Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì

Ngày 2-6, Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được trình lên Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở Tờ trình Chính phủ, Ủy ban kinh tế Quốc hội đã có ý kiến về Đồ án này.

Nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của Thành phố Hà Nội

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung, ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch khá rõ. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đồ án ngắn nên UBKT đề nghị, một mặt cần tiếp tục tổ chức tốt việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đồ án, mặt khác cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có, thực trạng kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, Hà Tây cũ và các địa giới trước khi sáp nhập, thực trạng môi trường và một số nội dung liên quan khác để có thêm cơ sở vững chắc cho các định hướng quy hoạch.

Về định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc Thủ đô Hà Nội được thể hiện trong dự án chiến lược Tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về Thành phố, thiết lập các trục không gian “mặt nước”, “cây xanh” và “văn hoá” thuộc Đồ án quy hoạch, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế còn băn khoăn về định hướng giữ gìn các phố cổ Hà Nội và phát triển các khu đô thị mới có bảo đảm vừa bảo tồn bản sắc của Hà Nội cổ cũng như những nét đặc trưng của Thủ đô văn hiến với phát triển các đô thị hiện đại hay không? Đồ án cần làm rõ và cụ thể hơn nữa “tính Hà Nội”, những nét bản sắc riêng của Thủ đô so với các tỉnh, thành khác và các thủ đô của các nước và làm nổi bật định hướng bảo tồn bản sắc các vùng, khu vực trong Thủ đô (khu vực Thăng Long cổ, vùng phía Tây của Hà Nội...).

Với dự kiến Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD, trong đó khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tính toán kỹ hơn để đáp ứng sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch, đặt nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án trong tổng thể cân đối vốn đầu tư của toàn quốc cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh...).

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần bảo đảm đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện và để tổ chức thực hiện Đồ án. Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh được sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai các định hướng của Đồ án

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị, tuy Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng đồ án nhưng cần hết sức lưu ý nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của Thành phố Hà Nội vì Chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội là những người tổ chức thực hiện chính; đồng thời đề cao vai trò của Thành phố trong giai đoạn tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch.
 

Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì

Góp ý về một số vấn đề cụ thể, Uỷ ban Kinh tế tán thành với định hướng không gian đô thị của đồ án. Việc hình thành khu đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh được liên kết với nhau bởi các trục hướng tâm là phù hợp. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị làm rõ những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị vệ tinh, từ đó cân nhắc lại quy mô dân số ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới liên quan đến cơ cấu lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ở các khu vực…

Về Trung tâm hành chính quốc gia mới, nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô Thủ đô vào năm 2030, 2050, không thể để trung tâm hành chính như hiện nay (thực tế chưa có trung tâm hành chính quốc gia theo đúng nghĩa, các cơ quan nhà nước được đặt tại nhiều địa điểm phân tán); phải có một trung tâm hành chính quốc gia tương xứng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đặt Trung tâm hành chính ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không? Cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình.

Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay.

Về Trục Thăng Long, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là một điểm nhấn quan trọng trong Đồ án quy hoạch, sẽ là một trục phát triển trung tâm của Hà Nội sau này, đặc biệt , trục này sẽ phát huy giá trị hơn khi đã hình thành Trung tâm hành chính Quốc gia, do đó cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng Trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với Trục Thăng Long, diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) cần thu hồi để làm đường. Hiện đã có khá nhiều trục song song với trục này (trong đó, chỉ cách Trục 4 km có đường cao tốc Láng- Hòa Lạc); các hướng phát triển của công nghiệp về phía điểm cuối của Trục Thăng Long chưa tương xứng với Trục về hiệu quả kinh tế.

Đối với các trục không gian Bắc-Nam (có trục Quốc lộ 3, trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1 mới, trục Nhật Tân- Nội Bài...), đồ án mới chỉ thể hiện bố trí các cụm công trình phục vụ công cộng, văn phòng... chủ yếu là tạo điểm nhấn đô thị:. Do đó, một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm cân đối, cả về hướng tuyến và vùng, gắn kết với các địa phương phía Bắc, thu hút sự phát triển lan tỏa của các tuyến giao thông cao tốc phía Bắc, cần nghiên cứu xem xét thêm việc bố trí trục không gian này để không tạo ra sự mất cân đối trong phát triển với trục Thăng Long,

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị cần làm rõ yêu cầu phòng chống lũ cho Thủ đô để xác định diện tích cần thiết cho các vùng thoát lũ, chậm lũ, bụng chứa lũ có đủ khả năng thoát lũ. Cần nghiên cứu và tính toán kỹ việc thoát lũ của Thủ đô khi phát triển hệ thống đường vành đai, các đô thị theo các trục giao thông, tránh tình trạng các trục giao thông và các vành đai trở thành vật cản tốc độ thoát lũ.

Đánh giá về quy hoạch giao thông, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, định hướng phát triển giao thông của Đồ án nhìn chung bảo đảm tính hiện đại, sự đồng bộ giữa các loại hình: đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, trong đó nổi bật là xe buýt nhanh, đường sắt đô thị; tổ chức giao thông vành đai kết hợp với giao thông hướng tâm; kết nối giữa đô thị vệ tinh và trung tâm thành phố. Tuy nhiên cần kế thừa chọn lọc hệ thống giao thông đã có và đang được triển khai xây dựng, hoặc được cấp giấy phép xây dựng, tính đến cả giao thông hiện có để quy hoạch mạng lưới giao thông mới, đặc biệt là đối với Trục Thăng Long. Ngoài ra, cần giải trình rõ thêm về điểm đặt ga đầu mối của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đã phù hợp với yêu cầu ở trung tâm Thủ đô chưa.

Về định hướng phát triển khu vực nông thôn, theo Uỷ ban Kinh tế, đồ án cần có đánh giá kỹ về đặc điểm hiện trạng nông thôn ở Hà Nội để có định hướng phát triển khu vực nông thôn mới trong đô thị đặc biệt, nhất là về mô hình nông thôn mới; định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong lòng Thủ đô; phát triển quỹ đất ở cho khu vực nông thôn; định hướng giải quyết đất sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung tại các làng nghề; định hướng giải quyết các vấn đề môi trường ở nông thôn.

Uỷ ban Kinh tế cũng đưa ra một số vấn đề khác mà đồ án cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh như: hành lang xanh, định hướng phát triển công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng…

(Theo Hanoimoi Online)

  • 3 giải pháp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN
  • Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng nông thôn mới
  • Triển khai công trình điện nông thôn: Khó, vì sao?
  • Bộ... “góp gió thành bão”
  • Tăng trưởng kinh tế bền vững: Giải pháp "tự vệ" hiệu quả
  • Điện hạt nhân Ninh Thuận: Chọn công nghệ của nước nào?
  • Việt Nam có tránh được lời nguyền tài nguyên?
  • WEF: Môi trường thương mại Việt cải thiện mạnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi