Kho trữ gạo của một doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
LTS: - Cảm thấy chưa thỏa đáng với ý kiến của ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bạn đọc Hoàng Kim, người viết bài Lo ngại liên doanh gạo Việt Nam - Campuchia, đã gửi thêm bài viết đề cập tiếp vấn đề. Tôn trọng ý kiến phản biện, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của ông Hoàng Kim:
Đọc trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đăng trên TBKTSG Online (VFA: "liên doanh để không cạnh tranh với gạo Việt Nam"), tôi có cảm tưởng rằng ông phó chủ tịch VFA đã chưa tìm hiểu những thắc mắc, lo ngại của nông dân.
Nỗi lo ngại đó tôi có nêu trong bài “Lo ngại liên doanh gạo Việt Nam – Campuchia”, cũng đăng trên TBKTSG Online trước đó.
Trong bài viết nói trên, tôi đã đề cập rằng: vấn đề nông dân chúng tôi quan tâm, lo lắng nhất không phải là việc ra đời của liên doanh xuất khẩu gạo với Campuchia, mà ở việc Tổng công ty Lương thực miền Nam là một trong ba phần hùn thành lập ra liên doanh đó.
Nói cách khác, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo (hoặc các doanh nghiệp ngoài ngành) đầu tư thành lập liên doanh xuất khẩu gạo với Campuchia thì nông dân chúng tôi không băn khoăn lắm, nhưng khi Tổng công ty Lương thực miền Nam là một trong ba phần hùn của liên doanh đó, thì nông dân chúng tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người làm ra hạt gạo xuất khẩu.
Bởi Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp của nhà nước, ông Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam kiêm chức Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vừa là người được giao toàn quyền điều tiết việc xuất khẩu gạo, vừa là nắm phần lớn thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi không thể không quan ngại việc liên doanh này sẽ lấn chiếm thị trường xuất khẩu gạo của nông dân Việt Nam.
Xong rồi... sẽ biết
Để giải tỏa lo ngại của nông dân, lẽ ra ông phó chủ tịch VFA phải chứng minh hoạt động của người đứng đầu Tổng công ty Lương thực miền Nam trong tư cách lãnh đạo liên doanh gạo với Campuchia, chắc chắn không làm thiệt hại quyền lợi của nông dân Việt nam trong việc điều hành thị trường gạo Việt Nam.
Xin hỏi, ông Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch VFA, kiêm lãnh đạo liên doanh gạo Việt Nam – Campuchia có thể cam kết sẽ tìm đủ thị trường tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với giá thị trường thế giới (chớ không phải bán với giá thấp nhất thế giới như hiện nay) hay không, khi phải gánh thêm cả triệu tấn gạo Campuchia. Và khi một người nắm giữ đồng thời ba vị trí quan trọng như vậy, ông ấy sẽ xử lý thế nào khi có sự xung đột về quyền lợi, trong việc cạnh tranh thị trường gạo giữa VFA và liên doanh?
Những thắc mắc vừa nêu đã được ông phó chủ tịch VFA hẹn: “sau khi phương án liên doanh hoàn tất, nông dân trong nước sẽ biết rằng tại sao chúng ta phải đầu tư sang Campuchia trong lãnh vực xuất khẩu gạo”.
Tự cạnh tranh?
Ông Trí giải thích mục đích thành lập liên doanh gạo ở tầm “đặc biệt vĩ mô”, nông dân chúng tôi không hiểu nổi. Vậy, rất mong ông giải thích cho nông dân chúng tôi rõ một số vấn đề sau:
Ông phó chủ tịch VFA nói rằng: “Tôi đã sang Campuchia khảo sát và thấy họ có tiềm năng rất lớn để sản xuất và xuất khẩu gạo. Nếu chúng ta không đầu tư mà công ty của nước khác đầu tư thì một ngày nào đó, hạt gạo của chúng ta sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới bởi chính hạt gạo Campuchia”.
