm xảy ra...).

Khi các cú sốc này xảy ra sẽ khiến cho tỷ lệ lạm phát (CPI chung) biến động tạm thời và sẽ ổn định trở lại ngay sau đó khi cú sốc qua đi. Việc phân biệt rõ yếu tố cơ bản, dài hạn và yếu tố tạm thời của lạm phát giúp cho các nhà hoạch định chính sách xác định được yếu tố dài hạn, xu hướng lạm phát hiện hành và trong tương lai để từ đó có thể đề ra được các chính sách tiền tệ đúng đắn phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.

Vì vậy, lạm phát cơ bản là thông tin đầu vào quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của nhiều nước.

Một số phương pháp tính lạm phát cơ bản

Để tính lạm phát cơ bản, ở một số nước đã sử dụng một số phương pháp khác nhau như:

Phương pháp loại trừ trực tiếp


Phương pháp loại trừ trực tiếp là phương pháp đo lường lạm phát trong đó loại bỏ một số cấu phần được xem là không ổn định trong rổ hàng hóa tiêu dùng. Theo đó, gán quyền số bằng 0 cho các cấu phần có giá biến động mạnh để loại bỏ các cấu phần này ra khỏi rổ hàng hoá tiêu dùng và tính toán lại cơ cấu quyền số cho các cấu phần còn lại, là những cấu phần có giá tương đối ổn định, ít chịu tác động của các cú sốc. Việc loại bỏ được thực hiện trên cơ sở phân tích và nhận biết về sự biến động giá của các cấu phần.

Thông thường, người ta xem xét lựa chọn cấu phần để loại trừ trên cơ sở định tính hoặc định lượng:

Định tính: Tính không ổn định của giá các cấu phần được xác định dựa trên kinh nghiệm và đặc tính của từng cấu phần, thường là những cấu phần có giá dễ bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan và các cú sốc về bên cung. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, các cấu phần được loại bỏ thường là thực phẩm hoặc thực phẩm tươi sống và năng lượng. Việc xác định này phần nhiều mang tính chủ quan.

Định lượng: Tính không ổn định của các cấu phần được xác định dựa trên số liệu quá khứ về diễn biến giá cả của nó thông qua phương sai, độ lệch chuẩn của chuỗi số liệu chi tiết giá. Cách tiếp cận này có ưu điểm là có căn cứ rõ ràng và ít chủ quan hơn so với việc xác định cấu phần biến động theo kinh nghiệm.

Việc loại bỏ cấu phần nào ra khỏi rổ hàng hóa tính toán phụ thuộc vào điều kiện cụ thể từng giai đoạn phát triển của từng nước. Một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xác định việc loại trừ này đã phù hợp chưa là thông qua các kiểm định về mối tương quan, tính nhân quả và khả năng dự báo giữa lạm phát cơ bản và lạm phát chung.

Phương pháp trung bình lược bỏ   

Ý tưởng cơ bản để đo lường lạm phát cơ bản theo phương pháp này là loại trừ tác động tạm thời của các cú sốc riêng lẻ tới giá cả của một số cấu phần hoặc toàn bộ các cấu phần trong rổ hàng hóa tiêu dùng đi ngược với xu hướng diễn biến giá chung. Ưu điểm chính của phương pháp này là phương pháp điều chỉnh hoàn toàn mang tính hệ thống, nghĩa là không cần đến sự đánh giá chủ quan trong quá trình tính toán.  

Trung bình lược bỏ không cân xứng

Trong trường hợp mức thay đổi giá phân phối không chuẩn, tương tự như thước đo giá trị phần trăm, có thể thực hiện tính các thước đo trung bình lược bỏ không cân xứng để khắc phục tính thiên lệch của các thước đo trung bình lược bỏ cân xứng.  

Mục đích của việc lược bỏ không cân xứng là để điều chỉnh phân phối giá cả về phân bố chuẩn. Sử dụng kiểm định phân bố chuẩn Jarque-Bera đối với phân phối giá cả sau khi đã lược bỏ làm cơ sở để lựa chọn mức lược bỏ thích hợp. Tổng phần trăm lược bỏ và mức lược bỏ ở mỗi đầu phân phối được xem xét quyết định trên cơ sở phân tích số liệu CPI của từng quốc gia trong mỗi thời kỳ.

Phương pháp nghịch đảo độ biến động

Nghịch đảo độ biến động là một phương pháp đo lường lạm phát cơ bản bằng cách thay đổi quyền số của các cấu phần trong rổ hàng hoá tiêu dùng trên cơ sở nghịch đảo độ biến động giá của các cấu phần đó.

