Ngày 28-7, Tom Cannon (ảnh) - một trong những giáo sư xuất sắc về chuyên ngành phát triển chiến lược của ĐH Liverpool (Anh) đã có cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam xung quanh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tham vấn về cách thức vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này cũng như những chiến lược phát triển lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Tom Cannon nhấn mạnh:
Ông Tom Cannon |
Kinh tế châu Á đã ở đáy của cuộc khủng hoảng và bắt đầu có tín hiệu phát triển tích cực. Điển hình là những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đã cho thấy có sự tăng trưởng tốt. Trong khoảng 9 – 12 tháng tới, kinh tế châu Á sẽ bắt đầu có sự tăng trưởng tốt. Ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa thấy có tín hiệu khả quan; và theo tôi, nền kinh tế ở 2 khu vực trên chưa chạm đáy của khủng hoảng. Phải mất khoảng 3 năm nữa, 2 khu vực kinh tế này mới phục hồi bình thường trở lại được.
Tôi đã nghiên cứu khá nhiều về Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy suy giảm. Kinh tế Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt trong những tháng cuối năm 2009 và có thể phục hồi nhanh hơn vào năm 2010. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua nhiều phong ba bão táp. Sau mỗi lần khó khăn, dân tộc Việt Nam lại đứng lên mạnh mẽ hơn. Lịch sử đã minh chứng điều này. Tôi tin, nền kinh tế Việt Nam sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn để phát triển.
* PV: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là 2 thị trường châu Âu và Bắc Mỹ; song theo ông 2 thị trường này phải mất khoảng 3 năm nữa mới phục hồi. Cơ sở nào để ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh vào năm 2010?
* GS TOM CANNON: Theo nghiên cứu của tôi, hàng hóa của Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng lương thực thực phẩm. Việt Nam hoàn toàn có thể đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu lương thực thực phẩm. Trong thời kỳ khủng hoảng, người dân ở các nước châu Âu và đặc biệt là Hoa Kỳ đã quan tâm nhiều hơn những sản phẩm có tính cạnh tranh về giá và có nguồn cung cấp ổn định. Đây là 2 yếu tố mà Việt Nam cần tận dụng để tăng tốc xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Không chỉ vậy, nguồn lực lao động của Việt Nam cũng có những yếu tố rất cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh: lao động có tay nghề, kỹ năng; làm việc chăm chỉ, làm việc nhiều giờ.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên cần khai thác thế mạnh và xây dựng thương hiệu về lĩnh vực này, cần phát triển nhiều loại thực phẩm mới, có giá trị vượt trội so với thế giới. Nếu như Italia nổi tiếng với sản phẩm mì ống, Việt Nam có thể tập trung phát triển nâng tầm hạt gạo lên thành thương hiệu của mình bằng phương pháp sản xuất hiện đại, sử dụng công nghệ sạch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chiến lược tiếp thị hình ảnh, giới thiệu thương hiệu đến cộng đồng quốc tế.
* Trong thời kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tiến hành đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Theo ông, đó có phải là cách làm tốt?
* Có rất nhiều các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này, nhưng theo tôi, các doanh nghiệp nên tập trung vào những gì mình có thể làm tốt nhất.
* Vậy yếu tố nào mang tính quyết định cho nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua ảnh hưởng của khủng hoảng để phát triển bền vững?
* Mỗi một nền kinh tế khi gặp phải khủng hoảng cũng giống như một ngôi nhà bị cháy. Vấn đề mấu chốt theo tôi, sau khi bị cháy cần phải tạo ra một ngôi nhà ít có nguy cơ cháy hơn và có nhiều tiện ích hơn.
Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rõ rệt của khủng hoảng, vì thế trong khi ảnh hưởng của khủng hoảng, kinh tế Việt Nam cần tạo ra những cơ hội mới, phát triển nhiều ngành mới. Tôi tin Việt Nam có khả năng làm được điều này, vì nền kinh tế của các bạn hội tụ được 3 yếu tố: sự sáng tạo, con người có đầu óc kinh doanh và các nhà lãnh đạo có những chính sách thích hợp ứng phó với ảnh hưởng của khủng hoảng cũng như đề ra chiến lược phát triển dài hạn cho nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đầu tư cho giáo dục, giới trẻ và công nghệ là những yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế dài hạn.
Tôi cũng rất ấn tượng bởi tài năng và trí tuệ của con người Việt Nam khi gặp họ ở khắp nơi trên thế giới. Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, song sang năm 2010, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi mà các nước giàu chưa thể phục hồi. Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á sẽ phục hồi trước, sau đó là Hoa Kỳ và cuối cùng là châu Âu. Việt Nam sẽ đi lên khá nhanh, trước Hoa Kỳ và Anh nhờ vào hệ thống ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định.
* Cảm ơn ông!
Tom Cannon từng làm cố vấn cho nhiều chính phủ của nhiều quốc gia như làm cố vấn cho Singapore thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, cố vấn cho Trung Quốc thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, cố vấn cho Nga thời Tổng thống Vladimir Putin và cố vấn cho Anh thời Thủ tướng Tony Blair. Bên cạnh đó, ông là cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia lớn như: American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, Tesco, BT, NatWest Bank, BP, Shell, Hong Kong & Shanghai Banking Corporation (HSBC), Ernst & Young, Dow Chemicals, IBM, ICI, Wessex Water, Virgin, General Electric... |
(Theo Bích Hằng/SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com