Nếu nhìn xa ở tầm vĩ mô thì lẽ ra ông phó chủ tịch nên tìm cách làm cho VFA mạnh lên để đủ sức cạnh tranh trong tương lai với mọi đối thủ. Ví dụ như, xây dựng đủ kho chứa lúa gạo và nhà máy xay lúa hiện đại, bằng cách tìm thêm thị trường tiêu thụ lúa gạo, tìm thêm khách hàng nhập khẩu gạo, tìm cách tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam, tìm cách cũng cố uy tín VFA trên thị trường thế giới... Chứ tại sao lại lập liên doanh để biến những “suy diễn cạnh tranh” thành “cạnh tranh thật sự”? Chẳng lẽ, hễ phát hiện bất cứ quốc gia nào có tiềm năng trở thành đối thủ cạnh tranh thì VFA sẽ tìm cách thành lập liên doanh gạo ở quốc gia đó để hóa giải thế cạnh tranh hay sao?
Chuyện làm ăn, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với mọi đối thủ cạnh tranh. Chúng ta phải biết “đối thủ là ai, năng lực ra sao và họ muốn gì?”, chứ tại sao lại tính chuyện khi đối thủ xuất hiện thì chúng ta xử lý bằng cách tạo ra thế "tự cạnh tranh" ngay trong nhà?
Theo thiển ý của tôi, “tự cạnh tranh” ở đây có nghĩa là: ông chủ tịch VFA sẽ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lúa gạo với ông chủ tịch (hoặc tổng giám đốc điều hành) liên doanh gạo Việt Nam – Campuchia. Nhưng khi hai vị trí này đặt lên vai một người, chúng tôi tin chắc rằng ông ta không thể thực hiện việc “tự cạnh tranh” này một cách công bằng, lành mạnh khi lúa gạo Việt Nam vẫn thiếu thị trường tiêu thụ và phải bán ra với giá rẻ.
Làm sao không lo lắng?
Thay vì phải kiên quyết, mạnh tay chống lại tình trạng nhập lậu lúa vào Việt Nam để hỗ trợ nông dân thoát cảnh bán lúa với giá rẻ mạt hoặc thậm chí có lúc ngồi ôm lúa mà đau khổ, VFA lại thành lập liên doanh, điều này dẫn đến việc lượng lúa gạo từ Campuchia nhập vào Việt Nam sẽ tăng lên ngoài số lúa nhập lậu chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Vậy, để cạnh tranh với nước ngoài (dù chưa có) thì VFA đã tạo ra thế cạnh tranh với nhau ngay trong nước và họ lại được Chính phủ giao toàn quyền định đoạt thị trường lúa gạo hay nói cách khác, chính là định đoạt đời sống của nông dân chúng tôi. Chả trách, bấy lâu nay nông dân chúng tôi năm nào cũng thất điên bát đảo, “cày” trầy vi tróc vẩy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nay, với ý kiến của các vị lãnh đạo VFA thế này, làm sao nông dân chúng tôi không lo lắng?
Ông Phó chủ tịch VFA cho rằng: “Campuchia hiện mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo sang Thái Lan” và “Hiện Campuchia xuất sang Việt Nam chủ yếu là lúa, như năm nay cũng có thể lên tới 2 triệu tấn lúa sang Việt Nam, tính ra cả triệu tấn gạo”. Nói như ông Trí, năm nay Campuchia có khả năng xuất khẩu 2 triệu tấn gạo; vậy họ thật sự có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh với ta rồi chứ đâu có còn đang "tiềm năng"?
Điều này xin ông cho phép tôi được nghi ngờ, vì Chính phủ Thái Lan mua lúa của nông dân họ với giá rất cao, hiện nay họ còn tồn kho không bán được khoảng 7 triệu tấn, nên họ không thể để lúa Campuchia nhập vào nước họ.
Còn Việt Nam, năm 2009 này, do VFA đã có lúc ngừng xuất khẩu gạo nên khi cho xuất khẩu lại thì chẳng còn thị trường và khách hàng, đến nỗi bán với giá rẻ nhất cũng khó khăn, Chính phủ phải ra lệnh cho VFA mua hai lần 900.000 tấn gạo nhằm tiêu thụ và giữ giá giúp nông dân. Như vậy Chính phủ chúng ta và Chính phủ Thái Lan đâu thể nào cho phép nhập gạo cả triệu tấn để gây hại cho nông dân.
Còn nếu nói Chính phủ ta cấm nhập khẩu lúa gạo nhưng do lượng lúa gạo nhập lậu từ Campuhia vào nước ta lên đến con số một triệu tấn, thì quả thật người dân như tôi không thể hiểu nổi về tình hình chống hàng lậu.
(Theo Hoàng Kim (Đồng Tháp) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com