Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để không còn phải “chữa cháy”

Quang cảnh thi công nâng cấp quốc lộ 51. Ảnh: Lê Toàn.

Theo kế hoạch, đến đầu tháng 4-2011, Chính phủ sẽ gút xong danh sách các dự án đầu tư công bị cắt bỏ, đình hoãn hoặc giãn tiến độ. Đó là những dự án được coi là kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết.

Đến cuối tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sẽ hoàn tất rà soát và điều chỉnh việc phân bổ kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, từ đó kiến nghị Thủ tướng xử lý các trường hợp đầu tư kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết, nhằm phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát. Chắc chắn rằng, sẽ có một số dự án bị loại ra khỏi kế hoạch đầu tư trong năm nay. Nhưng điều xã hội đang kỳ vọng vào đợt tổng rà soát này, là xóa bỏ hẳn tình trạng đổ vốn nhà nước vào những dự án kém hiệu quả, e là khó mà đạt được.

Hiện cả nước có trên 32.000 dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đang được thực hiện. Vì vậy, cho dù Bộ KH-ĐT có tổ chức tới 10 đoàn công tác, nhưng với thời gian kiểm tra, rà soát chỉ vỏn vẹn hơn hai tuần, thì khó mà làm rõ hiệu quả của số dự án khổng lồ kể trên, nếu không nói là không thể. Nhất là khi trước đó, tất cả các dự án đều đã được cơ quan nhà nước thẩm định và xác nhận có hiệu quả !

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng nếu đợt rà soát này dẫn đến kết quả tạm thời đình hoãn, giãn tiến độ một số dự án, rồi sau đó một thời gian lại tiếp tục thực hiện như những gì đã xảy ra hồi năm 2008, thì sẽ không giải quyết được tận gốc nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo ông, việc đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước, phải dựa vào những tiêu chí rất cụ thể. Đây là nội dung không thể thiếu, nhưng đáng tiếc là nó lại không được xác định rõ ràng trong văn bản hướng dẫn của Bộ KH-ĐT về thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ.

Trong công văn số 1070 gửi các bộ, UBND các tỉnh thành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ KH-ĐT đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc không bố trí vốn nhà nước cho các dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, các dự án khởi công mới… Còn việc đánh giá hiệu quả thì chỉ nói chung chung, như phải “phân tích làm rõ hiệu quả của các công trình dự án đầu tư”, xác định năng lực tăng thêm từ việc triển khai các công trình, dự án sử dụng vốn nhà nước. Hơn nữa, việc đánh giá hiệu quả lại giao cho chính chủ đầu tư, là các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước, thực hiện. Cách làm này sẽ không có được sự đánh giá khách quan. Vì lẽ thường, chẳng ai chịu thừa nhận mình đã ra quyết định đầu tư cho một dự án kém hiệu quả.

Theo kế hoạch, đến đầu tháng 4-2011, Chính phủ sẽ gút xong danh sách các dự án đầu tư công bị cắt bỏ, đình hoãn hoặc giãn tiến độ. Đó là những dự án được coi là kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết. Vấn đề đặt ra là tại sao những dự án kém hiệu quả, chưa cần thiết, lại được các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết định cho đầu tư, để rồi Chính phủ lại phải đi rà soát và loại bỏ. Và nếu nền kinh tế không rơi vào lạm phát, thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định đầu tư những dự án kém hiệu quả đó?

Rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư công kém hiệu quả là rất cần thiết, nhưng đó chỉ là xử lý phần ngọn, trong khi cần phải giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng trên. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở rà soát để điều chỉnh và cắt giảm những dự án hiện có thì chưa đủ, mà phải có bước cải cách mạnh mẽ trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư.

Theo Bộ KH-ĐT, mức độ lệ thuộc vào vốn đầu tư để tăng trưởng của Việt Nam ngày càng tăng trong 20 năm qua. Trong giai đoạn 1991-1995, vốn chỉ đóng góp 29,8% vào tăng trưởng GDP, nhưng đến giai đoạn 2001-2005 đã tăng lên tới 60%. Số liệu trên cho thấy hiệu quả sử dụng vốn giảm rất nhanh. Điều đáng quan tâm là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư lại giảm tỷ lệ thuận với tiến trình phân cấp đầu tư của Chính phủ. Từ đó có thể thấy, việc phân cấp đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã không đi kèm với một cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Tất nhiên, phân cấp là rất cần thiết để tránh tắc nghẽn. Nhưng phân cấp trong khi cơ chế thẩm định hiệu quả đầu tư không thay đổi, thậm chí bị buông lỏng, đã để lại tác hại khôn lường mà nền kinh tế đang phải gánh chịu. Hiện nay, việc thẩm định đầu tư dự án sử dụng ngân sách hầu hết do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận, và mang ý nghĩa như một thủ tục hành chính cần phải có hơn là thực chất. Đó là chưa kể sự dễ dãi, xuê xoa để đôi bên cùng có lợi. Riêng với doanh nghiệp nhà nước, việc thẩm định gần như do doanh nghiệp tự quyết định, trừ những dự án có quy mô tầm cỡ quốc gia. Những quyết định đầu tư được ban hành, dựa vào kết quả thẩm định mang tính hành chính như vậy, thì tránh sao khỏi kém hiệu quả.

Để có thể đánh giá hiệu quả đầu tư của một dự án một cách khách quan, trung thực, cần có cơ chế để các tổ chức tư vấn độc lập tham gia. Đương nhiên, các tổ chức này phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ của mình. Còn với cơ quan hành chính nhà nước, tốt nhất là không làm nhiệm vụ thẩm định, mà chỉ nên đóng vai trò phản biện đối với kết quả của tư vấn đưa ra.

Sự thay đổi này có thể là chưa đủ để giải quyết vấn đề hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nhưng ít ra nó cũng giúp ngăn chặn bớt tình trạng sử dụng ngân sách vô tội vạ vào những dự án kém hiệu quả.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Không nên duy trì DNNN hoạt động công ích
  • Giữ CPI ở 9% cũng rất khó!
  • Kinh tế quý I tăng trưởng trong khó khăn
  • Bất ổn kinh tế: Việt Nam và cú sốc từ hội nhập
  • Môi trường kinh doanh Việt Nam tiến thêm 10 bậc
  • CPI 7% bất khả thi?
  • Dự án công nghệ cao tiếp tục vào Việt Nam
  • Bình ổn giá: Cơ hội mở rộng thị phần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi