Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Nghèo trên đống vàng”

 Nhiều địa phương hiện giàu về tài nguyên nhưng lại nghèo về kinh tế...

Trong phiên thảo luân ở hội trường về dự án Luật khoán sản (sửa đổi), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII cho thấy một nghịch lý đang hiện hữu là nhiều địa phương hiện giàu về tài nguyên nhưng lại nghèo về kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Nếu không gắn kết việc khai thác tài nguyên khoáng sản với quyền lợi của người dân địa phương cũng như tăng cường công tác quản lý thì cảnh người dân “nghèo trên đống vàng” vẫn sẽ tiếp diễn.

Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) ví von tài nguyên của chúng ta giống như một nàng tiên... sắp chết. Theo số liệu thống kê trong 4 năm gần đây địa phương đã cấp trên 4.000 giấy phép; bên cạnh đó chúng ta đã khai thác tràn lan, ồ ạt và khoáng sản của chúng ta ngày càng cạn kiệt.

Quyền lợi phải đi cùng trách nhiệm

Theo ông Nhin: Hiện nay nhiều địa phương giàu tài nguyên nhưng nghèo về kinh tế, khoáng sản được khai thác nhưng người dân vẫn còn nghèo. Phải nói rằng dân ở các địa bàn này nghèo trên đống vàng, chết trên đống thuốc. Việc khai thác khoáng sản bị ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường sá, mất đất sản xuất do các DN, các địa phương khai thác khoáng sản. Địa phương phải gánh chịu những hậu quả việc khai thác mỏ gây ra, giải quyết việc làm và đời sống của nhân dân.

Trong các đề án chúng ta nói rất hay để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho địa phương, nhưng thực sự nếu khai thác các mỏ khoáng sản trên địa phương là không thực hiện được theo mong muốn và theo các đề án đã được các cấp, các ngành phê duyệt, ngược lại địa phương phải chịu những việc thiệt thòi. Do đó tôi không đồng tình với quy định tại Khoản 3, Điều 7 dự luật quy định gọi là khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ở đây phải ghi rõ là có trách nhiệm, không phải khuyến khích, nếu khuyến khích thì DN có trách nhiệm thì có thể họ có trách nhiệm với địa phương, nhưng nếu các DN không có trách nhiệm sẽ không thực hiện vì luật chúng ta quy định chỉ có khuyến khích thôi mà không có gắn trách nhiệm vào đây thì tôi thấy không ổn. Do đó đề nghị phải có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp duy tu xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng các công trình khác để phục vụ đời sống của nhân dân và kể cả định canh, định cư.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) cho rằng: Về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, tôi thấy hầu hết các nội dung này chỉ thiên về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản hơn là quyền lợi của nhân dân địa phương. đề nghị cần quy định rõ, cụ thể địa phương được hưởng lợi những gì, việc bồi thường tái định cư, định canh ra sao, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội như thế nào, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho con em địa phương chưa ?

Tránh lách luật

Đối với cấp phép thăm dò khoáng sản đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) kiến nghị: Tại Khoản 3 cũng như Điểm c, Khoản 2 cần phải nói rõ, vì trong thực tế có trường hợp lợi dụng vừa thăm dò, vừa khai thác. Không phải nhất thiết là dài hạn, tức là có những giấy phép quá hạn 48 tháng hay 24 tháng, tôi nghĩ có những trường hợp chúng ta thăm dò là thời gian dài hơn nữa, nhưng chúng ta nên quy định cho rạch ròi, phân định rõ ràng là không lợi dụng trong quá trình thăm dò với khai thác. Trong thực tế ở địa phương chúng tôi có những khoáng sản thô nhưng cũng lợi dụng cấp phép cho thăm dò để vừa thăm dò, vừa lợi dụng khai thác. Trong luật phải quy định chặt chẽ để tránh bị lợi dụng vừa thăm dò vừa khai thác, vì thời gian cũng không nhất thiết, tùy theo loại khoáng sản có thể kéo dài hơn nữa, cho nên tôi đề nghị chúng ta phải phân cấp, phân công cụ thể và phân định rõ.

Đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Kạn bổ sung thêm: về thời gian cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định về thời gian tối đa cho một giấy phép thăm dò chung cho tất cả các loại khoáng sản với quy mô khác nhau là chưa phù hợp. Chẳng hạn đối với những khoáng sản như vàng, đá quý mà thời gian thăm dò như trong dự thảo luật là 6 năm và nếu chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng hoặc có phát hiện mới thì được cấp phép thăm dò mới. Quy định như vậy thì dễ tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng vừa thăm dò, vừa khai thác đến khi hết thời hạn giấy phép thăm dò thì có thể mỏ vàng, bạc, đá quý cũng hết, mà ngân sách không thu được đồng nào. Trong khi đó đối với những loại khoáng sản khác như dầu khí hoặc những khoáng sản nằm ở ngoài thềm lục địa, quy mô, tính chất phức tạp thì thời gian thăm dò lại phải dài hơn. Do vậy tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định thời gian tối đa cho một giấy phép thăm dò khoáng sản giao cho Chính phủ quy định cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy mô từng loại khoáng sản và căn cứ vào công bố khoanh định khoáng sản để quy định thời gian một giấy phép thăm dò cho phù hợp.

Trong thực tiễn đã từng xảy ra tình trạng kinh doanh giấy phép vì vậy để hạn chế điều này đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) đề nghị: Về chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản Hiện nay rất nhiều dự án treo là sau khi cấp giấy phép xong chuyển nhượng trở lại, nhưng rất nhiều dự án treo xảy ra bởi vì chuyển nhượng lại chưa có lãi nhiều cho nên vẫn cứ giữ đó, cho nên dân tới các địa phương và quần chúng nhân dân ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc khu của mình nằm trong vùng quy hoạch dự án không được sửa nhà, không được làm nhà, không được trao đổi, mua bán các dịch vụ v.v... Cho nên tôi đề nghị không cho chuyển nhượng, nếu đấu thầu rồi mà không làm thì phải đền bù một khoản để có thể tổ chức đấu thầu lại.

Theo đề nghị của nhiều đại biểu: Chính phủ công bố công khai quy hoạch những mỏ khoáng sản trong phạm vi cả nước được thăm dò, liệt kê danh mục cụ thể loại mỏ được phép khai thác, loại mỏ cấm khai thác, loại khoáng sản được xuất thô, loại khoáng sản phải chế biến sâu.

(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Phát triển hạ tầng để Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung bứt phá
  • Việt Nam & chiến lược xây dựng hai nền kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào hàm lượng công nghệ cao
  • Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
  • 6 tháng đầu năm 2010: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều khả quan
  • 80% tỉnh, thành phố có cơ sở y học hạt nhân, xạ trị vào năm 2020
  • Xử lý căn cơ chất thải nguy hại - đến bao giờ?
  • Manh nha một mặt bằng giá mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi