Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gói kích cầu thứ hai: Cẩn trọng!

Các doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận việc chấm dứt sự hỗ trợ, có kế hoạch phát triển bền vững. Ảnh: Bá Hoạt

-
Năm 2010, giai đoạn được coi là sau suy giảm đối với Việt Nam, doanh nghiệp (DN) trong nước đã chuẩn bị như thế nào để phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển, nhất là khi cuối tháng 12-2009, chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc? Trong khi đó, đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học về việc nên hay không nên có gói kích cầu thứ hai, thực hiện trong năm 2010.

Gói kích cầu thứ nhất: Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 9, các thành viên Chính phủ cũng đã bàn tới khả năng triển khai gói kích cầu thứ hai. Theo đó, Chính phủ sẽ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định vào cuối tháng này. Theo đánh giá, gói kích thích kinh tế thứ nhất được ban hành rất đúng đắn, kịp thời, tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ. Nhờ vậy, Việt Nam trở thành một trong những nước có thành tích chặn đà suy giảm kinh tế ấn tượng, thuộc số ít nước đạt được tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm trong suy thoái. Tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế đã phục hồi mà vẫn duy trì biện pháp kích thích sẽ khiến nền kinh tế thiếu lành mạnh, thiếu tính cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, các biện pháp tình thế bao giờ cũng có những mặt trái. Những mặt trái của việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư, miễn thuế, giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế, bù lãi suất… thời gian qua đã tác động lên thể trạng của nền kinh tế cả trong trung hạn, dài hạn trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, thâm hụt ngân sách tăng mạnh, từ 5% lên 7% năm 2009, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chi phí vốn vay để tài trợ cho thâm hụt ngân sách tăng cao. Hàng loạt phiên đấu giá trái phiếu chính phủ bằng nội tệ không đáp ứng được yêu cầu. Nguy cơ lạm phát đang tiềm ẩn.

Thứ hai, tổng lượng tín dụng tăng thêm tạo ra chênh lệch đáng kể về lãi suất đối với tín dụng trên thị trường ngoại tệ: thừa USD vay, thiếu USD bán.

Thứ ba, nhập siêu tăng trở lại, chủ yếu từ Trung Quốc, gây tác động tiêu cực đến cung - cầu ngoại tệ và ổn định tiền tệ trong nước.

Thứ tư, TTCK, thị trường bất động sản có biểu hiện tăng trưởng bong bóng.

Thứ năm, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong việc kiểm soát dòng vốn kích thích kinh tế để bảo đảm dòng vốn này đến đúng đối tượng đã đề ra và để đối tượng này được hưởng lợi nhiều nhất. Đã có những ý kiến cho rằng, khu vực trung gian là khu vực đã hưởng lợi nhiều từ gói kích thích kinh tế hơn là khu vực trực tiếp sản xuất. Chỉ tính riêng khoản cho vay hỗ trợ lãi suất, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng VND tính đến ngày 20-8 vừa qua đã đạt gần 400 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng; tỷ trọng hỗ trợ cũng chiếm 1/3 toàn bộ cho vay nền kinh tế.

Về mặt số lượng, đó là con số rất lớn. Một số thống kê bước đầu và giám sát thực tế cho thấy, số lượng DN ở khu vực sản xuất có lãi lớn vẫn rất ít. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại công bố lãi 6 tháng đầu năm rất cao. Đây là vấn đề rất cần được phân tích và làm rõ.

Kích cầu: Con dao hai lưỡi

Hiện tại, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới mặc dù còn chưa chắc chắn nhưng diễn biến đã bớt phức tạp hơn so với năm 2008. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm chấm dứt các biện pháp kích cầu và đưa DN hoạt động trở lại trong cơ chế “bình thường”, vì nếu duy trì các chính sách mang tính trợ cấp trong một thời gian dài sẽ dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chấm dứt quá nhanh và đột ngột các giải pháp hỗ trợ này sẽ gây ra “hụt hẫng”, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của DN và cả nền kinh tế. Liên quan đến gói kích cầu thứ hai, được biết, Chính phủ cũng sẽ tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức kinh tế.

Thực tế cho thấy, khi vận dụng các lý thuyết kinh tế để thiết kế các gói kích cầu tiêu dùng và đầu tư, khó tránh khỏi những tác động từ mặt trái của nó nên phải hết sức thận trọng. Vấn đề trước mắt là nên tổng hợp, phân tích đánh giá việc thực hiện gói kích cầu lần 1. Dư luận đang trông chờ có một ý kiến, dù là bước đầu đánh giá hiệu quả của gói kích cầu. Trong đó, cần đánh giá và rút kinh nghiệm ngay việc thực hiện gói kích cầu lần 1: Bao nhiêu DN được vay vốn hỗ trợ lãi suất để đưa vào sản xuất, kinh doanh? Bao nhiêu lao động không bị mất việc nhờ các giải pháp kích cầu? Bao nhiêu mặt hàng giảm giá bán lẻ nhờ giảm 50% thuế GTGT? Bao nhiêu DN được giảm thuế TNDN và số tiền đó là bao nhiêu? Bao nhiêu dự án được đầu tư mới?...

Việc triển khai gói kích cầu thứ hai cũng cần phải đặt chính sách kích cầu vào trong tổng thể chính sách Nhà nước, bảo đảm sát hợp với biến chuyển mới ở trong nước và trên thế giới, đồng thời phải phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác. Chỉ có như vậy, các giải pháp mới phát huy được tác dụng tối đa, cả về lợi ích kinh tế, quan trọng hơn, tạo dựng lòng tin vào cách thức quản trị và điều hành của các cơ quan chính phủ. Theo ông Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính), khi thiết kế gói kích cầu thứ hai cần chú ý các điểm sau: Phải công khai, minh bạch hơn, cả về đối tượng được hưởng và các quy trình, thủ tục hỗ trợ; điều chỉnh linh hoạt hơn về liều lượng, cơ cấu, tiến độ các giải pháp cho sát hợp với thực tế; không kéo dài việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất ở quy mô lớn như hiện nay mà cần có trọng tâm, tránh gây sốc cho DN sau khi chấm dứt sự hỗ trợ; tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra tình hình thực hiện các giải pháp kích thích tăng trưởng được thực hiện từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các kênh giải ngân các gói kích cầu và trái phiếu chính phủ...

Nhiều chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến việc tránh rơi vào tình trạng chi sai mục tiêu, đối tượng, gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực. Thực tế cho thấy, để thực hiện các gói giải pháp kích thích kinh tế một cách hiệu quả thì chúng ta phải thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng. Nếu không giám sát chặt chẽ, sẽ dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng “đầu cơ” với các dự án vay chất lượng thấp hoặc triển khai kém.

(Theo Bình Thu // Hanoimoi Online)

  • Con đường phát triển điện hạt nhân Việt Nam
  • Không thể không lo về việc liên doanh lúa gạo!
  • Hà Nội 2015: Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng
  • Chậm cải cách thủ tục hành chính: Lãng phí 30% chi phí xã hội?
  • Đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông thôn: Chưa thực sự đi vào cuộc sống
  • Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn khu vực
  • Kinh tế Việt Nam: Khập khiễng thị trường và chiến lược
  • VN đứng đầu về triển vọng tăng trưởng giao thương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi