Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý vốn tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước : Thúng báo cáo không úp nổi voi thực tế

Chuyện tập đoàn này, tổng công ty nhà nước kia chưa sử dụng hiệu quả những nguồn lực: vốn, tài sản… khổng lồ của nhà nước đã được nói rất nhiều trên báo chí, và các cuộc hội thảo, hội nghị. Nhưng sự thật về mức độ yếu kém đến thế nào trong việc sử dụng nguồn lực ấy, hôm 12.8 mới lần đầu tiên được công bố tại phiên họp của uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV.QH) trong một bản báo cáo giám sát về vấn đề này. Báo cáo cho biết mức độ báo động về sự lỏng lẻo trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nhiều năm qua.

“Các bộ, uỷ ban nhân dân (cấp tỉnh) hầu như không nắm được đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty 91… Chưa có cơ quan nhà nước nào nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin về vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Khi đoàn giám sát gửi yêu cầu tới bộ Tài chính, các bộ liên quan, các tập đoàn, tổng công ty từ cuối tháng 2.2009 mà đến tận cuối tháng 7.2009, đoàn vẫn không nhận được đầy đủ các thông tin cơ bản về tình hình vốn, tài sản theo yêu cầu. Chất lượng báo cáo cũng rất thấp”, ông Hà Văn Hiền, chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (QH) nêu tại cuộc họp. Cùng với những nhận định, đánh giá của đoàn giám sát rằng: hệ thống văn bản, chính sách pháp luật quản lý về tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành, sửa đổi; mô hình và phương thức quản lý nội bộ trong các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập; chưa tách bạch chức năng quản lý hành chính với chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu; việc chậm xây dựng hệ thống tiêu chí an toàn về tài chính trong sản xuất – kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty… có thể lý giải vì sao hiệu quả sử dụng những nguồn lực to lớn của nhà nước về tài chính, đất đai, tài nguyên… tại nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trong nhiều năm qua không đạt hiệu quả như mong đợi.

Những sự bất cập, yếu kém, thiếu vắng những cơ chế, chính sách trong quản lý tập đoàn như trên có thể nói, đã cắt nghĩa được vì sao một số tổng công ty nhà nước đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo tồn và phát triển vốn cổ phần thường (ROE), làm cho ROE của chúng bị giảm trong giai đoạn 2006 – 2008. Thậm chí có những tổng công ty bị lỗ như ông Hà Văn Hiền nêu tại buổi họp. Tình hình công nợ ở một số tập đoàn, tổng công ty cũng đáng lưu ý. Tổng nợ quá hạn của một số tập đoàn, theo đoàn giám sát công bố cũng lên tới vài ngàn tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn: quá hạn trên 360 ngày, nợ phải khoanh chờ Chính phủ xử lý… cũng là vấn đề tồn tại. Các khoản nợ phải thu ở nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổng công ty xây dựng cũng là vấn đề lớn. Trong báo cáo kiểm toán năm 2008, kiểm toán Nhà nước cũng đã đánh giá, “Quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ nên bị chiếm dụng vốn, phát sinh nợ khó đòi nhưng nhiều khoản nợ không xác định được đối tượng. Các doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau với số lượng lớn và kéo dài làm phát sinh lãi vay cao, nhiều khoản nợ không thể thu hồi…”

Sự yếu kém về quản lý vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty cũng dẫn đến hệ quả là nhiều tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tài chính: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư trong suốt thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý phát hiện, điều chỉnh kịp thời. Những con số về hậu quả của việc đầu tư trái ngành, trái nghề không được phép tiết lộ cụ thể nhưng một điều rõ ràng được kết luận là hầu hết các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ (có tổng công ty còn lỗ trên 1.000 tỉ đồng vì chứng khoán) hoặc không phát sinh lợi nhuận trong việc đầu tư chứng khoán hay góp vốn vào các quỹ đầu tư; hiệu suất đầu tư vào các lĩnh vực này của các tập đoàn, tổng công ty còn thấp hơn cả hiệu quả kinh doanh của chính các tập đoàn, tổng công ty đó… là thực tế đáng suy ngẫm.

Đáng tiếc là đưa ra được các vấn đề trên nhưng chính đoàn giám sát của UBTV.QH cũng lúng túng trong việc phân tích nguyên nhân và cũng như đưa ra các kiến nghị để chấn chỉnh tình hình. Tham dự cuộc họp, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra nhận xét rằng, báo cáo của đoàn giám sát chưa làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về ai mà để dẫn tới những yếu kém như đã nêu; đề xuất, kiến nghị với QH và Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước ở các tập đoàn còn dàn trải, chưa rõ.

Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cũng nói rằng, ông “không yên tâm” về những đánh giá của đoàn giám sát như: đa số các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả, kinh doanh có lãi, quy mô vốn chủ sở hữu được bảo toàn và không ngừng tăng… vì lâu nay, QH vẫn nghe đánh giá rằng, hiệu quả đầu tư vốn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là không cao, thể hiện qua hệ số ICOR không ngừng tăng và đặc biệt là so với khối doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI, hiệu quả kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là thấp hơn hẳn… Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trong lời kết luận phiên họp cho rằng: đoàn giám sát cần thêm thời gian để hoàn thiện báo cáo, trước khi được chính thức trình ra QH. “Báo cáo phải làm rung động các cơ quan quản lý, nhất là về quản lý cán bộ, đã xử lý các trường hợp vi phạm hay chưa… để từ đó tạo ra sự chuyển biến”.

(Theo Mạnh Quân/SGTT)

  • Dự án hạ tầng giao thông: “Nóng ruột” về tiến độ!
  • Giá điện thấp không hấp dẫn nhà đầu tư
  • “Khó quản” người đại diện vốn nhà nước kiêm nhiệm
  • Quản lý đất đai - Đụng đâu vi phạm đó
  • Lượng hoá hiệu quả kích cầu
  • Doanh nghiệp Đồng Nai: Chủ động hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh
  • Cổ phần hoá DNNN: Liên tục vỡ kế hoạch
  • Gói kích cầu 497: Nông dân khó “chạm tay”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi