Điểm khả quan thứ hai là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 3 tháng đã đạt 2,5 tỷ USD, trong đó, mức bình quân tháng 3 đạt kỷ lục (1,4 tỷ USD) báo hiệu cả năm sẽ tăng so với mức 10 tỷ USD của năm trước. Với những diễn tiến như vậy, có những dự báo được đưa ra rằng, mức giải ngân năm nay, thậm chí có thể vượt kỷ lục 12 tỷ USD của năm 2008. Nguồn vốn trong nước cùng với nguồn vốn này là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định xu hướng cao lên của tăng trưởng kinh tế.
Điểm khả quan thứ ba là tiêu thụ trong nước- biểu hiện chủ yếu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng- sau khi loại trừ yếu tố tăng giá đã tăng rất cao (tăng 14,5%, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng 6,5% của cùng kỳ năm trước) và trở thành động lực, cứu cánh của tăng trưởng kinh tế.
Điểm khả quan thứ tư là lượng khách quốc tế tăng khá, khiến lượng ngoại tệ từ du lịch tăng lên, cùng với sự tăng lên của kiều hối, ODA, đầu tư gián tiếp sẽ giảm sức ép tăng tỷ giá.
Điểm khả quan thứ năm là, nếu bằng giờ năm ngoái, tình trạng mất và thiếu việc làm gia tăng đáng lo ngại, thì năm nay, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị lớn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động! Đây là yếu tố quan trọng tác động về hai mặt: một mặt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế do góp phần làm tăng sức mua có khả năng thanh toán; mặt khác góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống của người lao động.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, kinh tế quý I cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước hai thách thức không nhỏ.
Nhập siêu lại trở thành điểm nóng, khi mức nhập siêu tăng lên qua các tháng và tính chung cả quý I đã vượt qua mức 3,5 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu ở mức 25,1%- cao hơn tỷ lệ khống chế theo mục tiêu và vượt qua mức an toàn. Nếu không có giải pháp quyết liệt và đồng bộ để kiềm chế, thì nhập siêu cả năm nay sẽ cao hơn mức 12,87 tỷ USD của năm trước, thậm chí còn cao hơn cả mức nhập siêu của năm 2008 (14,12 tỷ USD); tỷ lệ nhập siêu sẽ là năm thứ ba bượt qua mốc 20%. Nhập siêu cao tác động xấu đến cán cân thanh toán, đến dự trữ ngoại hối, đến tỷ giá VND/ngoại tệ, đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, gây ra nhập khẩu lạm phát, làm cho lạm phát ở trong nước bị khuyếch đại.
Nhập siêu cao do tác động của các yếu tố từ hai phía. Về phía xuất khẩu, kim ngạch đạt 14,01 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm dầu thô, than, đá quý kim loại quý và sản phẩm, gạo. Trong khi đó, về phía nhập khẩu, kim ngạch đã lên đến 17,525 tỷ USD, tăng tới 37,6%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng theo mục tiêu đề ra cho cả năm là không vượt qua 7%; trong khi các chuyên gia cảnh báo về lạm phát cao, thì các ngành có trách nhiệm chính trong việc kiềm chế lạm phát cho đến Tết Nguyên đán vẫn tỏ ra lạc quan trong việc dự báo và điều hành. Thực tế sau 3 tháng, giá tiêu dùng tăng 4,12%. Diễn biến này đặt ra câu trả lời khó: nếu thắt chặt tài khóa- tiền tệ thì sẽ khó cho tăng trưởng kinh tế đang vượt dốc đi lên để đạt tốc độ tăng cao hơn; nếu không thắt chặt tài khóa- tiền tệ, đặc biệt là nếu tỷ giá tăng, thì sẽ “cộng hưởng” với yếu tố tăng giá của thế giới, vừa không hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát đề ra, vừa tác động xấu đến mức sống thực tế của người tiêu dùng, vừa phải tốn kém chi phí để khắc phục và để khắc phục lại có hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế.
(Theo Minh Nhung // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com