Theo đó, các cấu phần có giá biến động mạnh sẽ được gán quyền số nhỏ hơn và ngược lại. Điều này sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của các cú sốc đến lạm phát do những cấu phần có giá biến động mạnh, nhạy cảm với các cú sốc đã được gán quyền số nhỏ hơn, trong khi các cấu phần có giá ổn định sẽ có quyền số cao hơn và được coi là thành phần chính của lạm phát cơ bản.

Các quốc gia trên thế giới tính toán và sử dụng lạm phát cơ bản trong với các phương pháp khác nhau phù hợp với đặc điểm số liệu và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều áp dụng các phương pháp loại trừ trực tiếp, trung bình lược bỏ và nghịch đảo quyền số để đo lường lạm phát cơ bản.


 
Thước đo lạm phát cơ bản theo phương pháp loại trừ trực tiếp của một số quốc gia.

Đã đến lúc cần có chỉ số lạm phát cơ bản?

Một vấn đề cũng rất quan trọng khi đo lường lạm phát cơ bản là lựa chọn thước đo tốt nhất trong tất cả các thước đo đã được xây dựng. Tiêu chí để đánh giá các thước đo phụ thuộc và đặc điểm kinh tế, thứ tự ưu tiên của các mục tiêu trong chính sách tiền tệ của từng quốc gia.  

Các thước đo lạm phát cơ bản thường được xây dựng trên cơ sở mẫu số liệu CPI trong quá khứ. Do đó, kết quả đánh giá các thước đo và đề xuất lựa chọn thước đo chính thức có thể phù hợp trong một giai đoạn nhất định và không loại trừ khả năng có một thước đo không còn phù hợp với diễn biễn lạm phát trong giai đoạn khác.

Do đó, việc xem xét lại các thước đo lạm phát cơ bản theo định kỳ là cần thiết, nhất là khi có những sự kiện đột biến phát sinh như khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, tài chính...

Tuy nhiên, trong giới học thuật còn nhiều quan điểm đối lập về việc lạm phát cơ bản. Theo một số ý kiến này, việc loại bỏ một số thành phần ra khỏi tính toán lạm phát chung không loại bỏ được các tác động của chúng đến hàng hóa khác (ảnh hưởng lan tỏa) và việc loại bỏ này vi phạm một số nguyên tắc thống kê. Hoặc ý kiến khác về tính ổn định lâu dài của lạm phát chung bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách tài khóa.... do đó lạm phát cơ bản chưa phản ánh được tính ổn định lâu dài của lạm phát.

Dù còn nhiều ý kiến như vậy nhưng theo quan điểm của IMF, WorldBank thì cho đến nay lạm phát cơ bản phù hợp là thước đo tốt nhất cho việc xác định ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ đến lạm phát. Trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương các nước tính toán và sử dụng lạm phát cơ bản là công cụ trong quản lý điều hành, đặc biệt ở các nước theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Thái Lan.

Ở Việt Nam, lạm phát cơ bản cũng đã được nghiên cứu tính toán từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có các công bố chính thức từ các cơ quan phụ trách. Qua một số nghiên cứu cá nhân gần đây có xuất hiện số liệu này nhưng không rõ nó được tính theo phương pháp nào (một số tính toán đơn giản là loại thẳng nhóm lương thực - thực phẩm ra khỏi rổ hàng hóa tính toán CPI).

Việc giá cả biến động lớn trong thời gian gần đây lại dấy lên nhu cầu cấp thiết của chỉ tiêu này từ các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, lạm phát thông thường  (headline inflation) vẫn rất quan trọng đối với người dân vì nó phản ánh mức tăng giá thực tế mà một người dân bình thường phải chịu.

(NDHMoney)

  • Cắt giảm tín dụng với ai và thực hiện như thế nào?
  • Điểm sáng trong nền kinh tế
  • Xoay xở với bài toán vật giá leo thang
  • Chăn nuôi, nghề cá: Giá tăng, sản xuất khó chồng khó
  • Nông nghiệp Việt Nam - Cơ hội đặt ra trước thách thức : Khẳng định lợi thế
  • Thử thách cho khu vực kinh tế tư nhân
  • Những doanh nhân Việt Nam học tập theo con đường của Trung Quốc
  • Phá rừng dưới 'vỏ' xóa nhà tạm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi