Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế phục hồi cao hơn kỳ vọng

Với tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 6,2-6,3% trong quý II và 6,5-7% trong quý III/2010, nền kinh tế Việt Nam đang có bước phục hồi mạnh mẽ.
 
Đó là dự báo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, tổ chức hôm qua (1/6) tại Hà Nội. Với con số dự báo này, đà hồi phục của nền kinh tế thậm chí còn cao hơn cả kỳ vọng.

Cần phải nhắc lại rằng, cách đây vài tháng, sau khi công bố mức tăng trưởng GDP trong quý I là 5,83%, Tổng cục Thống kê đã tính toán, để tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,5%, thì GDP quý II phải tăng 6%, còn trong quý III và quý IV, các con số tương ứng phải là 6,5% và 7,3%. Với những diễn biến trong thực tại và xu hướng trong thời gian tới, khả năng đạt mức tăng trưởng như kế hoạch là hoàn toàn có thể, thậm chí còn ở mức cao hơn.

Trên thực tế, các nhận định về xu hướng hồi phục của nền kinh tế đã bắt đầu được đưa ra từ nửa cuối năm ngoái và giờ đây, xu hướng này đang được củng cố. Các thành viên Chính phủ, khi thảo luận báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm đều có chung nhận định như vậy. Đà hồi phục của nền kinh tế có thể nhìn thấy rõ qua cả ba khu vực sản xuất: nông - lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, với mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ, ước đạt trên 301.000 tỷ đồng.

Hơn thế, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép - vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa duy trì đà tăng trưởng cao hơn năm trước - bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận. Tuy so với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 vẫn tăng 4,55%, nhưng áp lực lạm phát đã phần nào vơi bớt. Và đây chính là một trong những dấu ấn trong điều hành của Chính phủ, đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm.

Nhiều khả năng, các xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 cho thấy, có một số tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tiếp theo. Chẳng hạn, sự sụt giảm của giá dầu và một số hàng hoá thế giới sẽ góp phần giảm bớt áp lực lạm phát trong nước, qua đó sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, trong bối cảnh tìm kiếm lợi nhuận từ các tài sản của châu Âu gặp khó khăn, sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nhiều hơn các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

“Các nguồn vốn đầu tư dự báo có thể huy động được cao hơn so với các tháng đầu năm nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các chính sách phục hồi kinh tế của Việt Nam. Xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của thị trường nội địa, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp chính sách của Chính phủ sẽ góp phần quan trọng để thực hiện được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Đồng thuận các quan điểm này, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng có những dự báo tương tự về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Định lượng hóa các dự báo của mình, trung tâm này cho rằng, tăng trưởng GDP trong quý II sẽ ở mức 6,2%, với mức tăng trưởng của các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tương ứng là 6,56%; 3,15% và 7,55%.

Trong khi đó, cũng có cái nhìn khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tổ chức vào tuần trước tại Hà Nội, đã khẳng định, năm 2010 sẽ là một năm đầy hứa hẹn đối với kinh tế Việt Nam, với mức tăng trưởng có thể vượt trên 6,5%. “Nền kinh tế dường như đã trở lại đúng hướng tiến của nó”, ông Alain Cany nói và cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng mức lạm phát, đồng thời tạo ra các giải pháp bền vững trong dài hạn cho quốc gia.

Các giải pháp trong dài hạn cũng là điều được bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhắc tới tại VBF. “Năm ngoái, chúng ta ngồi đây và lo lắng làm sao để bình ổn kinh tế vĩ mô, còn năm nay, niềm tin vào một nền kinh tế không bị bóp méo đã được khẳng định. Và giờ là lúc để thảo luận về các vấn đề dài hạn hơn của nền kinh tế”, bà Kwakwa nói.

Tất nhiên, nỗi lo bất ổn vĩ mô vẫn còn đấy, song rõ ràng, những tính toán, giải pháp trong ngắn hạn đã đến thời điểm cần nhường chỗ cho những cách thức để nền kinh tế có thể vượt qua những thách thức trong dài hạn.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Hối thúc trong triển khai PPP
  • Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì
  • 3 giải pháp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN
  • Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng nông thôn mới
  • Triển khai công trình điện nông thôn: Khó, vì sao?
  • Bộ... “góp gió thành bão”
  • Tăng trưởng kinh tế bền vững: Giải pháp "tự vệ" hiệu quả
  • Điện hạt nhân Ninh Thuận: Chọn công nghệ của nước nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi