Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giảm ùn tắc giao thông: Cần giải pháp tổng thể

Một số giải pháp gây được sự chú ý của các nhà quản lý, khoa học và cán bộ thực thi pháp luật là “phân luồng, phân tuyến”, “đánh mạnh vào túi tiền” để nâng cao ý thức và hạn chế việc gia tăng phương tiện cá nhân nhanh như hiện nay.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông - Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn”, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội và các nhà khoa học.

Phân luồng, thu phí và nâng cao ý thức...

Ùn tắc là một trong những mảng tối đậm nét của bức tranh giao thông thời gian qua, thể hiện qua các con số như năm 2009, cả nước xảy ra 252 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, tăng 111 vụ (78,7%) so với năm 2008. Trong đó, Hà Nội xảy ra 101 vụ, TP. HCM có 78 vụ.

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, trong 50 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài trên 1 giờ xảy ra trên cả nước thì 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM chiếm gần nửa (24 vụ).

Tại hội thảo, các đại biểu đều chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ùn tắc như quỹ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp, quy hoạch giao thông đô thị , tổ chức giao thông bất hợp lý, phương tiện cá nhân phát triển tùy tiện, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, quản lý đường bộ phân tán...

Một trong những giải pháp gây được sự chú ý của nhiều đại biểu tham dự hội thảo là đề nghị “phân luồng, phân tuyến” đối với các loại phương tiện giao thông và giải pháp “đánh mạnh vào túi tiền” để nâng cao ý thức và hạn chế việc gia tăng phương tiện cá nhân nhanh như hiện nay.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị hiện nay phải giải quyết cho được sự hỗn loạn của giao thông hỗn hợp đa phương tiện hiện nay.

PGS Doãn Minh Tâm đề xuất tổ chức phân làn, phân tuyến trên cơ sở quy hoạch tổng thể về giao thông trên toàn bộ mạng lưới các tuyến đường giao thông.

Cụ thể, mạng lưới đường đô thị sẽ phân ra 4 luồng xe chính tương ứng với 4 sơ đồ. Đó là các tuyến đường ưu tiên dành cho xe ôtô, các tuyến đường dành cho xe hai bánh từ 7h đến 18h hàng ngày, các tuyến đường hỗn hợp cho xe ôtô và xe hai bánh sử dụng chung và tuyến phố tản bộ, cấm tất cả các lọai xe.

“Giải pháp phân tuyến, phân luồng xe dành riêng cho xe 4 bánh, xe 2 bánh cùng tồn  tại song song với các tuyến đường dành cho dòng xe hỗn hợp thực sự là giải pháp mang tính đột phá và khả thi cao khi đang tổ chức phân luồng trên cầu Thăng Long hiện nay đã xóa bỏ được dòng xe hỗn hợp trên đường”, ông Tâm nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT Hà Nội nhận định, đặc điểm lớn nhất của giao thông đô thị nước ta là “giao thông hỗn hợp” mà xe máy chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, việc hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển giao thông công cộng là hết sức cần thiết.

Ông Cậy cũng cho rằng, giải quyết ùn tắc là quá trình lâu dài, chỉ khi nào cơ sở hạ tầng đáp ứng được lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông thì mới giải quyết được vấn đề.

“Việc làm hiệu quả nhất hiện nay là giáo dục ý thức của người tham gia giao thông sẽ giảm được ùn tắc giao thông”, ông Cậy quả quyết.

Đề ra giải pháp “đánh vào túi tiền” để hạn chế ùn tắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường lại đề xuất “thu phí đường vào giờ cao điểm” và “tăng cao chi phí đỗ xe”, nhằm “giảm nghẽn” xuống mức thấp nhất và tăng phí đỗ xe với tất cả các xe vào khu vực đỗ trong giờ cao điểm.

“Bịt” ngã tư là không hội nhập thế giới

Cần giải pháp tổng thể cho vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố

Việc thành phố Hà Nội đã “quyết” việc “bịt” nhiều ngã tư lớn, sau đó lại cho tháo dỡ để giảm ùn tắc giao thông đã gặp phải sự phản ứng của không ít các nhà khoa học tham dự hội thảo.

Nhận xét về giải pháp “bịt” các ngã tư của TP. Hà Nội vừa qua, GS. Lâm Quang Cường (Đại học Xây dựng Hà Nội), PGS. Doãn Minh Tâm đều cho rằng đây việc làm “cực chẳng đã” và rõ ràng là không hiệu quả khi người đi bộ không thể qua đường và không có tín hiệu để qua đường, đường phố không đủ rộng để xe quay đầu, gây lộn xộn tại các điểm quay đầu gần nút giao thông.

PGS. Bùi Xuân Cậy cho rằng, việc ngăn một số nút, bỏ đèn tín hiệu, các xe quay theo quy luật nút hình xuyến dẹt chỉ hiệu quả khi nút giao thông giữa đường chính với đường phụ, khi khoảng cách các nút quá gần nhau và dải phân cách giữa đủ lớn.

“Phải khẳng định rằng, điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu thể hiện văn minh trong tổ chức giao thông đô thị, quy luật đi rõ ràng, giảm xung đột, an toàn cho người đi bộ qua đường. Vì vậy, việc bỏ đèn ở các nút giao thông chính là không đúng, không hội nhập với thế giới văn minh. Mấy mươi năm qua, tuyên truyền để người dân đi theo luật “xanh đi, đỏ dừng”, bây giờ tới nút “không đèn” ai cũng cố lách qua”, ông Cậy bày tỏ quan điểm.

Vẫn theo ông Cậy, nội đô Hà Nội càng ùn tắc thêm khi mà các chung cư cũ được tháo dỡ để xây dựng chung cư cao tầng, khiến mật đô dân cư càng cao hơn. Do đó, khi lưu lượng xe vượt quá khả năng chịu tải của hạ tầng giao thông thì chống ùn tắc chỗ này lại phát sinh ùn tắc chỗ khác.

Tuy nhiên, cũng tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cùng các quan chức trực tiếp tham mưu về vấn đề này đã không lên tiếng “phản hồi” về các ý kiến này của các nhà khoa học.

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

  • “Nghèo trên đống vàng”
  • Phát triển hạ tầng để Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung bứt phá
  • Việt Nam & chiến lược xây dựng hai nền kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào hàm lượng công nghệ cao
  • Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
  • 6 tháng đầu năm 2010: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều khả quan
  • 80% tỉnh, thành phố có cơ sở y học hạt nhân, xạ trị vào năm 2020
  • Xử lý căn cơ chất thải nguy hại - đến bao giờ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi