Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hối thúc trong triển khai PPP

Không chỉ dừng ở sự quan tâm, mà đã có sự hối thúc rõ ràng từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ về hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
 
Ngay cả khi khung pháp lý này vẫn đang là dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và trên thực tế, chỉ được xây dựng để áp dụng đối với các dự án PPP thí điểm, thì những đòi hỏi từ thực tại có vẻ còn lớn hơn thế.

“Chúng tôi biết, các quy định về PPP này mới chỉ là quy định cho các dự án thí điểm và dựa trên kinh nghiệm thu được từ các dự án thí điểm sẽ xây dựng quy chế hoàn chỉnh, nhưng chúng tôi đề nghị cần cung cấp các quy định chi tiết hơn về một số nội dung cơ bản ngay khi có bài học từ các dự án thí điểm”, ông Tony Foster (Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF) đã nhấn mạnh như vậy tại VBF trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức vào cuối tuần trước.

Trên thực tế, dù đã được lấy ý kiến công luận trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ, song cho tới nay, vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh Dự thảo Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi PPP là mô hình rất mới, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam

Bởi vậy, ngay cả phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Quy chế cũng được cho là cần xác định một cách cụ thể hơn. Chẳng hạn, phải nêu rõ Quy chế PPP là độc lập với Nghị định 108/2010/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO và các dự án PPP được thực hiện thí điểm theo quy chế này (như Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 108/2010/NĐ-CP.

“Không nên áp dụng song song cho cùng một dự án hai hệ thống quy phạm pháp luật, dễ gây nhầm lẫn và khó áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn khi giải thích pháp luật, xung đột pháp luật”, vị đại diện đến từ Công ty Luật Frasers nói và cho rằng, cũng cần phải có các quy định cụ thể hơn đối với các lĩnh vực thí điểm.

Cần phải nhắc lại rằng, theo Dự thảo Quy chế, sẽ có 7 lĩnh vực được thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Đây hầu hết là các lĩnh vực thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế. Trên thực tế, ngay từ ban đầu, khi bàn tới mô hình PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định, trước tiên sẽ tập trung vào thí điểm PPP đối với các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt với hạ tầng giao thông, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, gần đây, các hội thảo về PPP trong lĩnh vực y tế, viễn thông đã liên tiếp được tổ chức và câu hỏi đặt ra là, liệu đó có phải là các lĩnh vực được thí điểm PPP hay không?

Theo vị đại diện Công ty Luật Fraser, mặc dù đã có các quy định mở về “các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, nhưng Dự thảo Quy chế cũng cần quy định cụ thể rằng, các dự án PPP về cơ sở hạ tầng xã hội, như xây dựng trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội…, cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.

Một vấn đề khác cũng được đặc biệt quan tâm, đó là Dự thảo Quy chế đã đề cập chuyện cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cả nhà đầu tư đều có quyền đề xuất dự án thí điểm theo hình thức PPP. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Điều này, theo lý giải của cơ quan soạn thảo, là nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, cũng như để tạo sự tin tưởng của cộng đồng đầu tư và các định chế tài chính đối với thị trường PPP của Việt Nam. Việc không khuyến khích nhà đầu tư tự đề xuất dự án cũng đã được nhắc tới trong chủ đích của cơ quan soạn thảo.

Tuy nhiên, các luật gia đến từ Công ty Luật Vilaf Hồng Đức lại băn khoăn về quy định này, bởi nó có vẻ không giống các quy định về BOT. Hơn nữa, theo Dự thảo Quy chế, mặc dù không khuyến khích nhà đầu tư tư nhân đề xuất dự án, nhưng khi dự án được duyệt, thì lại được đưa vào Danh mục dự án để đấu thầu.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn rằng, rất có thể không phải dự án nào nằm trong Danh mục dự án thí điểm được công bố cũng là khả thi và chấp nhận được về mức độ rủi ro, để họ ra các quyết định đầu tư. Hơn thế, với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, đã có quan điểm cho rằng, khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phải có thêm các quy định riêng. Chẳng hạn, nên có cơ chế ưu tiên khi tính điểm kỹ thuật chấm thầu cho nhà đầu tư đó.

“Tất nhiên, phải đảm bảo mọi ưu tiên (nếu có) phải được thông báo công khai ngay từ ban đầu cho các nhà đầu tư khác (không đề xuất dự án từ đầu, nhưng sau đó có tham gia đăng ký đấu thầu)”, một vị luật gia nói.

Rõ ràng, còn rất nhiều vấn đề liên quan tới khung pháp lý cho mô hình PPP cần được thảo luận, để có thể đi tới những quy định hợp lý nhất, cho dù PPP ở Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở việc thí điểm. Sự hối thúc từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ là dễ hiểu, song không thể vì thế mà thiếu đi những cân nhắc thận trọng.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì
  • 3 giải pháp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN
  • Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng nông thôn mới
  • Triển khai công trình điện nông thôn: Khó, vì sao?
  • Bộ... “góp gió thành bão”
  • Tăng trưởng kinh tế bền vững: Giải pháp "tự vệ" hiệu quả
  • Điện hạt nhân Ninh Thuận: Chọn công nghệ của nước nào?
  • Việt Nam có tránh được lời nguyền tài nguyên?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi