Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nói nhiều, làm ít

Một kho trữ lúa gạo ở ĐBSCL-Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đến năm 2020 với số vốn đầu tư lên đến 40.000 tỉ đồng. Trong đó hai năm 2009-2010 sẽ xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo với sức chứa 4 triệu tấn, riêng kho mới xây dựng chứa 2,8 triệu tấn, vốn đầu tư khoảng 7.620 tỉ đồng. Nhưng đến cuối năm nay, khả năng tổng sức chứa của hệ thống kho mới này đạt chưa tới nửa triệu tấn.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 38 triệu tấn lúa, nhưng hệ thống kho chỉ chứa được khoảng 2 triệu tấn lúa, gạo và chỉ mang tính tạm thời, thiết bị lạc hậu do chủ yếu được đầu tư vào thập niên 1980. Do việc bảo quản chưa tốt, nên chỉ riêng khâu phơi sấy và tồn trữ đã gây tổn thất từ 4-5% tổng sản lượng. Thời gian bảo quản cũng không thể kéo dài như các kho ở Thái Lan, khiến nhiều lần Việt Nam phải ngậm ngùi bỏ qua cơ hội thu lợi cao khi giá gạo thế giới tăng. Do đó, việc xây dựng hệ thống kho chứa đúng quy cách là hết sức cần thiết.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, cán bộ Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), đề án này sau đó được “chuyển giao” cho Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Lương thực miền Bắc thực hiện. Và các doanh nghiệp tham gia, kể cả tư nhân, sẽ được vay vốn ưu đãi với lãi suất 6,5%/năm để xây kho, còn để mua các loại máy móc hiện đại nhập khẩu thì được vay với lãi suất 0%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được miễn tiền thuê đất trong vòng năm năm kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động.

Rầm rộ, rồi lặng lẽ!

Tháng 1-2010, Công ty Lương thực Trà Vinh đã khởi công xây dựng kho trữ lúa gạo tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Kho chứa này dự kiến có vốn đầu tư 62 tỉ đồng, với sức chứa cả năm khoảng 70.000 tấn gạo nguyên liệu.

Trước đó, vào tháng 4-2009, Công ty Du lịch thương mại Kiên Giang cũng đã đầu tư 55 tỉ đồng xây dựng kho Tân Hiệp với khả năng dự trữ lúa gạo 40.000 tấn. Ở thành phố Cần Thơ, chợ đầu mối lúa gạo Thốt Nốt cũng được quy hoạch, nhưng sau đó do khó khăn về nguồn vốn nên từ đầu năm 2009, Vinafood 2 cũng đã tiếp nhận và tuyên bố đầu tư khoảng 600 tỉ đồng, theo đó hệ thống kho có khả năng chứa 200.000 tấn lúa gạo. Dự kiến trong năm 2010 chợ lúa gạo Thốt Nốt sẽ đưa vào hoạt động.

Đó là những bước đầu rầm rộ của Vinafood 2, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trong hai năm 2009-2010, Vinafood 2 cùng các doanh nghiệp khác trong vùng ĐBSCL sẽ xây thêm kho trữ lúa gạo với công suất khoảng 2 triệu tấn, giúp nông dân có thể gửi lúa vào kho nếu không tiêu thụ được mà không tốn tiền lưu kho. Và đây cũng chính là động thái để triển khai đề án hệ thống kho có tổng sức chứa 4 triệu tấn của Bộ NN&PTNT.

Được khởi công hàng loạt, nhưng nhiều dự án lại triển khai ì ạch, như chợ lúa gạo Thốt Nốt, chỉ mới được san lấp mặt bằng, sau đó bỏ hoang đến nay. Theo một chuyên gia ngành lúa gạo, dự kiến vào cuối năm nay, hệ thống kho mới xây dựng theo đề án của Bộ NN&PTNT chỉ đạt công suất từ 300.000-400.000 tấn. Tại vùng lúa gạo trọng điểm Đồng Tháp, cũng chỉ mới có kho chứa của Công ty Lương thực Đồng Tháp được xây xong với sức chứa vỏn vẹn 30.000 tấn. Tại ĐBSCL, một số doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia đề án này, nhưng thực tế cũng không giúp nâng tổng sức chứa lên được bao nhiêu.

