“Sẽ hoàn thành nếu…” là mệnh đề quen thuộc của hầu hết các dự án giao thông phải hoàn thành để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại thời điểm 14 tháng trước ngày Đại lễ.
Nhà thầu Sumitomo đang gấp rút thi công một hạng mục cầu cạn thuộc Dự án đường vành đai III (Ảnh: Hoài Nam) |
“Hoàn thành” hay chỉ “khởi công” chào mừng?
10 dự án hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư dự kiến gắn biển công trình chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được chia làm 2 loại: công trình hoàn thành và công trình khởi công chào mừng. Trong đó, 7 công trình phải hoàn thành trước ngày 10/10/2010 gồm: Dự án xây dựng cầu Thanh Trì; Dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội (giai đoạn 1);
Dự án xây dựng đường vành đai III (giai đoạn 2); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Nam Thăng Long – Diễn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Diễn – Nhổn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Nhổn – Sơn Tây; Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc. Nhóm 3 công trình trọng điểm dự kiến khởi công vào dịp 1.000 năm Thăng Long đều có quy mô vốn rất lớn gồm: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu, Dự án đường nối cầu Nhật Tân – Nhà ga T2 Nội Bài, Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Hà Đông.
Với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 50.000 tỷ đồng, những dự án hạ tầng giao thông nói trên không chỉ mang ý nghĩa chính trị lớn, mà còn tạo nên một diện mạo giao thông mới cho Thủ đô Hà Nội trước và sau Đại lễ.
Được biết, trong số 3 dự án dự kiến được khởi công để chào mừng Đại lễ, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư lên tới 13.626 tỷ đồng từng được xếp vào nhóm công trình hoàn thành.
Nhưng những vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đẩy Dự án có quyết định đầu tư được phê duyệt từ cuối năm 2006, hiện vẫn đang phải loay hoay tìm nhà thầu xây lắp chuyển sang hạng “chào mừng”. Đây là một điều hết sức đáng tiếc, bởi cầu Nhật Tân với kết cấu cầu dây văng 2 mặt phẳng dây rất đặc biệt, hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn kiến trúc, một biểu tượng mới cho Thủ đô đúng vào dịp 1.000 năm tuổi. Trong khi đó, Dự án xây dựng đường vành đai III (giai đoạn 2) tuy được xếp vào nhóm công trình hoàn thành, nhưng phải tới tận năm 2012 mới có thể đưa vào sử dụng.
“Với độ trễ thường thấy tại các dự án giao thông, rất có thể trong thời gian tới, Dự án này sẽ lại được Bộ chủ quản đẩy về nhóm công trình khởi công chào mừng. Việc chia 10 dự án thành 2 nhóm như vậy vô hình trung đã mang lại một lối thoát quá đẹp cho các chủ đầu tư, trong trường hợp không theo kịp tiến độ đã đăng ký”, một chuyên gia của ngành giao thông đưa ra bình luận như vậy.
Tiến độ căng như dây đàn
“Đối với nhóm dự án phải hoàn thành, ngoại trừ Dự án xây dựng đường vành đai III giai đoạn 1 và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Nhổn – Sơn Tây, tất cả các dự án giao thông phải hoàn thành để chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đều rất căng về tiến độ”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng GTVT cho biết. Cũng cần phải nói thêm rằng, Dự án xây dựng đường vành đai III (giai đoạn 1) và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Nhổn – Sơn Tây tuy có thể hoàn thành trước ngày 31/12/2009, nhưng so với hợp đồng gốc thì đây đều là những dự án có tiến độ “siêu chậm”, trong đó, Dự án đường vành đai III (giai đoạn 1) lẽ ra phải hoàn thành để “chào mừng” và phục vụ cho SEA Games 22 năm 2003.
Được biết, theo tiến độ “chốt” mà Bộ GTVT đăng ký với Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long, Dự án cầu Thanh Trì (bao gồm cả việc xây dựng cầu Phù Đổng và cầu cạn Pháp Vân) sẽ hoàn thành đúng vào ngày 10/10/2010; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Diễn – Nhổn sẽ hoàn thành vào quý II/2010; Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc hoàn thành vào cuối tháng 9/2010. Điều đáng lo ngại nhất chính là, các dự án này gần như không còn quỹ thời gian dự phòng cho những rủi ro trong quá trình thi công. Trong khi đó, mệnh đề “sẽ hoàn thành nếu có đủ mặt bằng” luôn xuất hiện ở hầu hết cam kết tiến độ của các dự án giao thông phải hoàn thành!
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, 6/7 dự án phải hoàn thành đều đang có “vấn đề” về GPMB, trong đó nặng nhất là Dự án đường vành đai III (giai đoạn 1), khi còn tới 281 hộ dân ở nút giao Mai Dịch và Thanh Xuân chưa chịu di dời; Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc vướng toàn bộ công địa tại nút giao Hòa Lạc, các nhánh cầu vượt và 2 nhánh rẽ phía Hà Nội lên Quốc lộ 21A.
Theo các chuyên gia, việc triển khai các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội bị “neo” vào GPMB, yếu tố không thể định lượng về thời gian cho thấy, nguy cơ “lụt ” tiến độ là rất lớn. “Nếu UBND TP. Hà Nội tiếp tục chậm trễ triển khai công tác GPMB cho các dự án, chủ đầu tư không thể về đích đúng dịp 10/10/2010, đồng thời kinh phí xây dựng sẽ tăng lên đáng kể, khi nguy cơ giá VLXD tăng trở lại đang dần hiển hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com