Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển hạ tầng để Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung bứt phá

Để hiện thực hóa cơ hội bứt phá, Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung cần nỗ lực vượt qua nhiều thách thức lớn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị chính quyền các địa phương cần bám sát và đưa vào cuộc sống các chính sách, cơ chế mà Chính phủ đã dành cho - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 26/6, tại Quảng Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào 5 địa phương “đầu tàu” miền Trung là Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ  tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, vùng KTTĐ miền Trung bao gồm 5 địa phương nói trên đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ, được nhắc tới như một động lực phát triển mới của khu vực cũng như trong cả nước.

“Hội nghị là cơ hội quý giá để các nhà quản lý và giới đầu tư gặp gỡ, trao đổi, đưa ra những giải pháp thúc đẩy, đánh thức nhiều tiềm năng đầu tư hấp dẫn của miền Trung”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các địa phương trong Vùng tận dụng những cơ hội, phát huy lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Cụ thể, cần đưa vào cuộc sống các chính sách, cơ chế mà Chính phủ đã dành cho Vùng, coi việc tập trung đầu tư hạ tầng, năng lượng là đột phá bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề, cần quan tâm và cùng các nhà đầu tư tính toán, xử lý các tác động mới của môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu.

Cơ hội bứt phá mạnh mẽ

Hội nghị đã thu hút đông đảo giới doanh nghiệp trong và ngoài nước - Ảnh: Chinhphu.vn

Các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận đang có rất nhiều cơ hội đầu tư cho Vùng KTTĐ nằm gọn trong vùng phát triển, ảnh hưởng của các dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng Mekong.

Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nhiều đô thị lớn trung tâm, tạo thành chuỗi đô thị ven biển: Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Vạn Tường - Quảng Ngãi - Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa các ưu thế phát triển về dịch vụ cảng nước sâu, trung chuyển quốc tế, thủy sản… với các quy hoạch đang được lập sẽ giúp mở rộng không gian kinh tế, giao thương cho Vùng.

Chính phủ cũng đã phê duyệt xây dựng các khu kinh tế lớn ven biển, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ.

Đặc biệt, khu vực này có tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, phong phú mang bản sắc riêng nhờ tài nguyên biển, rừng, và 4 di sản văn hoá thế giới (Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, tính đến nay, Vùng KTTĐ miền Trung đã thu hút 400 dự án FDI với tổng vốn đạt gần 15 tỷ USD, chiếm 75% về số dự án và 61% vốn đầu tư FDI của cả miền Trung – Tây Nguyên.

Đặc biệt, một làn sóng FDI mới đã dấy lên mạnh mẽ kể từ năm 2007 với nhiều dự án có quy mô hàng tỷ USD. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, tổng vốn FDI vào Vùng đạt mức gần 11,3 tỷ USD, cao gấp 4 lần tổng vốn của 20 năm trước cộng lại.

Hạ tầng là điểm đột phá

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - Ảnh: Báo Đà Nẵng

Đều nhìn nhận những lợi thế và tiềm năng rõ rệt của khu vực KTTĐ miền Trung nhưng nhiều nhà quản lý, giới đầu tư cũng thừa nhận, để cơ hội bứt phá trở thành hiện thực, cần nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Có thể kể đến những hạn chế của Vùng như mặt bằng phát triển KT-XH còn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước, nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân lành nghề còn yếu và thiếu, việc liên kết phát triển của các địa phương còn hạn chế, thậm chí có cả hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu được nhìn nhận vừa là cơ hội lớn, vừa là trở ngại chính cho các nhà đầu tư. Cùng với công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng khó khăn, cơ sở hạ tầng là một nguyên nhân chính khiến FDI tuy có tăng trưởng cao về vốn đăng ký nhưng lại tương đối thấp về tỷ lệ vốn thực hiện.

Hội nghị đã ghi nhận sự thống nhất giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý về các chủ trương phát triển, xúc tiến đầu tư và các cơ chế, điều kiện cần thiết cho môi trường đầu tư kinh doanh của Vùng thời gian tới.

Đó là cần tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thông qua cơ chế và khuôn khổ pháp lý phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng khung pháp lý cho các mô hình PPP (công – tư kết hợp). Hình thức đầu tư được quan tâm này dự kiến sẽ được áp dụng thí điểm tại Vùng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trước hết để phục vụ cho các dự án đầu tư ngày càng nhiều tại các Khu kinh tế, KCN, các ngành dịch vụ đang nở rộ tại đây.

Các nhà đầu tư cũng kiến nghị cần ưu tiên khai thác, phát triển thế mạnh du lịch bằng việc hình thành một số Trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch và phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, hình thành một mạng lưới, không gian du lịch với cả nước và các nước lân cận.

(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)

  • Việt Nam & chiến lược xây dựng hai nền kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào hàm lượng công nghệ cao
  • Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
  • 6 tháng đầu năm 2010: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều khả quan
  • 80% tỉnh, thành phố có cơ sở y học hạt nhân, xạ trị vào năm 2020
  • Xử lý căn cơ chất thải nguy hại - đến bao giờ?
  • Manh nha một mặt bằng giá mới?
  • Việt Nam khó thoát 'bẫy thu nhập trung bình'
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi