Từ 1.200 đến 1.500 USD, thậm chí lên tới 1.800 USD – 2.000 USD là suất đầu tư xây dựng một kW được các đối tác cung cấp thiết bị nước ngoài đề xuất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi muốn hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện than mà PVN được giao nhiệm vụ.
Thực tế này đang khiến cho giá bán lẻ điện hiện nay bị “đe dọa xô ngã” để lập nên những mốc giá mới, chắc chắn sẽ cao hơn rất rất nhiều lần so với lộ trình thị trường hóa ngành điện.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho hay, chỉ tính riêng nhu cầu vốn của ngành điện tại Quy hoạch Tổng sơ đồ 6 là 80 tỷ USD trong 20 năm. Có nghĩa là, trung bình mỗi năm cần phải đầu tư 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không tha thiết đầu tư vào ngành điện vì giá không hấp dẫn. “Mức giá 4,5 – 6 cent/kWh không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn bán điện với giá phải từ 8 - 10 cent/kWh. Như vậy, nếu không tạo được mặt bằng giá điện hợp lý, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành điện sẽ rất khó khăn, trong khi doanh nghiệp trong nước không đủ lực để đầu tư”, ông Ngãi nhận xét.
Trên thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng xin trả lại Chính phủ 13 dự án điện bởi lý do thiếu tiền, hay gần đây nhất là xin lùi thời hạn đạt mục tiêu tổn thất điện năng xuống 8% vào năm 2010 sang thành sau năm 2012, cũng bởi không có vốn.
Dĩ nhiên là các cơ quan hữu trách rất thấu hiểu thực tế này, bởi trong vòng 5 năm trở lại đây, không có thêm dự án điện nào của các nhà đầu tư nước ngoài được khởi công. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư (nước ngoài cùng nguồn vốn tư nhân trong nước) vào ngành điện cùng với giá điện cao như mong muốn của các nhà đầu tư là từ 8 -10 cent/kWh, sẽ là một thách thức không nhỏ.
Tất nhiên, mức đầu tư xấp xỉ 500 triệu USD cho 720 MW điện khí như dự án BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 đã đi vào khai thác từ năm 2005, hay mức 860 triệu USD cho 1.500 MW của Nhà máy Điện Cà Mau do PVN đầu tư đi vào khai thác năm 2008 là không thể có trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao như năm 2008. Nhưng để chấp nhận suất đầu tư tới 1.500 USD- 2.000 USD cho mỗi kW, có thể thấy giá bán điện sẽ bị đội lên khủng khiếp.
Nếu tính giá bán điện của các nhà đầu tư nước ngoài lên lưới truyền tải quốc gia là 8 - 10 cent/kWh như họ mong muốn, thì giá điện bán tới tay người dân và các hộ sản xuất sau khi có chí phí truyền tải, chi phí phân phối sẽ không dưới 2.000 đồng/kWh. So với mức giá bán lẻ điện bình quân của năm 2009 là khoảng 950 đồng và năm 2010 mức giá điện cũng khó thể vượt khung thêm 10% - 15% nữa, có thể thấy, chấp nhận thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện, đồng nghĩa với chấp nhận giá cao là không hề đơn giản, Cần phải nói thêm rằng, tăng giá điện vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm đối với nền kinh tế và người dân.
Bằng chứng là, giá điện dù đã được phê duyệt mức tăng cụ thể cách đây khoảng 3 năm, nhưng Chính phủ cuối cùng lại cho dừng thực hiện, hoặc giá điện mới áp dụng từ ngày 1/3/2009 lẽ ra đã phải tăng theo lộ trình là vào tháng 7/2008 trước đó. Đó là chưa kể, sau khi áp dụng giá điện năm 2009, Chính phủ đã phải yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc xem xét việc giảm giá điện cho một số đối tượng sản xuất để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, hệ thống điện đang được vận hành với mục tiêu “an toàn” chứ không phải là “tốt nhất”. “Hiện nay, người dân vẫn được đảm bảo điện tốt và giá cũng không cao. Vì vậy, việc chuyển đổi ngành năng lượng từ bao cấp sang thị trường cần thận trọng, thay vì mạnh ai nấy làm để sớm có thị trường. Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận rằng, cơ chế thị trường chưa chắc đã có tạo ra giá điện rẻ. Nếu không có bước đi bài bản và thận trọng, việc chuyển sang cơ chế thị trường, lại tạo cơ hội để các nhà sản xuất điện liên kết với nhau tăng giá và hậu quả là người dân và doanh nghiệp hứng chịu, nhất là khi cung về nguồn điện không dư dả so với cầu”, ông Hường nói.
Chính vì những lý do đó, đầu tư các dự án nguồn điện vẫn được Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đảm nhiệm với tỷ lệ chi phối.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com