Do nhiều nguyên nhân

Một số dự án triển khai chậm, theo một chuyên gia ngành lúa gạo, nguyên nhân trước tiên do thiếu vốn. Dù Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng ứng vốn, nhưng không phải nơi nào cũng được vay bởi xét tính hiệu quả… Mặt khác, nếu “ép” doanh nghiệp đầu tư kho hàng loạt, nhưng sau đó họ không có tiền để mua lúa, gạo bỏ vào chứa thì những kho ấy để làm gì? Rủi ro, ai sẽ gánh khi thị trường biến động? Tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nhưng thiếu những chính sách khuyến khích sau đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngại.

Một cản trở khác khi triển khai đề án này chính là mặt bằng. “Doanh nghiệp nào có mặt bằng sẵn thì ít nhiều còn ráng tham gia, nhưng phải đi mua hoặc thuê thì rất khó”, đại diện một doanh nghiệp ngành gạo, nói vậy.

Và theo yêu cầu ban đầu, những kho chứa mới xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật như độ cao nền, mức độ thông thoáng… đầu tư kèm theo sân phơi, nhà máy xay xát, đánh màu, đóng gói tự động… Tuy nhiên, theo TS. Tấn, thực tế vừa qua, các kho mới xây không theo dạng si lô như đề xuất của cơ quan này mà chỉ làm theo dạng nhà hai mái để chứa các bao lúa, gạo. “Kho như vậy thì không thể khống chế nhiệt độ và độ ẩm do không đầu tư những thiết bị theo yêu cầu”, ông Tấn nói. Đồng thời, khả năng kéo dài thời gian lưu trữ, nâng phẩm chất gạo cũng khó đạt như mong muốn ban đầu.

Tổn thất sau thu hoạch do các khâu cắt, phơi, sấy, lưu trữ… tại vùng ĐBSCL nằm ở mức bình quân 13,7%. Như vậy, theo ông Tấn, thay vì có thể giảm tổn thất sau thu hoạch từ 6-7% (kể cả lượng và chất) nếu đầu tư hệ thống si lô, trong đó riêng khâu kho chứa đã giúp giảm từ 3-4 %, thì với hệ thống kho được đầu tư khá sơ sài này, khâu tổn thất sau thu hoạch chỉ giảm chừng từ 1-2 %. Đồng thời, lượng lao động cần có khi vận hành cũng cao hơn nhiều nếu đầu tư si lô.

Trước đó, ông Tấn đã đề xuất một phương án khác. Theo đó với 40.000 tỉ đồng hoàn toàn đủ khả năng để xây dựng 400 si lô để chứa 4 triệu tấn lúa và đầu tư máy sấy, thiết bị xay xát hiện đại giúp nâng chất lượng hạt gạo và giảm thất thoát. “Đầu tư lớn, nhưng sau đó sẽ thu về hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm nhờ giảm tổn thất sau thu hoạch”, ông nói.

Nhưng theo ông Tấn cũng khó trách các tổng công ty lương thực và các doanh nghiệp thành viên, bởi họ là doanh nghiệp nên chú trọng về mặt hiệu quả đầu tư của dự án, chứ không phải làm… công tác xã hội. Biết rằng đầu tư hệ thống si lô sẽ tiết kiệm nhiều, nhưng phần tiết kiệm được đâu phải chỉ mình doanh nghiệp hưởng, mà trong đó còn có cả nông dân, hàng xáo! “Kho chứa dạng nhà hai mái chỉ cần vốn ít và cũng ít rủi ro hơn về mặt kỹ thuật xây dựng so với xây các si lô”, ông nói.

Và mục đích quan trọng khi đầu tư hệ thống kho mới là nhằm giúp nông dân có nơi trữ lúa, gạo, xem ra cũng khó thực hiện. Mỗi địa phương chỉ đầu tư kho chứa ở vài điểm, nông dân lại canh tác nhỏ lẻ, nên khó hy vọng họ lặn lội hàng chục ki lô mét để đến kho chứa ký gửi như ở Thái Lan... Trong khi đó, như đã nói, do doanh nghiệp chỉ chú trọng yếu tố hiệu quả, nên sức chứa kho mới cũng tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp là chính, lấy đâu chỗ cho nông dân ký gửi, ngoại trừ bán đứt.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo
  • Người nghèo sẽ nhiều hơn?
  • Kẻ khổng lồ bên cạnh ta: Trung Quốc có đi theo vết xe đổ của Nhật?
  • Đại lí làm thủ tục hải quan: Chưa hiệu quả
  • Việt Nam chưa có chuyên gia tính toán
  • Vì sao mô hình quy hoạch triệu đô vẫn xếp kho?
  • Việt Nam có thể sản xuất được hơn 50 % tân dược thiết yếu
  • Phải xem lại công nghệ thải bùn đỏ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi